Trong danh sách cuối cùng của U23 Việt Nam đến Malaysia, HLV Miura điền tên đến 10 người từng chơi cho đội U19 năm ngoái.
Thậm chí nếu như những Hồng Duy, Xuân Trường, Tuấn Tài không dính chấn thương, số lượng “cựu U19” sẽ còn nhiều hơn nữa.
Việc sử dụng tới 10/23 cầu thủ thấp hơn hẳn so với mức tuổi tối đa cho phép là chuyện không thường xảy ra. Bởi ở độ tuổi này, trình độ cầu thủ phát triển rất nhanh. Chênh lệch 1, 2 năm sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn.
Nếu nhìn ra các đối thủ chính như Malaysia, Nhật Bản hay những “hàng xóm” Thái Lan, Indonesia, có thể thấy U23 Việt Nam đang “một mình một đường”.
Xét trên mặt bằng chung, U19 Nhật Bản là một trong những đội tuyển được đánh giá cao nhất châu lục. Trong đội hình của họ có nhiều cái tên được đánh giá cao và chơi bóng cho các CLB của J-League lẫn châu Âu.
Tuy nhiên bước vào vòng loại giải U23 châu Á, HLV Teguramori chỉ sử dụng đúng một người ở lứa U19 đó là Takumi Minamino.
U23 Malaysia sử dụng chủ yếu các cầu thủ trong đội hình từng tham dự giải Hassanal Bolkiah Cup tại Brunei và giải U21 báo Thanh niên năm 2014 ở Việt Nam.
Chỉ có một vài cái tên ở độ tuổi tương đương lứa Công Phượng như Ramzi Haziq Mohamad, Shafiq Shaharuddin, Mohd Faizat Ghazali. Trẻ nhất là chân sút S. Kumaahran mới 19 tuổi.
Đội U23 Thái Lan cũng không có nhiều những cái tên thuộc lứa U19. Lực lượng của HLV Kiatisak rất giàu kinh nghiệm. Phần lớn trong số họ đã thi đấu tại giải VĐQG Thái Lan.
Với gần chục cầu thủ từng khoác áo ĐTQG và thi đấu tại Asiad 2014 tại Hàn Quốc, U23 Thái Lan tràn trề hi vọng vượt qua vòng loại giải châu Á.
Một “hàng xóm” khác là Indonesia có gọi lên một vài cầu thủ thuộc đội U19 đã chơi các giải đấu năm ngoái. Tuy nhiên cũng chỉ có Evan Dimas Darmono cùng hậu vệ Pranata là được tin dùng nhất.