Bắt đầu từ năm ngoái, AVG trở thành đối tác nắm trọn quyền sở hữu bản quyền truyền hình các trận đấu V-League và hạng Nhất. Theo số liệu thống kê, tổng số các trận đấu ở V-League 2011 được truyền hình trực tiếp là 325 trận, với tổng giá trị là 6 tỷ đồng. Con số này được VFF chia theo nguyên tắc 50-50.
Phần lớn các CLB tin rằng giá trị hợp đồng ấy quá thấp. Bản thân bầu Kiên, người được cho là "thủ lĩnh" của VPF khi lên tiếng giữa cuộc họp ngày 29/9 đã khẳng định: "Luật Thể dục thể thao quy định các CLB, đội bóng chuyên nghiệp là chủ sở hữu của giải thể thao chuyên nghiệp đó. Vậy thì, việc VFF bán bản quyền V-League đến 20 năm mà không thông qua các CLB là vi phạm luật".
Dù vậy, qua trao đổi điện thoại, Phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung lại cho rằng: "Hoàn toàn sai lầm nếu ai đó cho rằng AVG sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG là hợp pháp và không thể thay đổi".
Ông Dũng khẳng định: "Bản quyền V-League thuộc sở hữu VFF. Một vài CLB lên tiếng đòi đồng sở hữu bản quyền vì được chia lợi nhuận. VFF tôn trọng quyền lợi không đồng nghĩa với quyền sở hữu. Giống như anh đến ở trọ nhà tôi rồi sau đó anh lại kiện đòi quyền sở hữu căn nhà". Phát biểu ấy là một đòn phản công nhằm vào ý định đòi VFF trả quyền ký hợp đồng bản quyền truyền hình của VPF.
Quan điểm cứng rắn này được lãnh đạo VFF nhất trí rất cao. Ngoài các ông Lân Trung, Hùng Dũng, thì cả Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn cũng cho rằng, nếu có một sự thay đổi trong vấn đề bản quyền thì đó chỉ có thể là VFF ký và trao lại cho VPF khai thác. Bởi đơn giản, "V-League là của VFF và VPF đóng vai trò điều hành thay".
Theo Giadinh.net