Đấy là vấn đề của những nhà tổ chức, điều hành nền bóng đá, của các đội bóng và cả giới thưởng thức, tức khán giả. Nói theo kiểu cách của chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn chỉ là phong trào hưởng lương cao.
Nói thế là chạm tới tự ái của dân phong trào, vẫn gọi nôm na là “dân phủi”. Thực tế là phong trào, đặc biệt là công tác tổ chức và khẩu hiệu chơi có ý thức bây giờ, đã phát triển lên một tầm cao mới, chứ không “phủi” nữa. Ở một chừng mực nào đó, nó còn rất chuyên nghiệp, trở thành một công nghệ ra tiền và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội.
Phong trào hoá giải chuyên nghiệp
Bạo lực, sai số trọng tài có thời kỳ lên đến đỉnh điểm và chưa có biểu hiện dừng lại, khiến giới truyền thông, cũng như người hâm mộ từng phải dùng từ “vấn nạn”. Nạn dàn xếp tỷ số, đi đêm, móc ngoặc, "bán mình cho quỷ"... vừa được đưa ra ánh sáng mấy vụ, cũng chưa hẳn là cuối cùng. Nhà tổ chức vừa chạy vừa xếp hàng, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi liên tục mà vẫn chưa hợp thời... Chúng ta đang nói đến bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam.
Chưa hết, nhà tài trợ ngoảnh mặt làm ngơ, ông bầu lũ lượt rủ nhau bỏ cuộc chơi. Hệ thống đào tạo trẻ bị lãng quên suốt mồi thời gian dài. Các khán đài trống vắng, thưa thớt như Chùa Bà Đanh, ngay tại các trận đấu V-League, giải đấu từng được người trong cuộc tự phong là số 1 Đông Nam Á. Bản quyền truyền hình các trận đấu chỉ được rao bán với giá rẻ hoặc được đổi bằng vài “shot” hình quảng cáo của nhà đài. Chất lượng đầu ra (các đội tuyển quốc gia) đi xuống có hệ thống...
Sau thời gian dài tung hê, hoặc nói theo ngôn ngữ hiện đại là “tự sướng”, các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia đang trôi dần về vạch xuất phát, từ công tác tổ chức đến chiến lược làm bóng đá không đầu, cũng chẳng đuôi. Vẫn kiểu tư duy nhiệm kỳ, khi đã 3 năm qua, kể từ khi VPF (Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) ra đời và nhận thầu tổ chức các giải đấu, vẫn không biết bằng cách nào đó sinh lời, tự chủ. Họ vẫn mải miết chạy theo các CLB, cho đến khi bị bỏ lại.
Dẫu biết, bóng đá nói thì dễ hơn làm nhiều. Song với những bước lùi sau hơn 1 thập kỷ lên chuyên, bóng đá chuyên nghiệp đang có xu hướng... phong trào hóa, nếu nhìn vào công tác tổ chức lẫn tính hiệu quả mang lại.
Và chuyên nghiệp hoá phong trào
Nhắc lại, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh nhận định, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là phong trào hưởng lương cao, chưa hẳn đã đúng về bản chất. Cơ chế điều hành và tổ chức các giải bóng đá phong trào cũng rất chuyên nghiệp và minh bạch tài chính là rất quan trọng. Đông tay thì vỗ nên kêu, ở phong trào, cũng có hẳn các ban bệ vận động tài trợ, điều hành và họ thực sự làm việc rất hiệu quả. Lệ phí tham dự giải luôn được đóng trước giờ bóng lăn, nhưng phần nhiều dành cho nguồn lực xã hội.
Các giải bóng đá phong trào luôn được đơn vị tổ chức tính toán chi li, từ nhà tài trợ chính, đến nhà tài trợ phụ, đồng tài trợ... Quyền lợi cũng được quy định rõ ràng, công khai. Tức là, nhà tổ chức (có cả trăm ngàn nhà tổ chức các giải phong trào trên khắp mọi miền tổ quốc, với riêng TP.HCM, mỗi năm có đến cả trăm, thậm chí cả ngàn giải đấu đủ thể loại mặt sân, ở mỏi ngóc ngách của đời sống bóng đá – PV) hiếm khi nào “ăn” vào tiền kinh phí, cũng như tiền ký quỹ của các đội.
Đừng tưởng các giải đấu phong trào chỉ có quy mô nhỏ, ngược lại, toàn tiền tỷ cả đấy! Nhưng quan trọng hơn, nó có ích cho xã hội, để rồi tất cả đều vui vẻ tham gia, chứ không gượng ép. Từ các Công ty chuyên viết ý tưởng, sau đó bán lại, đến các đơn vị trực tiếp tổ chức những giải đấu, thường chỉ phải thực hiện đúng cam kết là đủ, chứ ít phải chịu những áp lực vô hình và hữu hình. Đó là khác biệt lớn nhất so với VPF, đơn vị đã và đang đứng ra “thầu” các giải bóng đá chuyên nghiệp.