Bóng đá Việt: Đẽo cày giữa đường

An Chi |

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam quyết tâm theo đuổi mô hình bóng đá Nhật Bản. Đùng một cái, mới đây chúng ta lại chuyển hướng học mô hình của Hàn Quốc.

Sự loay hoay, tính toán và chưa tìm được con đường phù hợp cho mình, khiến bóng đá Việt hệt như bác nông dân trong câu chuyện “đẽo cày giữa đường”.

Học người Nhật

Một năm trước, Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) đã ký hợp đồng hợp tác với J-League (Nhật Bản) và cũng cử một đoàn mấy chục người sang “nghiên cứu, học hỏi” đối tác. Chẳng ai phản đối Việt Nam học Nhật Bản cách làm bóng đá.

Có thể khẳng định rằng, Nhật Bản là nền bóng đá phát triển đứng đấu châu Á. Họ làm bóng đá (nhất là công tác đào tạo trẻ) rất chuyên nghiệp, giống các nền bóng đá tiên tiến của châu Âu.

Ở Nhật Bản, những người làm công tác quản lý chú trọng đến việc đào tạo tư duy bóng đá cho các cầu thủ trẻ, tiến hành dạy cho cách em chơi bóng bằng đầu, sau đó mới tính đến chuyện dạy các em các yếu tố khác như nền tảng thể lực, sức mạnh cơ bắp…

VFF, VPF hợp tác với K-League.
VFF, VPF hợp tác với K-League.

Đó là cái gốc rễ của vấn đề, là sự phát triển lâu dài và bền vững, chứ không theo kiểu ăn xổi, hái ngọn như ở Việt Nam.

VFF và Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản đã ký kết một văn bản mang tính bước ngoặt về chiến lược, đó là chương trình hợp tác bóng đá giữa hai nước trên 7 lĩnh vực. Chưa bao giờ và chưa khi nào, bóng đá Việt Nam lại có một sự hợp tác chặt chẽ và toàn diện đến như thế.

Cả 2 vị trí HLV trưởng ĐTQG nam và nữ đều do HLV người Nhật đảm nhiệm. Nhật Bản cũng cử rất nhiều chuyên gia sang giúp giải V-League chuyên nghiệp hơn, trong đó từng có người làm trưởng giải V-League.

Theo Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, 3 nhiệm vụ trọng tâm của VFF nhiệm kỳ này là nâng tầm ĐTQG, nâng cao chất lượng V-League và nâng cao chất lượng đội tuyển nữ theo hướng trẻ hóa để có trình độ ngang tầm châu lục.

Những mục tiêu này, đang được cụ thể hóa, với sự giúp sức đắc lực từ người Nhật Bản.

Chuyển hướng sang Hàn Quốc

Chỉ cách đây ít ngày, gần 40 quan chức, cán bộ VFF và VPF tham dự chuyến công tác nghiên cứu, học hỏi bóng đá chuyên nghiệp Hàn Quốc K-League (giải nhà nghề Hàn Quốc).

Hàn Quốc cũng là một nền bóng đá phát triển hàng đầu châu Á và đang tạo ảnh hưởng với nhiều quốc gia trong châu lục về cách làm bóng đá. Thế nhưng, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu 1 năm trước, VPF đã ký hợp đồng hợp tác với J-League.

Và điều đáng nói hơn, đó là V-League vốn được ra đời dựa trên mô hình của K-League cách đây 15 năm.

Nghĩa là sau chừng đó năm, bóng đá Việt Nam lại quay trở về mô hình cũ. Chúng ta từng học K-League vào năm 1995 nhưng không thể ứng dụng được.

Bây giờ thì Hàn Quốc vẫn ứng dụng theo khung đấy, còn ta thì quên hết những bài học của 20 năm trước, vẫn vướng cái vòng luẩn quẩn.

Nhiều người đã nói vui, sau khi “học” J-League và chưa kịp “hành” thì bóng đá Việt Nam lại tính đường học K-League, chẳng khác nào “đẽo cày giữa đường”.

Thực tế, ngay trước chuyến đi của các quan chức VFF và VPF, nhiều người đã cho rằng chuyến du học này giốn như “cưỡi ngựa xem hoa”. Bởi, liệu sau chuyến đi này, các quan chức VFF, VPF rồi có thay đổi tư duy, thay đổi cách làm gì không?

Bài học về chuyến du học Nhật Bản vẫn còn rất giá trị. Hai năm trước, dù chưa hiểu rõ J-League, chúng ta đã tuyên bố sẽ “học theo mô hình Nhật Bản” trong khi trên thực tế, J-League ở một trình độ và nền tảng khác biệt so với bóng đá Việt Nam.

Sau đó, để áp dụng thật nhanh mô hình bóng đá Nhật Bản, VFF và VPF đã tiến hành “Nhật hóa”, nhưng sự thành công không như mong đợi.

Tân Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng thừa nhận:

“Có những vấn đề như môi trường xã hội của họ khác chúng ta, nếu mình áp dụng ngay thì không được hoặc mình phải có sự biến đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam chứ không thể áp dụng một cách dập khuôn.

Chứng kiến mô hình thực tế của họ để chúng ta tìm ra lối đi để hướng đến và từng bước làm theo”.

Việc chúng ta đi học hỏi mô hình, hay tham khảo những nền bóng đá phát triển, đó là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, học như thế nào và áp dụng ra sao, thì phải đúng theo thực tế của bóng đá Việt Nam, chứ đừng theo dạng “đẽo cày giữa đường”, khiến V-League trở nên méo mó, còn các đội tuyển thì mất bản sắc vì thay HLV trưởng liên tục.

ĐTQG cũng “đẽo cày giữa đường”

Trong khu vực, Việt Nam là một trong những nước thay nhiều HLV ngoại nhất.

Đến thời điểm hiện tại, chúng ta có gần chục thầy ngoại và mỗi thời kỳ, mỗi người lại đưa ra một lối chơi khác nhau, thậm chí phủ nhận nhau.

Những ông thầy người Brazil, Pháp, Bồ Đào Nha, Đức, Nhật Bản… mỗi người đều muốn tạo nên phong cách riêng của mình trong lối chơi của ĐTQG, nên đến giờ ĐTVN và U23 Việt Nam vẫn loay hoay với vấn đề bản sắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại