Bóng đá Việt Nam: Hết “bôi đen” lại “tô hồng”

Theo DanViet |

Bao năm qua, bóng đá Việt Nam vẫn mãi loay hoay trong “ao làng” Đông Nam Á (ĐNÁ). Và hiện tại, VFF, VPF có vẻ vẫn chưa biết rõ mình là ai, và đang đứng ở đâu.

Cứ đi mà không biết… đi đâu

Gần 6 năm trước, khi đội tuyển BĐVN lọt tới tứ kết ASIAN Cup 2007, người hâm mộ cả nước mừng rơi nước mắt. Bất chấp HLV A.Riedl thời điểm đó đã nói thẳng thành tích đó chỉ là may mắn, nhưng nhiều người có trách nhiệm vẫn nghĩ cái ngày BĐVN vươn lên tầm châu lục đã ở gần lắm rồi! Và tới AFF Cup 2008, khi thầy trò HLV Calisto vô địch ĐNÁ, niềm tin đó càng được khẳng định cho dù không ít chuyên gia vẫn nói rõ: “Chiếc Cúp đó cũng là… ăn may”.


	Các trận đấu V.League đang rất “khó lường”

Các trận đấu V.League đang rất “khó lường”

Phải tới những thất bại liên tiếp tại SEA Games 2009, 2011; AFF Cup 2010 và “đỉnh cao” là AFF Cup 2012, tất cả mới nhận ra mình đang giậm chân tại chỗ. Sự loay hoay chưa tìm ra lối thoát của BĐVN thể hiện rõ nhất qua các đời HLV đến rồi lại đi. Mọi thứ cứ lặp đi lặp lại đến phát chán, cứ sau một thất bại, lại thay thầy. Rồi tiếp tục bàn ra tán vào xem chọn thầy nội hay ngoại, dù có thể, VFF đã có chủ kiến từ lâu!

Thực tế, thất bại AFF Cup 2012 có tồi tệ đến thế không? Và tại sao không có ai ở VFF mạnh dạn đưa ra những phản biện cần thiết để bảo vệ HLV Phan Thanh Hùng. Nhận định từ mấy năm trước của chuyên gia Nguyễn Văn Vinh đến giờ vẫn còn nguyên giá trị: “BĐVN có những chiến thắng rất đẹp nhưng cũng không biết tại sao. Có những trận thua đau đớn cũng không biết rút kinh nghiệm từ đâu…”.

Ở góc độ này, lời tâm sự mà như “trách móc” giới truyền thông của ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF có phần đúng: “Kinh tế thế giới và Việt Nam khó khăn nên ảnh hưởng tới chuyện vận động tài trợ, đó là điều đương nhiên. Nhưng cái khó nhất là thời gian qua, bức tranh BĐVN được phản ánh trên các phương tiện truyền thông “tối” quá. Lòng tin của người hâm mộ bị sứt mẻ nên các đơn vị có ý muốn tài trợ cũng e ngại”.

Đi tìm giá trị thật

Nhưng bầu Thắng nói riêng và các ông bầu “tai to mặt lớn” nói chung ở VPF cũng đừng quên rằng chính họ là người đã đưa ra miếng “bánh vẽ” 50-100 tỷ đồng/năm tiền bản quyền truyền hình. Để đến lúc này, chính họ (chứ đừng nói tới người hâm mộ, các đội bóng…) cũng phải thất vọng khi Hội đồng bảo trợ BĐVN gắn với ý tưởng của bầu Kiên vẫn chưa (và không biết khi nào) mới có thể trở thành hiện thực.

Nhưng còn có một điều đáng sợ hơn cả miếng “bánh vẽ” nói trên, là dường như lãnh đạo VFF, VPF lại đang cố “tô hồng”, không chấp nhận thực tế xấu xí của bóng đá nước nhà.

Đại diện Việt Nam dự AFC Cup, cả SHB.Đà Nẵng và XMXT.Sài Gòn đều đang thể hiện phong độ rất thất thường. Cứ hễ khi nào nhiều người nghĩ họ sẽ thắng thì họ lại thua hoặc hòa và ngược lại (?!).

Thẻ phạt tăng thì lý giải không phải do bạo lực mà là các trọng tài được khuyến cáo xử phạt mạnh tay. Trọng tài mắc sai lầm làm thay đổi kết quả trận đấu thì nói đó là sai sót rất “con người”, chứ không có tiêu cực gì(?!).

Nổi cộm nhất là vụ “vỡ” sân Vinh vòng 5 V.League 2013, khán giả giẫm đạp lên nhau để được… xem bóng đá, có người đã bị ngất phải cấp cứu tại chỗ. Vậy mà ban tổ chức sân chỉ bị phạt… cảnh cáo vì chủ quan, không dự báo được tình hình (?!).

Vậy phải chăng V.League đang cực kỳ hấp dẫn (khán giả tới sân đông) với đầy tính bất ngờ (đại gia Bình Dương đá 6 trận thì thua tới 5; còn tân binh Đồng Nai yếu và thiếu về mọi mặt lại đang đứng trong tốp đầu)?

Chia sẻ với Dân Việt về vấn đề này, một thủ môn từng khoác áo đội tuyển quốc gia, hiện đang thi đấu ở V.League, cho biết: “Với đa phần các đội bóng hiện nay, trong đó có đội của tôi, đá thắng cũng được, thua cũng chẳng buồn, chẳng có gì tiếc nuối. Vô địch thì tốt rồi nhưng không vô địch, thậm chí rớt hạng cũng chẳng sao.

Lương cầu thủ vốn đã giảm, thưởng giờ lại không có, thì thử hỏi anh em lấy động lực đâu mà chiến đấu hết mình”. Vậy thì chẳng có gì bất ngờ nếu có đội bóng hay anh em cầu thủ nào đó túng quá làm liều “vừa đá và cá” để kiếm thêm.

Xem ra, thay vì cứ xuất hiện trên các khán đài vào mỗi buổi cuối tuần, ngồi xem, vỗ tay khen giải hay quá, người hâm mộ đã trở lại khi bóng đá “sạch”, vô tư, thì VFF, VPF nên cố gắng tìm cách kiếm thật nhiều tiền về cho bóng đá nước nhà. Như vậy, BĐVN mới có cơ hội vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế để phát triển vững vàng hơn trong tương lai.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại