Vượt qua Mexico và Pháp ở bán kết với cùng tỷ số 2-0, Brazil và Bồ Đào Nha tái ngộ nhau sau tròn 2 thập kỷ kể từ thời hai bên tranh chức vô địch giải trẻ thế giới, tiền thân của World Cup U20.
Hướng tới trận chung kết tại Bogota vào sáng Chủ nhật tới, hẳn mọi người đều liên tưởng lại cuộc so tài thượng đỉnh ở Lisbon 20 năm trước. Bồ Đào Nha đánh bại Brazil trên chấm luân lưu với tỷ số 4-2 (hai đội hòa 0-0 sau 120 phút) để đăng quang tại giải vô địch trẻ thế giới 1991. Đội chủ nhà lên ngôi xứng đáng với thế hệ vàng Luis Figo, Rui Costa, Joao Pinto, Abel Xavier trong đội hình.
Khi đoàn bại binh đến từ xứ Samba khóc nức nở sau loạt sút luân lưu may rủi trên sân da Luz, Henrique mới được 1 tháng tuổi. 20 năm trôi qua thật mau. Nay chân sút đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới tại giải U20 thế giới năm nay (5 bàn) chuẩn bị cùng đồng đội bước vào cuộc so tài của hai đối thủ khác nhau như nước với lửa. Trong khi Brazil tiến đến chung kết bằng sức mạnh tấn công vũ bão, thì BĐN lầm lì bò vào trận đấu cuối dựa trên hàng thủ siêu kiên cố.
Kể từ khi giải U20 thế giới mở rộng số đội lên 24 từ năm 1997 đến nay, chưa có đội nào vào đến chung kết mà ghi ít bàn như BĐN. Tổng số bàn thắng của họ qua 6 trận đấu đã đấu mới chỉ dừng lại ở con số 5, vừa bằng số lần lập công của riêng tiền đạo Henrique bên Brazil. Bù lại, BĐN vẫn chưa để bất cứ đối thủ nào khoan thủng lưới.
“Có rất nhiều cách để chơi bóng. Nếu BĐN lên ngôi mà không để thua bất kỳ bàn nào cả giải lần này thì chức vô địch của họ hoàn toàn xứng đáng”, HLV Francis Smerecki của đội tuyển Pháp nhận xét về lối chơi đang bị đánh giá là thiếu quyến rũ của BĐN.
Ngược lại, càng chơi các cầu thủ trẻ Brazil càng phô diễn tính cống hiến. Brazil đang cùng Nigeria dẫn đầu về thành tích ghi bàn với 15 lần sút tung lưới đối phương. Henrique sau cú đúp vào lưới Mexico hiện sánh ngang chân sút Alvaro Vasquez của Tây Ban Nha với 5 lần lập công. Bộ đôi Philippe Coutinho - Dudu mỗi người cũng đã có 3 lần chọc thủng lưới đối phương. Trừ trận hòa 1-1 với Ai Cập, trận nào Brazil cũng ghi từ 2 bàn trở lên.
Sự tương phản giữa cách thắng của hai đội tiếp tục được thể hiện ở lượt trận bán kết vừa qua, bất chấp cách biệt 2-0 giống nhau trên 2 bảng tỷ số. BĐN dù sớm có 2 bàn ngay trong hiệp 1 nhưng lại có tỷ lệ cầm bóng và sút cầu môn ít hơn Pháp. Brazil tuy phải đợi đến 10 phút cuối mới hạ được Mexico nhưng vẫn áp đảo về số cơ hội ăn bàn.
Nên nhớ rằng 20 năm trước, Brazil cũng tiến vào chung kết bằng hành trang 14 bàn thắng (sau 5 trận) trong khi BĐN cũng đến đích cuối cùng mà chỉ để lọt lưới 1 lần. Sau 20 năm, liệu tương quan về tính hiệu quả giữa công cường Brazil và thủ cứng BĐN có khác?
Theo Báo Bóng đá