Phải thừa nhận rằng, Chelsea bề thế và hùng mạnh được như ngày hôm nay cũng là nhờ Abram. Từ một đội bóng tầm trung ở Premier League và đang ngập trong nợ nần rồi bỗng chốc trở thành một thế lực của châu Âu. Nếu không nhờ tiền của ông Vua dầu mỏ thì vì đâu?
Thành công là thế nhưng đến hôm nay, Chelsea trông thật thê thảm và tàn tạ. Người ta đổ lỗi cho cầu thủ đá kém, cho HLV không biết cách khiển quân… Nhưng sâu xa bên trong, thất bại của Chelsea lại chính vì ngài chủ tịch đáng kính của mình.
1. Ngay khi lên làm người lãnh đạo đội bóng, Abram đã không ngại ngần công bố tham vọng của mình khi muốn đưa Chelsea lên ngôi đầu của Premier League cũng như thế giới.
Với tiềm lực tài chính hùng hậu, Abram coi tiền như “cỏ rác” khi chẳng để tâm nhiều đến việc phải chi bao nhiêu vì đơn giản là ông ấy thích và ông sẽ giải quyết mọi việc bằng tiền.
Chelsea đã trải qua biết bao thương vụ thất bại mà Abram vẫn chưa rút ra được bài học. Ông không tiếc tiền ném vào thị trường chuyển nhượng và mua sắm dựa trên sở thích của bản thân.
Vị chủ tịch người Nga không quá quan tâm tới việc cầu thủ đó có phù hợp với đội bóng hay không và ý kiến của HLV ra sao? Chỉ cần cầu thủ đó đang “ngon” là ông sẵn sàng “phá két” để mua anh ta về.
Thảm họa chuyển nhượng một thời của Chelsea
Chỉ có hai con người có thể coi là quyết định đúng đắn nhất mà Abram đã đưa về. Một con người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên nền tảng, cũng như định hình lối chơi cho đội bóng thành London – HLV Mourinho.
Và người còn lại là công thần đã giúp Chelsea vươn lên đỉnh cao của Premier League và Champions League – Voi rừng Drogba.
2. Dĩ nhiên, Abram xuất thân là người kinh doanh. Với một nhà đầu tư thì mọi khoản tiền chi ra đều nhằm mục đích sinh lời trong thời gian ngắn nhất. Cũng vì lý do đó mà tỉ phú người Nga không ngại ngần chi tiền để đạt mục đích sớm nhất.
Thế nhưng, những khoản tiền mà ông chi ra lại thiếu định hướng lâu dài. Abram muốn đốt cháy thời gian phát triển của một đội bóng bằng tiền. Và tất nhiên ông cần một con tốt thí để ông có thể chảm mỗi khi Chelsea không được như kỳ vọng.
Chelsea thiếu một định hướng cụ thể trong đường lối phát triển
Những người đã đến dẫn dắt Chelsea, họ đều là những vị HLV có tài và nổi danh thế giới. Nhưng tất cả họ đều đến vào rời khỏi London một cách chóng vánh. Nguyên nhân cũng là bởi vị chủ tịch của Chelsea có quá nhiều tham vọng.
Ông muốn Chelsea vô địch Premier League, rồi sau đó là Champions Legaue và giờ đây ông muốn có một Chelsea quyến rũ. Ước vọng của Abram thay đổi từng ngày thì vị HLV nào có thể giúp ông?
Không có nhiều thời gian để làm việc cùng cầu thủ của mình thì việc không tìm được tiếng nói chung và định hình lối chơi cũng như chỉnh đốn lại đội bóng là một điều khó khăn. Nhưng Abram không cho họ thời gian để làm điều đó. Với ông, thất bại đồng nghĩa với sa thải. Ông không bao giờ đổ lỗi cho các cầu thủ, người phải chịu trách nhiệm mãi mãi là các vị HLV.
Việc có quá nhiều HLV đến rồi đi như vậy cũng dẫn đến một hệ lụy, Chelsea không có cái gọi là bản sắc riêng. Vì hiển nhiên, The Blues không có cơ hội và thời gian để làm được điều đó.
Hãy nhìn những Man Utd hay Arsenal, đội bóng của họ dù có thăng trầm đến đâu thì ban điều hành vẫn giữ lại HLV của mình. Và ở những CLB đó, HLV họ có tiếng nói. Còn ở phía Tây thành London, HLV chỉ là cái nghề hữu danh.
3. Cái nghiệp HLV ở Chelsea bị coi là hữu danh cũng chỉ vì Abram quá yêu chiều, cưng nựng cầu thủ. Vì ông cho rằng, chiến thắng của một đội bóng hoàn toàn dựa vào cầu thủ. HLV chỉ là người bảo ban cầu thủ tập luyện, sắp xếp đội hình làm sao cho hợp lý.
Việc xem nhẹ sự quan trọng của HLV đã dẫn đến một hậu quả, các cầu thủ quá tự mãn vào bản thân. Ở Chelsea bấy lâu nay tồn tại cái gọi là “thế lực đen” ở ngay giữa phòng thay đồ. Và các vị HLV hiểu rằng, họ muốn tồn tại thì phải triệt hạ được mối nguy hại này.
Nhưng đã bao đời “tướng” trôi qua nào đã có ai làm được chuyện đó. Để “đá đít” những John Terry và Frank Lampard ra khỏi Chelsea đâu phải chuyện dễ dàng.
Điều đó gần như không thể vì Abram quá “yêu” các anh. Ở Stamford Brigde, T26 và L8 là hai nhân vật được coi là “bất khả xâm phạm”. Cầu thủ của Chelsea nghe lời họ còn hơn cả HLV. Vì họ hiểu rằng: Theo Terry thì sống và chống Terry thì chết.
Hai nhân vật "bất khả xâm phạm" ở Stamford Brigde
Không giống với cái cách giữ người tài để phục vụ như Man Utd, Chelsea giữ người để rồi bị thống trị. Chẳng hay, Abram có nhận ra không, chính những người mà ông quý hơn vàng kia lại đang phá hỏng ước mơ của mình.