Thể thao Việt Nam nhìn từ ASIAD 18: Số 1, “con một” và cái giá phải trả

DŨNG TÂN |

Thất bại của xạ thủ vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh không bất ngờ, thậm chí được dự báo từ trước ở chính nội dung sở trường. Bắn súng Việt Nam đã phải chấp nhận một sự thật phũ phàng, khi đã không thể giải được bài toán lớn nhất, khó nhất mang tên Xuân Vinh, sau kỳ tích choáng ngợp cách đây 2 năm.

Bóng mờ của chính mình

ASIAD 18, nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh dự duy nhất nội dung 10m súng ngắn hơi từng giành HCV ASIAD. Vị Đại tá 44 tuổi chỉ đứng thứ 9 vòng loại, bị văng ra khỏi chung kết. Anh đã gây thất vọng lớn, thế nhưng cũng không còn gây sốc hay nuối tiếc. Đơn giản vì những thất bại kiểu này đã trở nên quen thuộc với Xuân Vinh.

Gần nhất, ở Cúp thế giới 3 tháng trước ASIAD 18, Vinh từng chỉ đứng thứ 37 nội dung sở trường khác là 50m súng ngắn bắn chậm, thành tích thuộc diện kém nhất kể từ khi khởi nghiệp. Xa hơn, tại SEA Games 2017, xạ thủ kỳ cựu đã thảm bại ở nội dung số một 10m súng ngắn hơi và chỉ đoạt HCB 50m súng ngắn bắn chậm.

Rõ ràng, Xuân Vinh chỉ còn là cái bóng mờ của chính mình. Nhìn nhận thẳng thắn, Vinh sau khi bước lên đỉnh cao nhất tại Olympic Rio không còn là mình, giống như một xạ thủ bình thường tới mức tầm thường so với nhóm hàng đầu thế giới.

Xuân Vinh tự thua, bắn súng Việt Nam “bó tay”

Kể từ sau kỳ tích Olympic, chuyện kinh phí, súng đạn, tập huấn thi đấu, quân xanh đối với Vinh đã không còn phải tính đến. Sự sa sút của Vinh xuất phát hoàn toàn từ những yếu tố chủ quan.

Có lẽ một xạ thủ chưa bao giờ mạnh về tâm lý như Vinh đã không thể vượt qua được gánh nặng, áp lực, ánh hào quang choáng ngợp của một nhà vô địch Olympic. Vinh đã không thể tập luyện và thi đấu với tâm thế và cách thức bình thường như xưa nữa. 

Cùng đó, các nhà quản lý huấn luyện cũng không thể tìm ra cách hỗ trợ. Lời chia sẻ của HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung tại SEA Games 29 về sự thật TTVN chưa có tiền lệ và có phương pháp chăm lo, phát triển cho một nhà vô địch Olympic, rất đáng tiếc là lại hoàn toàn chính xác.

Trên thực tế, các nhà quản lý huấn luyện đã cùng Vinh xoay đủ cách, song vẫn thất bại. Thậm chí, giải pháp thay súng và điều chỉnh cách bắn của Xuân Vinh cũng đã được sử dụng như một liệu pháp cả về tâm lý lẫn chuyên môn, cũng vô hiệu. 

Với ASIAD, Xuân Vinh vẫn được kỳ vọng có thể làm nên chuyện trong một ngày tỏa sáng, thi đấu xuất thần. Thế nhưng bất ngờ không xảy ra, và bản chất đó là hệ quả khó tránh do chuỗi thành tích bết bát cùng phong độ tệ hại.

Bi kịch “một cửa”

Kể từ sau Olympic 2016, bắn súng luôn đặt trọn niềm tin hy vọng vào Xuân Vinh và nhà vô địch này đã ở tình cảnh gồng mình trước trọng trách, áp lực quá lớn bao vây. 

Trong khi đó, dù lập kỳ tích tại Rio song Vinh vẫn thua sút nhiều so với các đối thủ hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ mà rõ nhất như xạ thủ xứ Hàn Jin Jong Oh, với tỉ lệ chiến thắng tại các giải đấu vượt trội so với xạ thủ Việt Nam.

Cũng bởi trước đó do đã “đặt cửa” hoàn toàn vào Vinh nên bắn súng không tin tưởng, đầu tư, giao nhiệm vụ cho một số xạ thủ xuất sắc khác như Trần Quốc Cường, Hà Minh Thành hay Nguyễn Hoàng Phương. Việc bị khuất lấp dưới cái bóng quá lớn của Xuân Vinh, có thể tạo thuận lợi về tâm lý để các xạ thủ này có thể thi đấu thỏa mái, sẵn sàng tạo nên bất ngờ. 

Tuy nhiên, cũng chính từ đây, họ sẽ bị ảnh hưởng lớn về động lực, khả năng chiến đấu. Không phải ngẫu nhiên, người đồng đội cùng tuổi, luôn sát cánh cùng Vinh Trần Quốc Cường cũng đã đánh mất chính mình. Cường đã không thể có thêm lần nào “giải cứu” cho bắn súng Việt Nam và chính Vinh như lần đoạt HCV SEA Games 2015.

ASIAD 2018 đặt ra chỉ tiêu có HCV song bắn súng Việt Nam có thành tích còn kém hơn hẳn hai kỳ trước khi chỉ có 2 tấm HCĐ. Bài toán Xuân Vinh đã bất thành, và có lẽ đã đến lúc bắn súng Việt Nam cần có sự thay đổi để đột phá, thay vì tiếp tục rơi vào sự nửa vời như hiện tại.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại