Cầu thủ xứ Nghệ và trò "uy tín dởm" của thạc sỹ nước ngoài

Đức Phan |

(Soha.vn) - Nhiều cầu thủ xứ Nghệ đang tìm đủ mọi cách để không ra sân đối đầu với SLNA, thật chẳng khác nào trò "uy tín dởm" của vài thạc sỹ nước ngoài.

Cầu thủ xứ Nghệ và trò "uy tín dởm" của thạc sỹ nước ngoài
 

Dư luận đang xôn xao trước việc Hội Cựu học viên MBA Đại học Griggs tại Việt Nam vừa có đơn kiến nghị lên Thủ tướng đề nghị công nhận bằng thạc sỹ của họ, thay vì phải thi bổ sung chứng chỉ tiếng Anh như yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Số là trường ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức liên kết với Đại học Griggs (Mỹ) để liên kết đào tạo Thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) ở Việt Nam khi chưa được sự cấp phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi sai phạm này bị phát hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã linh động, tạo điều kiện cho các học viên đã tốt nghiệp có thể được công nhận bằng Thạc sỹ bằng cách bổ sung chứng chỉ tiếng Anh ở mức tương đương IETLS 6.5.

	Được nhận bằng quốc tế nhưng Thạc sỹ MBA ở Việt Nam lại không dám thi tiếng Anh

Được nhận bằng quốc tế nhưng Thạc sỹ MBA ở Việt Nam lại ngại thi tiếng Anh

Theo lẽ thường, khi đã học bằng tiếng Anh và được cấp bằng quốc tế thì việc thi thố để chứng minh mình đủ năng lực về ngoại ngữ có lẽ cũng chẳng mấy khó khăn. Thậm chí, nếu nhìn nhận tích cực thì đây có thể xem là cơ hội để các Thạc sỹ này chứng minh với xã hội rằng họ hoàn toàn đủ trình độ như tấm bằng của họ đã ghi nhận.

Ấy vậy mà, kì lạ thay, Hội Cựu học viên MBA Đại học Griggs tại Việt Nam còn làm đơn lên tận Thủ tướng với những lời lẽ rất thống thiết như: “bảo vệ quyền lợi, uy tín, kinh tế của hàng ngàn học viên MBA và các cơ quan tổ chức có liên quan”, để không phải thi tiếng Anh.

Rõ ràng là khó hiểu. Chẳng có cách nào bảo vệ uy tín của họ tốt hơn bằng cách tự chứng tỏ năng lực của mình cho người khác thấy (ở đây là một kì thi theo chuẩn quốc tế). Ấy vậy mà các Thạc sỹ này lại xin không phải thi để… bảo vệ uy tín. Câu hỏi đặt ra là phải chăng những học viên này không đủ tự tin vào khả năng ngoại ngữ của mình, dù đã có trong tay tấm bằng do nước ngoài cấp?

Nếu vậy thì quả thật là hài hước lắm thay. Nó cũng chẳng khác nào việc một số cầu thủ xứ Nghệ của Hà Nội T&T như Dương Hồng Sơn hay Hồng Tiến luôn rất sợ phải thi đấu với đội bóng quê hương.

	Dương Hồng Sơn khéo léo tìm cách

Dương Hồng Sơn khéo léo tìm cách "trốn" trận gặp SLNA

Cụ thể, ở trận lượt đi của mùa giải năm nay, cả 2 cầu thủ này đều xin BHL không phải thi đấu trận gặp Sông Lam Nghệ An. Còn ở trận lượt về vừa qua, trong khi Hồng Tiến tiếp tục xin nghỉ thì Dương Hồng Sơn bị nghi là chủ động “lĩnh thẻ” để có thể đường đường chính chính được theo dõi trận đấu từ trên khán đài.

Dương Hồng Sơn, Hồng Tiến hay bất kì cầu thủ xứ Nghệ nào khác đều là cầu thủ chuyên nghiệp. Mà đã phàm là chuyên nghiệp thì họ cần phải luôn “cháy” hết khả năng trước bất kì đối thủ nào, kể cả với đội bóng quê hương.

Đấy mới là cách giúp họ bảo vệ danh dự, tên tuổi của mình, cũng như thể hiện đúng tính chất chuyên nghiệp, tôn trọng công việc của chính bản thân. Nhưng buồn thay, các cầu thủ của chúng ta lại chọn cách trốn chạy, không dám chứng minh năng lực chuyên môn của mình, giống như câu chuyện của các thạc sỹ kể trên.

Thế mới thấy ở Việt Nam đúng là lắm chuyện lạ đời!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại