Thể thao Việt Nam từng mất suất dự Olympic vì doping

MINH CHIẾN |

Câu chuyện doping luôn ám ảnh với các nền thể thao và thể thao Việt Nam từng mất suất Olympic vì sự cố Olympic, điều không ai muốn.

Thể thao Việt Nam từng mất suất dự Olympic vì doping- Ảnh 1.

Thể thao Việt Nam vẫn phải kiểm soát kỹ càng vấn đề doping để tránh sự cố đáng tiếc. Ảnh: MINH MINH

> Thể thao Việt Nam không thể xem nhẹ vấn đề doping

Thể thao Việt Nam đang nỗ lực thi đấu tranh các tấm vé chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Chính vì vậy, không ai muốn mọi nỗ lực bị ảnh hưởng từ bất cứ tác động nào.

Dẫu thế nhìn lại lịch sử, chúng ta phải thấy thực tế là Việt Nam từng mất suất Olympic vì vấn đề doping. Chúng ta đã giành được 3 vé chính thức của môn cử tạ để dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 với các trường hợp Thạch Kim Tuấn (61kg), Vương Thị Huyền (49kg), Hoàng Thị Duyên (59kg) sau khi họ đạt được điểm số qua các giải vòng loại Olympic giai đoạn trên. Tuy nhiên, đến khi Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) công bố chính thức danh sách VĐV được đi Nhật Bản thi đấu Olympic trên thì cử tạ Việt Nam chỉ được 2 suất do chúng ta bị phạt vì từng có 4 lực sỹ dính doping trong các giải quốc tế trước đó. Cuối cùng, Việt Nam đăng ký Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020.

Việc Vương Thị Huyền không được dự Olympic vì lý do bất khả kháng và bắt nguồn từ câu chuyện doping của thể thao Việt Nam là điều không ai muốn nhắc lại. Nhưng rõ ràng, sự việc trên là một trong những bài học sâu sắc để thể thao chúng ta phải cẩn trọng trong công tác chuẩn bị chuyên môn cũng như thực hiện phòng, chống doping trong thể thao. Ở Đông Nam Á, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia từng bị cấm dự Olympic môn cử tạ do liên quan tới doping.

Trong buổi làm việc trực tiếp cùng các đội tuyển thể thao Việt Nam đang tập huấn, tập luyện Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương và Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt tìm hiểu thực tế sự tập luyện chuyên môn của từng VĐV trọng điểm. Trong đó, công tác y tế cũng được báo cáo tới cấp lãnh đạo nhưng rõ ràng, tất cả đều rất cẩn trọng về chuẩn bị sức khỏe để không ai bị sơ sảy điều đáng tiếc. Theo Cục TDTT, vấn đề doping của tuyển thủ aerobic vừa được Liên đoàn thể dục thế giới (FIG) là điều không mong muốn và ngành thể thao sẽ tiếp tục rà soát các đội tuyển thể thao quốc gia, đảm bảo tốt nhất các thuốc men đúng với quy định.

Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam sẽ thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024 là tổ chức lấy 17 mẫu kiểm tra doping ngoài thi đấu trước Olympic. Đồng thời, dự kiến 28 mẫu sẽ được lấy trong các giải vô địch quốc gia của các môn thể thao ở năm nay.

Năm 2022, Việt Nam tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần 9. Đại hội đã tổ chức thực hiện lấy mẫu kiểm tra doping theo quy định và đã có 3 trường hợp của môn cử tạ, hơn 5 trường hợp của môn thể hình dính doping. Sau đó, Hội đồng kỷ luật đã được thành lập và ra các án phạt. Qua tìm hiểu, các trường hợp dính doping của Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 đã nhận án phạt của Việt Nam. Tuy nhiên, mọi thông tin được giữ kín cũng như danh tính ai đã dương tính với chất cấm là không tiết lộ. Về điều này, chỉ Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam mới cụ thể nhất danh sách VĐV trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại