Bác sĩ Chelsea bị phân biệt giới tính: Bình đẳng nào cho phái nữ?

Cẩm Oanh |

Nước Anh từng tự hào khi khoảng cách giới tính được thu hẹp trong bóng đá. Ở đó, nổi lên những bóng hồng tài sắc nắm giữ chức vụ cao ở các CLB. Nổi bật có Karen Brady, Carolyn Radford, Marina Granovskaia...

Nhưng ít ai biết được rằng đằng sau sự ca tụng của báo chí thế giới, họ phải chịu đựng những gì khi làm việc trong môi trường phái mạnh chiếm đa số.

Nữ giới đang chịu đựng

Một video được thu bởi phóng viên BBC cho thấy nữ bác sĩ Eva Carneiro của Chelsea bị chế nhạo trong các trận đấu gần đây. Ngay cả những trận đấu với Man United và Man City, Eva cũng bị quấy rối.

Cô là nữ bác sĩ hiếm hoi làm việc tại một CLB hàng đầu nước Anh. Hơn nữa, Eva còn xinh đẹp. Vì thế, cô trở thành đối tượng của phân biệt giới tính.

Trong video của BBC, có thể nghe thấy những lời tục tĩu từ trên khán đài dành cho Eva mỗi khi cô đến gần với đường piste.

Phân biệt giới tính chẳng chừa một ai. Ngoài Eva (một bác sĩ), Helen Byrne (trợ lý trọng tài) cũng chịu đựng hoàn cảnh tương tự.

Ngay cả người ngồi ở ghế cao cấp trong một CLB bóng đá như Carolyn Radford cũng không thoát khỏi vấn nạn này.

Giám đốc điều hành của Mansfield Town cho biết khi cô nhậm chức vào năm 2011, CĐV đã chế nhạo cô. "Người hâm mộ hô vang những ca từ tỏ ý phân biệt, họ chế giễu tôi bằng những từ tục tĩu. Nó thực sự làm tôi tổn thương".

Thành viên hội đồng quản trị Liên đoàn bóng đá Anh, Heather Rabbatts, mô tả phân biệt giới tính đang ngày càng "khủng khiếp" trong bóng đá.

Tính riêng trong mùa này, có 25 trường hợp phân biệt giới tính được báo cáo lên Tổ chức Women in Football. Mùa trước, chỉ có 2 trường hợp.

Con số ít ỏi đó không phản ánh đúng thực tế. Một phần cũng bởi "nạn nhân" cảm thấy rằng họ nên chịu đựng nó, thay vì khiến mọi thứ trở nên rùm beng.

Carolyn thừa nhận điều này. "Nếu những từ mà họ thốt lên có ý kỳ thị chủng tộc, tôi đã làm ầm lên. Và chắc chắn người ta sẽ làm điều gì đó để chấm dứt việc này.

Nhưng vì tặc lưỡi cho qua, vì cho rằng cứ coi đó là những câu chọc ghẹo, tôi đã chấp nhận chịu đựng".

Cần một quy chuẩn

Phân biệt giới là thứ đã cố thủ trong nền văn hóa bóng đá. Thời mà phân biệt chủng tộc bị bài trừ, kỳ thị đồng tính bị đem ra mổ xẻ, phân biệt giới vẫn được coi là điều gì đó không đáng để quan tâm.

Ngày 8/3 này vì thế được coi là thời điểm để thay đổi.

Một phát ngôn viên của Chelsea nói với The Guardian: "Vấn đề bình đẳng là một trong những việc chúng ta phải nghiêm túc thực hiện.

Chúng tôi ghét cay ghét đắng các hành động phân biệt đối xử theo bất cứ cách nào, trong đó có cả phân biệt giới tính. Hành vi như vậy không thể chấp nhận được và chúng tôi muốn loại bỏ nó khỏi các trận đấu".

Để làm được điều đó, nạn nhân cần nhận được sự khích lệ để báo cáo sự việc bởi người hâm mộ, CLB có hành vi phân biệt giới sẽ không thể bị trừng phạt nếu thiếu chứng cứ.

Về phía cơ quan có thẩm quyền, cần đưa ra một quy chuẩn để bài trừ phân biệt giới khỏi bóng đá.

Man City cho biết họ sẵn sàng hưởng ứng chiến dịch với điều kiện: "Chúng tôi cần một hướng dẫn cụ thể, một chương trình đào tạo về phân biệt giới tính trong các trận cầu tiếp theo".

20: Phái nữ hiện chiếm 20% số lượng quan chức và nhân viên làm việc tại Premier League. FA muốn con số này phải tăng thêm. Để hoàn thành mục tiêu đó, trước hết họ phải tập trung giải quyết vấn nạn phân biệt giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại