Chạy suốt 8 năm để thoát kiếp nô lệ

hongtrang |

Guor Marial là VĐV đặc biệt nhất trong lịch sử Olympic: không quê hương, không nhà tài trợ...

Quá khứ của Guor là đường marathon dài bất tận, anh chạy để tránh truy sát, để thoát kiếp nô lệ. Còn ở London 2012, anh chạy vì người tị nạn trên toàn thế gới, vì giấc mơ Nam Sudan...

chay-suot-8-nam-de-thoat-kiep-no-le

HÀNH TRÌNH MARATHON CỦA CẬU BÉ NÔ LỆ

Guor Marial thật không may mắn khi sinh năm 1984, thời điểm cuộc nội chiến Sudan lần thứ 2 giữa quân đội Sudan và quân giải phóng Nam Sudan mới diễn ra được một năm.

Cuộc nội chiến kết thúc vào năm 2005 với sự ra đời của Nhà nước Nam Sudan cùng hậu quả là hơn 2 triệu người dân vô tội ở miền Nam thiệt mạng do chiến tranh, nạn đói, bệnh tật gây ra bởi cuộc xung đột. Cuộc chiến còn tạo ra hơn 4 triệu người tị nạn Nam Sudan trên toàn thế giới.

Guor Marial là người thuộc bộ lạc Dinka, theo Công giáo. Cũng giống như các gia đình ở Nam Sudan, bộ lạc của Guor liên tục bị quân đội Sudan tấn công khiến họ phải chốn chạy trong các hang động. Trong bối cảnh bị truy sát và tên bay đạn lạc ấy, 28 người thân trong gia đình của Guor, trong đó có 10 anh chị em ruột của anh bị giết hại.

chay-suot-8-nam-de-thoat-kiep-no-le

Nhằm tránh cho Guor khỏi thảm cảnh có thể bị giết hại như các anh chị em của mình, bố mẹ Guor đã cố gắng gửi anh đến Thủ đô Khartoum cho một người chú để lánh nạn.

Nhưng trong khi gia đình chưa lo liệu được đủ tiền để gửi Guor đến Thủ đô thì cậu bé chậm chân này đã bị quân đội Sudan tóm sống trong một lần truy kích quân giải phóng trong ngôi làng của người Dinka. Guor bị quân đội phía Bắc bắt làm phục dịch trong quân như một kẻ nô lệ, khi ấy anh mới 9 tuổi.

Sau khi bị bắt, Guor đã chạy trốn khỏi quân đội nhưng thật không may, anh lại rơi vào tay của những người Arab du mục và bị bắt làm tên nô lệ chăn dê.

Không chấp nhận thân phận nô lệ, Guor bỏ chạy cả ngày lẫn đêm trên những hoang mạc mênh mông để rồi... lại bị quân đội Sudan tóm một lần nữa. Nhưng khát vọng tự do lại xui Guor bỏ trốn và sau vài tháng miệt mài chạy và chạy, Guor đã tới được nhà của người chú mình ở Thủ đô Khartoum.

Song, khi Sudan đang chìm trong cuộc chiến "nồi da nấu thịt" thì có nơi nào bình yên? Ở Khartoum, Guor và người chú của mình vẫn phải lẩn trốn sự truy sát những người theo Công giáo của cảnh sát. Và ác mộng đã đến với Guor vào một đêm năm 1999: Guor và người chú bị cảnh sát bắt giữ, anh bị một viên sĩ quan dùng báng súng trường đập vỡ quai hàm.

Không thể sống được ở Khartoum, Guor lại phải chạy trốn. Nhưng đi đâu? Không cần biết, anh lại bắt đầu hành trình marathon bất tận của mình để tìm kiếm mảnh đất của tự do và rồi Guor đến được Ai Cập. Đến năm 2001, Guor và người chú của mình được nhập cư vào Mỹ theo quy chế tị nạn, chính thức chấm dứt hành trình marathon tìm tự do.

ĐƯỜNG ĐẾN LONDON CỦA CHÀNG TRAI BỘ LẠC DINKA

Không ai săn đuổi Guor ở xứ sở của Nữ thần Tự do, nhưng dường như marathon đã ngấm vào máu của chàng trai bộ lạc Dinka từ thời thơ ấu, khi anh sinh ra đã phải chạy như một bản năng sinh tồn hay vì tự do.

Thế nên ở Mỹ, Guor vẫn chạy và anh được phép sử dụng đường chạy của Trường Đại học Arizona. Nhưng đường chạy hiện đại của trường đại học như Arizona không giống lắm với những chặng đường đầy cát bụi mà Guor từng trải qua trong suốt thời thơ ấu nên chàng trai ấy chủ yếu luyện tập trên những đại lộ lớn.

Tuy nhiên, một VĐV tự do và không danh tiếng như Guor sẽ không có nhà tài trợ, nên để sống và để nuôi giấc mơ marathon, Guor phải làm việc cật lực suốt đêm từ 23 giờ cho đến 9 giờ sáng hằng ngày. Guor cho biết: "Tôi làm việc cật lực cả đêm và ban ngày thì luyện tập, cũng vất cả nhưng vẫn sướng chán so với những gì tôi đã từng trải qua trong quá khứ".

Tháng 6 năm ngoái, Guor bắt đầu tham gia cuộc đua marathon chính thức đầu tiên trong sự nghiệp ở Minneapolis và anh cán đích với thành tích 2 giờ 14 phút, đủ tiêu chuẩn để tham dự Olympic. Sau đó, Guor từng giành chức vô địch giải chạy xuyên quốc gia và được Trường Đại học Iowa trao suất học bổng thể thao.

Guor đủ tiêu chuẩn tham dự Olympic, nhưng anh chưa có quốc tịch Mỹ. Quốc gia Nam Sudan mới chính thức được công nhận vào năm ngoái, chưa thành lập được Ủy ban Olympic nên Guor cũng không thể thi đấu dưới lá cờ Nam Sudan. Trước khó khăn này, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã đề nghị Guor thi đấu dưới lá cờ của Cộng hòa Sudan, nhưng Guor kiên quyết từ chối.

Bởi theo Guor: "Nếu tôi thi đấu cho Sudan, tức là tôi sẽ phản bội lại quê hương Nam Sudan của mình, phản bội những người thân của tôi đã chết trong cuộc nội chiến".

Trước quyết tâm và khát vọng của Guor, IOC đành đặc cách cho phép anh được thi đấu với tư cách VĐV tự do dưới lá cờ Olympic. Dù quyết định của IOC là quá muộn (hơn nửa tháng trước London 2012 khởi tranh), nhưng chính quyền 2 nước Anh và Mỹ vẫn cố gắng cấp visa cho Guor. Toàn bộ chi phí đi lại tới London do IOC tài trợ.

CHẠY VÌ NGƯỜI TỴ NẠN VÀ GIẤC MƠ NAM SUDAN

Thành tích tốt nhất trên đường chạy marathon của Guor là 2 giờ 12 phút 55 giây trong cuộc thi ở San Diego, bang California vào tháng trước. Với thành tích này, chẳng ai dám kỳ vọng chàng trai của bộ lạc Dinka thi đấu dưới lá cờ Olympic sẽ bước được lên bục vinh quang trên đường đua marathon của London 2012 vào Chủ nhật ngày 12/08 tới.

Tuy nhiên, Guor khẳng định anh sẽ nỗ lực hết mình, không chỉ vì giấc mơ huy chương. Quan trọng hơn, anh hy vọng sự xuất hiện của mình tại London 2012 sau những gì khủng khiếp đã trải qua trong qua khứ sẽ truyền cản hứng cho trẻ em trên khắp hành tinh. Đồng thời việc này sẽ khuyến khích tinh thần của người tị nạn Nam Sudan đang sống rải rác ở khắp các lục địa và làm cho cộng đồng thế giới chú ý đến một quốc gia non trẻ mang tên Nam Sudan.

Guor nói: "Nam Sudan cuối cùng đã trở thành một phần của thế giới. Dù tôi mang lá cờ Olympic thay vì cờ của quốc gia mình, nhưng không sao cả. Quốc gia tôi là ở đây, giấc mơ của tôi đã trở thành hiện thực. Đó là một phép màu mà Chúa đã ban tặng cho tôi, Chúa muốn tôi giúp đỡ những con người cùng khổ như tôi".

Trả lời phỏng vẫn hãng tin Reuters khi đặt chân xuống sân bay Heathrow, London, Guor hồ hởi: "Giấc mơ của tôi đã trở thành hiện thực, tôi sẽ chạy vì người tị nạn quê hương tôi, để xóa bỏ ký ức buồn của tôi và tôi tin người Mỹ, người Nam Sudan và bạn bè trên thế giới sẽ ủng hộ tôi".

Từ Nam Sudan, Tổng thống Salva Kiir Mayardit xúc động nói: "Những con người như Guor thật đáng kính trọng. Chẳng ai trả cho họ một xu, họ làm tất cả vì một lý do duy nhất: nhân đạo".

chay-suot-8-nam-de-thoat-kiep-no-le

Người dân Nam Sudan trong một trại tị nạn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại