Thực tế là với không ít cầu thủ từng một thời lầm lỡ đã đứng lên ở ngay nơi họ ngã xuống và lấy lại hình ảnh bản thân cũng như có những đóng góp thiết thực cho ĐTQG.
Trong số 9 cầu thủ V.Ninh Bình vừa bị VFF ra thông báo treo giò vĩnh viễn, người được cho là cầm đầu Trần Mạnh Dũng chính là cậu học trò từng được HLV Phan Thanh Hùng kỳ vọng rất nhiều khi còn chơi trong màu áo U17 Việt Nam vô địch Đông Nam Á năm 2007.
1. Trên thực tế, trước khi án phạt của VFF được đưa ra, người ta đã nghe phong thanh thông tin từ những người đứng đầu tổ chức này về việc sẽ vĩnh viễn loại bỏ những người đã lỡ “bán mình cho quỷ” khỏi đời sống bóng đá.
Tức là các cầu thủ không chỉ bị treo giò vĩnh viễn, mà sự nghiệp huấn luyện của họ (nếu có) cũng bị triệt tiêu từ trong trứng nước. Đấy là những nỗ lực được cho là rất đáng khen của lãnh đạo VFF trong việc triệt hạ mầm mống tiêu cực, vốn đã tồn tại hàng thập niên.
Theo thông tin của Thể thao & Văn hoá, trong ngày hôm qua (26/12, tức là chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi án phạt được tuyên), rất đông các cầu thủ đã trở lại Ninh Bình để xin lãnh đạo đội bóng đất cố đô làm đơn kháng cáo trình lên VFF.
Nền bóng đá vốn không thiếu những tiền lệ “không đánh người chạy lại” hoặc chí ít cũng giảm nhẹ án phạt. Tuy nhiên, lần này có thể sẽ không có thêm bản án nào được giảm nhẹ, vì e rằng điều đó sẽ khiến cho giới bóng banh lờn thuốc.
Trần Mạnh Dũng bị xem là người chủ mưu trong vụ án tiêu cực của V.Ninh Bình. Ảnh: VSI
Cách đây hơn nửa thập niên (1/2007), khi các bản án dành cho Quốc Vượng, Văn Quyến và đồng phạm từ vụ Bacolod được tuyên, có lẽ họ cũng rơi vào trạng thái như người “chết đuối” giống Mạnh Dũng, Quang Hùng… hiện tại.
Không lâu sau đó, VFF xét lại và giảm án, để rồi kể từ giai đoạn 2 mùa giải 2008, những Quốc Anh, Phước Vĩnh, Hải Lâm… có cơ hội trở lại với sân cỏ. Dĩ nhiên là mọi chuyện đều không dễ dàng chút nào, khi cuộc sống cá nhân của họ vốn đã bị đảo lộn rất nhiều.
2. Sau vụ việc đen tối ở Bacolod năm 2005, cả Văn Quyến và Quốc Anh đều đã có những dự định cho tương lai. Trong một chia sẻ hồi đầu năm 2006, thần đồng bóng đá Việt Nam Phạm Văn Quyến đã toan đi học nghề để ít nhất không trở thành kẻ ăn bám mẹ già.
Quyến nói: “Nếu người ta triệt đường quay lại với bóng đá của tôi, có lẽ tôi cũng cần tính cho mình một con đường khác. Tôi còn mẹ già và còn cả sức dài vai rộng, không thể chỉ ngồi đó mà tiếc nuối, dằn vặt hay ăn mày dĩ vãng cho được”.
Trong khi đó, ở Đà Nẵng, Phước Vĩnh đã bắt đầu đánh những chuyến hàng đầu tiên cho cửa hàng quần áo của mình.
Quốc Anh, một trong những cầu thủ có tiếng thông minh và được ăn học tử tế, nộp đơn đến các lớp tin học và ngoại ngữ vào ban đêm để mở lại nghiệp bút nghiên và được vài Công ty có tiếng ở Quảng Nam và Đà Nẵng mời về làm việc.
Nhưng, mọi thứ rất khó khăn. “Tôi không làm tốt được bất cứ việc gì cả, khi đầu óc cứ lởn vởn 2 từ bóng đá cùng những điều đã qua”, Quốc Anh nhớ lại.
Trên thế giới có không ít cầu thủ từng thành công ở lĩnh vực khác ngoài bóng đá, khi buộc phải sớm chia tay sự nghiệp thi đấu cũng như huấn luyện.
Song sự thật rằng, ở Việt Nam, chuyện này là rất hiếm, bởi kiến thức và mặt bằng học vấn của đại bộ phận các cầu thủ thấp hơn nhiều so với mặt bằng xã hội.
Như với Quang Hùng trong một chia sẻ: “Liệu tôi có cơ hội làm lại không? Tôi xin lỗi và cầu mong mình sẽ được trao cơ hội trở lại với sân cỏ, bởi ngoài bóng đá ra, tôi thực sự không giỏi việc gì cả”.
Nghe đau, đau lắm và nó đâu chỉ là bài học để răn đe nhỉ?!
Tâm sự với Thể thao & Văn hóa, ông Nguyễn Văn Sỹ, cựu HLV trưởng V.Ninh Bình, nói: “Trước khi ra một quyết định hệ trọng nào, ảnh hưởng đến không chỉ sự nghiệp, mà còn cả cuộc đời của một ai đó, chúng ta nên cân nhắc.
Triệt tiêu mọi khát vọng của họ sau chỉ một sai lầm mà cầu thủ mắc phải là điều không nên. Tôi kỳ vọng VFF sẽ xem xét lại tất cả những gì mà cầu thủ từng cống hiến suốt một quá trình cho đến trước khi họ mắc sai lầm”.