Cái lắc đầu của HLV Nguyễn Hữu Thắng giống như một sự khẳng định rằng đội bóng xứ Thanh không phải đích đến lý tưởng trong nghiệp cầm quân của ông.
Nó cũng tương tự như chuyện, sau khi bảo vệ thành công tấm HCĐ tại V-League 2015, những nhà làm bóng đá ở xứ Thanh hồ hởi nói về những kế hoạch nâng tầm đội bóng.
Song đến lúc này, chưa có “quả bom” nào được CLB Thanh Hóa kích nổ trên thị trường chuyển nhượng, ngoại trừ những cái tên khá khiêm tốn như Đình Đồng, Văn Bình hay Thanh Thắng - vốn đều là “hàng thải” từ CLB cũ.
Trước nay, xứ Thanh chưa bao giờ được xem là miền đất hứa của giới cầu thủ. Nhưng đấy là khi họ còn mang danh đội bóng nghèo.
Sự xuất hiện của nhà tài trợ mới hồi giữa mùa giải 2015 đã mang đến một cuộc đổi đời đúng nghĩa dành cho các cầu thủ. Nếu biết về tầm cỡ của nhà Mạnh Thường Quân này, ai cũng sẽ hiểu rằng họ không thiếu tiền.
Cứ mỗi trận thắng tại V-League 2015, cầu thủ CLB Thanh Hóa đều đặn nhận 500 triệu tiền thưởng. Con số này vài năm trước hãy còn là giấc mơ đối với họ và tương đương mức thưởng của nhà vô địch Bình Dương, cao nhất V-League.
Kế hoạch đầy tham vọng của bóng đá xứ Thanh còn được thể hiện qua dự định xây dựng sân vận động mới có sức chứa 40.000 chỗ (ngang sân Mỹ Đình) để thay thế cho sân cũ có sức chứa khoảng 10.000 người.
Nhưng những bài học “ăn bánh vẽ” trong quá khứ khiến bóng đá Thanh Hóa dường như chưa muốn “trao thân” trọn vẹn cho nhà tài trợ mới.
Trên thực tế, tuy CLB bóng đá FLC Thanh Hóa hoạt động theo danh nghĩa của mô hình công ty cổ phần thể thao nhưng cơ chế của nó vẫn là nhà nước và doanh nghiệp cùng làm.
Hiểu một cách đơn giản hơn, cũng đổ tiền đầu tư vào đội bóng như bầu Đức (HAGL) hay bầu Hiển (Hà Nội T&T), nhưng nhà tài trợ mới của đội bóng xứ Thanh không có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan.
Điều này bị xem là nút thắt khó gỡ với tân Mạnh Thường Quân của CLB Thanh Hóa. Vì một khi đầu tư nhưng không nắm quyền chủ động, họ sẽ không thể biết rõ dòng tiền của mình chảy về đâu.
Đây có thể coi là lý do khá xác đáng giải thích cho việc, dù rất khát khao “lên đời” nhưng đội bóng xứ Thanh vẫn chưa “phá két”. Và mỹ từ “đại gia” vẫn chỉ là câu chuyện để nói cho… vui.
Trong quá khứ, bóng đá Thanh Hóa từng không ít lần bị trả giá bởi niềm tin dành cho các nhà tài trợ.
Một ví dụ "kinh điển" giờ vẫn được nhắc lại là Xi măng Công Thanh nhảy vào làm bóng đá với những hứa hẹn "đi mây về gió".
Để rồi sau đó, ông chủ của doanh nghiệp này bỏ của chạy lấy người, khiến bóng đá xứ Thanh lao đao suốt mấy năm.