Ồ, thế thì tốt chứ sao.
Các HLV đã cười và bảo: Tốt gì mà tốt, ai cũng bảo HLV phải cam kết là con em mình phải được như Ánh Viên ! Mọi người tưởng cứ tập bơi khơi khơi là thành Ánh Viên cả. Vì vậy đề nghị nhà báo phải nói cho mọi người hiểu.
Đúng vậy, thể thao là một nghề vô cùng khắc nghiệt. Một VĐV thành công đòi hỏi phải có nhiều yếu tố hội tụ. Thứ nhất là phải có khả năng trời cho, có thể hình phù hợp với từng môn. Thứ hai là bản thân VĐV phải có ý chí phấn đấu thật cao.
Thứ ba là phải gặp đúng thầy giỏi. Thứ tư là phải có yếu tố may mắn. Và hôm nay chúng tôi muốn bàn về yếu tố thứ tư này, bởi cái sự may mắn này nó thật vô chừng.
Ví dụ Ánh Viên mà không gặp một loạt yếu tố may mắn thì cũng chỉ loanh quanh gặt hái huy chương trong nước. Bởi vì bơi lội là môn thể thao diễn ra trong môi trường không thuận lợi với con người, nên vai trò của khoa học hết sức quan trọng.
Cụ thể chính lãnh đạo ngành thể thao cũng phải thừa nhận rằng nếu Ánh Viên mà không đưa sang Mỹ tập huấn, ắt khó được như hôm nay.
Nói đến chữ may của Ánh Viên thì lớn lắm. Này nhé, từ một cô bé con nhà nghèo, may mắn gặp được HLV Đặng Anh Tuấn. Khi HLV Tuấn đề xuất đưa Ánh Viên sang Mỹ tập huấn, cô chưa là gì cả.
Vậy nhưng, lại gặp may khi gặp được ông Nguyễn Thành Lâm - giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 2 (Thủ Đức) - ủng hộ hết mình.
Tiếp đến, đề xuất ra đến Tổng cục TDTT cũng được thông suốt, và Viên trở thành tay bơi nhí đầu tiên được đưa sang Mỹ đào tạo. Một sự thông suốt đến chính ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên trưởng đoàn thể thao VN - cũng lấy làm bất ngờ!
Trong khi đó, những ngày gần đây chúng ta theo dõi câu chuyện của cô bé Nguyễn Diệp Phương Trâm mà lo giùm. Chúng tôi mới được nghe một chuyện thú vị, đó là trong chuyến Ánh Viên từ Mỹ quay về dự Đại hội TDTT toàn quốc 2014, có một HLV người Mỹ đi cùng.
Tại đây, vị HLV người Mỹ này đã xem Phương Trâm thi đấu và rất thích. Có lẽ vì vậy mới bắt đầu dẫn đến hàng loạt chuyện lùm xùm gần đây?
Ở đây không bàn chuyện đúng sai trong vụ đôi co giữa CLB Yết Kiêu với gia đình Phương Trâm mà chỉ nói đến chuyện “may”.
Rõ ràng, con đường bước vào nghiệp bơi lội của Trâm không may mắn như Ánh Viên. Chưa biết đoạn sau có được giải quyết ổn thỏa cho tài năng trẻ này phát triển hay không?
Và lời kết của câu chuyện: ngày nào các tài năng thể thao còn phải dựa nhiều vào yếu tố “may mắn” thì ngày ấy khó nói là thể thao thật sự chuyên nghiệp.
Ngành thể thao cần phải làm được một điều quan trọng: xây dựng cơ chế để tuyển chọn và phát triển tài năng một cách minh bạch, rõ ràng, thông thoáng nhằm giảm thiểu việc dựa vào yếu tố may mắn!