Âu lo trước giờ khai mạc
Không khó hiểu khi những nhà tổ chức Olympic 2016 có chút tỏ ra lo lắng ngay cả khi họ đã tổ chức khá thành công World Cup bóng đá 2 năm trước. Lý do là trong một thế giới đầy bất ổn như hiện nay, các tổ chức khủng bố trở thành cơn đau đầu của tất cả các quốc gia đăng cai tổ chức những sự kiện xã hội mang tính khu vực và toàn cầu.
Chủ nhà Brazil khẳng định “tất cả đã được chuẩn bị”. Chính quyền thành phố Rio de Janeiro sẽ “đóng cửa” 38 con phố dẫn đến sân Maracana trong vòng 20 tiếng trước buổi lễ. Bao phủ xung quanh sân vận động sẽ là 88.000 cảnh sát và lính có vũ trang, con số gấp đôi so với Olympic ở London.
Đại diện chính quyền thành phố Rio - ông Leonardo Maciel - cho biết, cảnh sát Brazil đang phối hợp cùng các cơ quan tình báo của hơn 100 quốc gia để lên các phương án bảo vệ và ngăn chặn nguy cơ khủng bố: “Kế hoạch đã được đưa ra và nếu cần thiết, chúng tôi sẽ thay đổi”.
Ông Maciel cho biết BTC đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đón tiếp 45 nguyên thủ quốc gia tới dự lễ khai mạc. Điều khá đáng tiếc là bà Dilma Rousseff - người bị tạm đình chỉ chức vụ Tổng thống Brazil - không tham dự.
Vì một số lý do, Tổng thống Nga Putin nhiều khả năng cũng không chắc tới Rio. Chính quyền Brazil cho biết riêng Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ được các nhân viên an ninh chủ nhà bảo vệ đặc biệt.
Nhưng lễ khai mạc sẽ đậm chất lễ hội Carnival
Hiển nhiên, một đất nước lễ hội quanh năm như Brazil thì lễ khai mạc sẽ đậm chất latinh và những màn trình diễn gợi cảm thường thấy trong các lễ hội Carnival.
Buổi lễ khai mạc hứa hẹn sẽ diễn ra đầy màu sắc theo tinh thần lễ hội Carnival đường phố, cùng với đó là những trang phục sặc sỡ và gợi cảm của những nữ vũ công.
Theo BTC, lễ khai mạc này rất tiết kiệm, mức chi phí chỉ khoảng 5 triệu USD. “Chúng tôi còn nghèo và cũng vừa tổ chức World Cup cách đây không lâu nhưng chắc chắn khán giả sẽ ngạc nhiên” - đạo diễn Fernando Meirelles cho biết.
Dự kiến 3 tỉ người sẽ theo dõi lễ khai mạc này qua TV và mạng xã hội, còn tại Rio, giá vé để vào sân là từ 60USD đến 1.350USD.
Giấc mơ huy chương Olympic của thể thao Việt Nam
Trong lịch sử tham dự Olympic, thể thao Việt Nam mới chỉ đoạt được 2 HCB của Trần Hiếu Ngân năm 2000, Hoàng Anh Tuấn năm 2008.
Để chuẩn bị cho việc tham dự Olympic 2016, ngành thể thao đã bỏ ra khoản kinh phí lên tới 40 tỉ đồng để tập huấn cho các VĐV. Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh cho rằng “từ sau SEA Games 2011 rồi Olympic 2012, ngành thể thao Việt Nam đã tập trung mũi nhọn vào các môn Olympic.
Đó là định hướng đúng đắn, phù hợp và giúp các môn Olympic của Việt Nam ngày càng tốt hơn. Tôi đánh giá, nếu được đầu tư tiếp tục nhiều năm nữa thì trong một vài kỳ Olympic, VĐV Việt Nam tự tin giành được huy chương chứ không chỉ nỗ lực phấn đấu, kỳ vọng...”.
Đa số những người còn lại đều trẻ tuổi đời. Như chàng trai được trao nhiệm vụ cầm cờ cho đoàn Việt Nam tại lễ khai mạc là Vũ Thành An (đấu kiếm) năm nay mới bước vào tuổi 24.
Thạch Kim Tuấn (cử tạ) đang ở tuổi 22 nhưng đủ năng lực là người mạnh nhất nhì hạng 56kg thế giới, đồng thời là niềm hy vọng huy chương số 1 của thể thao Việt Nam. Một Vương Thị Huyền (cử tạ) mới phát lộ tài năng và đang đứng thứ nhì thế giới hạng 48kg nữ cũng mới tròn 24 tuổi.
Nhiều hơn Huyền 1 tuổi có Phan Thị Hà Thanh (TDDC) và cô gái được mệnh danh “nữ hoàng thể dục” của Việt Nam đang rất tự tin để chứng tỏ năng lực trong lần thứ 2 thi đấu tại Olympic ở Rio de Janeiro năm nay.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Ánh Viên mới bước sang tuổi 20 đã quen mặt với nhiều người và số HCV cô đạt được có thể xếp đầy một ngăn tủ.
Trẻ như Ánh Viên ở đoàn Việt Nam dự Olympic 2016 có Đỗ Thị Anh (đấu kiếm, cùng sinh năm 1996)... Họ chính là tương lai của thể thao Việt Nam trong nhiều năm tới đây, không chỉ mỗi Olympic 2016.
Đang có mặt ở Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2016 tại Nghệ An trong vai trò HLV đội taekwondo TP.Hồ Chí Minh, cựu võ sĩ Trần Hiếu Ngân - người đoạt HCB môn taekwondo cách đây 16 năm - đã chia sẻ “cảm xúc được đứng trên bục nhận huy chương tại Olympic luôn rất khó diễn tả. Tôi tin năm nay, các em VĐV sau mình lại làm được điều này ở Brazil”.
Tuyển bắn súng quyết tâm.
Bây giờ, chúng ta tin Thạch Kim Tuấn hay Vương Thị Huyền (cử tạ) làm nên chuyện là đánh giá thực chất.
Với bắn súng, đặc thù khác những môn thể thao khác là VĐV càng nhiều tuổi càng tích lũy nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu dày dặn nên càng lợi thế trong thi đấu. Xuân Vinh và Quốc Cường đang có được điều ấy.
Tuấn, Huyền, Vinh, Cường đang đứng trước cơ hội giành huy chương Olympic cho thể thao nước nhà.
Tất nhiên, niềm tin phải dựa trên khoa học và sự tập luyện. Các môn trọng điểm của Việt Nam như cử tạ, bắn súng, bơi... đã được đầu tư không tiếc vì mục tiêu giành huy chương vinh danh thể thao Việt Nam.
“Giành được huy chương Olympic là cả quá trình. Chúng ta không quá lạc quan để rồi tin vào ảo tưởng sẽ giành được điều gì đó. Thế nhưng, trong một số nội dung cụ thể ở một số môn cụ thể, xét tương quan lực lượng, thể thao chúng ta có triển vọng tại Olympic 2016 này” - ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ thêm.
Treo thưởng 3.000 USD cho chiếc HCV cử tạ
Phó Chủ tịch kiêm TTK Liên đoàn Cử tạ & Thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng cho biết thường trực Liên đoàn vừa thống nhất treo thưởng 3.000 USD cho chiếc HCV môn cử tạ. Cùng với đó Liên đoàn này cũng treo mức thưởng 2.000 USD cho chiếc HCB và 1.000 USD cho chiếc HCĐ. Các HLV sẽ được treo thưởng bằng 50% mức thưởng của VĐV.