Bóng đá thời công nghệ

Công Luận |

(Soha.vn) - Trận đấu tới, Chelsea sẽ là đội bóng đầu tiên của Premier League được áp dụng công nghệ điện tử khi thi đấu. Ở khung thành của hai đội và bên trong quả bóng thi đấu đều có gắn mạch điện tử.

Tại giải đấu Club World Cup, FIFA đã quyết định áp dụng thử công nghệ điện tử vào trong bóng đá. Có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, quyết định đã được thông qua và Chelsea là đội bóng đầu tiên ở châu Âu được dùng thử công nghệ này.

GoalRef – được gắn vào bên trong quả bóng.

Trong những ngày qua, các cầu thủ đã được tập luyện với quả bóng mới do hãng Adidas sản xuất. Quả bóng mới này có gắn một thiết bị điện tử bên trong tương thích hệ thống bảng mạch được gắn trong khung gỗ.

Cũng giống như quả bóng mà hãng Adidas được sử dụng ở World Cup 2010 – Jabulani, trái bóng mới này không được nhiều người hưởng ứng. 

Ý kiến chung cho biết rằng, các cầu thủ gặp không ít trở ngại trong việc kiểm soát trái bóng, đồng thời họ cũng quan ngại về đường bay của quả bóng.

Lampard tập luyện với quả bóng mới của Adidas có gắn GoalRef

HLV Benitez cũng than phiền rằng, các cầu thủ của ông gặp khá nhiều khó khăn trong việc làm quen với trái bóng. Và khi chưa thể thích nghi hoàn toàn với công nghệ mới thì Chelsea khó có thể chơi với hiệu quả cao nhất.

Trung vệ Gary Cahill cho biết: “ Chúng tôi gặp không ít khó khăn khi sử dụng quả bóng, tôi chưa nhận thấy sự tiện dụng của nó, tôi chỉ thấy nó nặng nề hơn. Nhưng có lẽ thời gian tới chúng tôi sẽ quen với việc kiểm soát trái bóng mới này."

Và một số người khác cùng đội của Cahill cũng cho rằng, trái bóng có đường đi rất lạ, bóng thường bị lắc khi thực hiện những đường chuyền dài hoặc sút xa. Họ cũng lo lắng về việc, khi gắn thêm thiết bị GoalRef thì trái bóng sẽ có xu hướng cứng lại và nặng hơn khi thi đấu trong điều kiện thời tiết lạnh.

Cùng với sự liên kết với bộ vi mạch ở khung thành, GoalRef được tương thích với vòng đeo tay của trọng tài. Khi có tình huống xảy ra, tín hiệu từ trái bóng sẽ được gửi tới trọng tài chỉ sau 0,3 giây. Vậy nên, sẽ không mất nhiều thời gian để trọng tài đưa ra quyết định bóng đã vào lưới hay chưa.

Hệ thống Eye Hawk – (Mắt Diều Hâu) được gắn trong khung thành.

Hệ thống Mắt Diều Hâu không còn lạ lẫm với NHM, nó đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều môn thể thao như Criket hay Tennis. Thế nhưng việc đưa công nghệ Mắt Diều Hâu vào trong bóng đá bấy lâu nay vẫn là một câu chuyện gây tranh cãi.

Rõ ràng, khi sử dụng công nghệ tiên tiến này, khán giả có thể được xem một cách chính xác rằng bóng đã lăn qua vạch vôi hay chưa và nếu mới chỉ liếm vạch thì bao nhiêu phần trăm bóng ở trong vạch. Việc này sẽ hoàn toàn chấm dứt câu chuyện tranh cãi của cầu thủ về chuyện công nhận những bàn thắng mập mờ.

Mắt Diều Hâu không chỉ ghi lại hình ảnh của trái bóng ở vạch vôi mà còn có một bảng mạch điện tử liên kết với trái bóng, hệ thống sẽ được tự động “đóng mạch” khi bóng đi qua vạch vôi. Ngay lập tức, tín hiệu gửi tới trọng tài để họ đưa ra quyết định cuối cùng.

Petr Cech ngẩn ngơ nhìn hệ thống Mắt Diều Hâu

Và cũng như trái bóng mới của Adidas, hệ thống Eye Hawk cũng vấp phải sự phản kháng của nhiều người trong nghề.

“Tôi không thích áp dụng công nghệ vào trong các trận đấu” - Benitez. “Đôi khi bạn phải mất nhiều thời gian để dừng trận đấu để xem lại băng ghi hình và mất đi kịch tính trong các cuộc chơi. Tôi nhớ có một trận đấu bóng Bầu Dục. Họ đã mất 3 phút để xử lý tình huống. Ba phút, biết bao điều có thể xảy ra trong 3 phút!”

Nhưng khi nhìn ở khía cạnh tích cực, nếu công nghệ Mắt Diều Hâu được áp dụng sớm hơn thì đã không còn những tình huống gây tranh cãi làm đảo lộn cục diện trận đấu. 

Còn nhớ cách đây hơn 2 năm tại World Cup 2010, trận đấu giữa Anh và Đức, Lampard tung một cú sút trái phá, bóng đập xà ngang và cắm xuống đất. 

Thực sự trong tình huống đấy, bóng đã đi qua vạch vôi. Nhưng vì mọi chuyện xảy ra quá nhanh, trọng tài không kịp nhìn rõ và bóng lại nẩy ra ngoài, vậy nên bàn thắng đã không được công nhận.

Nếu áp dụng công nghệ này từ trước thì bàn thắng đã được công nhận cho Lampard. Tỉ số lúc đấy sẽ là 2-2 và mọi thứ sẽ khác đối với ĐT Anh chứ không phải đón nhận một thất bại 4-1 trước ĐT Đức. Trường hợp của Lampard chỉ là một ví dụ, trên thế giới đã có rất nhiều trường hợp tương tự và cũng không ít cầu thủ hay đội bóng đã phải ôm hận khi bị từ chối bàn thắng.

Nhưng dù có thế nào đi nữa, việc áp dụng công nghệ vào trong bóng đá vẫn không được nhiều người hưởng ứng. Quả thực, những tình huống gây tranh cãi do trọng tài lại chính là một thứ gia vị không thể thiếu được trong bóng đá. Nếu như mọi thứ rạch ròi quá thì lại “mất vui”.

Thử tưởng tượng xem, có một ngày trên sân không còn ông vua áo đen nữa. Thay vào đó sẽ là rất nhiều hệ thống điện tử, mắt Diều Hâu được gắn khắp sân. 

Cầu thủ sẽ chẳng còn ai để cãi mỗi khi bị thổi phạt vì tất cả đã được máy móc xử lý. Và như thế, những người cầm bút biết phân tích điều gì sau trận đấu?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại