Chúng ta hướng tới một kỳ Olympic năm 2024 tại Pháp sẽ hiệu quả hơn so với kỳ Olympic năm 2020 ở Nhật Bản. Ảnh: G.I
Tổng kết năm 2022 và giao nhiệm vụ cho năm 2023 đối với ngành VH-TT-DL, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh trong năm nay, toàn ngành tập trung dồn toàn lực lượng thực hiện thành công 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, ở lĩnh vực thể thao nhiệm vụ đưa ra là "triển khai Chiến lược phát triển thể dục thể thao tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045; xây dựng đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2022-2024; đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT...".
Rõ ràng, mục tiêu chinh phục Olympic, hướng tới giành huy chương ở đấu trường thể thao danh giá nhất hành tinh này là trọng tâm không chỉ của thể thao Việt Nam chúng ta mà tất cả các nền thể thao của khu vực Đông Nam Á và tại châu Á nói chung.
Nhìn vào lịch sử, từ khi hội nhập và tham dự các đấu trường thể thao quốc tế, chúng ta đã có nhiều đoàn VĐV tham dự các kỳ Olympic do Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tổ chức. Thể thao Việt Nam đã có HCV tại Olympic là thành tích giành 1 HCV ở môn bắn súng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio de Janeiro (Brazil) năm 2016. Ngoài ra, chúng ta có các tấm HCB taekwondo ở Olympic năm 2000 (tuyển thủ Trần Hiếu Ngân), HCB cử tạ ở Olympic năm 2008 (Hoàng Anh Tuấn), HCĐ cử tạ ở Olympic năm 2012 (Trần Lê Quốc Toàn) và thêm tấm HCB bắn súng ở Olympic năm 2016 (xạ thủ Hoàng Xuân Vinh).
Kỳ Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thể thao Việt Nam đã có 18 tuyển thủ góp mặt đấu trường này nhưng đáng tiếc không ai giành được kết quả huy chương.
Chúng ta đã có những tấm huy chương tại Olympic nên việc kỳ vọng tuyển thủ tham dự trong một số nội dung của một số môn cụ thể phải tranh chấp được huy chương là điều dễ hiểu. Nói không hoa mỹ và nhìn vào thực tế về lực lượng, khả năng trên bình diện chung trước các đối thủ, thể thao Việt Nam vẫn chỉ trông cơ hội ở hạng cân nhỏ trong môn cử tạ để hướng tới một kết quả tốt nhất tại Olympic trong tương lai.
Chỉ còn một năm nữa, Olympic Paris (Pháp) 2024 sẽ tranh tài. Lúc này, đây, thể thao Việt Nam bắt đầu vào guồng tham dự nhiều giải quốc tế và một số giải vòng loại Olympic nhằm tích lũy điểm số nhắm cơ hội tranh suất chính thức. Hiện tại, chúng ta chưa có được tấm vé chính thức nào dự Olympic ở Pháp. Nhà quản lý thể thao, ở đây là Tổng cục TDTT, cũng có chiến lược cụ thể dành cho những nhóm nội dung cụ thể nhắm suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Thế nhưng, khẳng định tuyển thủ nào sẽ chắc chắn được suất tham dự và nắm trong tay khả năng tranh được huy chương Olympic thì chúng ta chưa thể trả lời ngay.
Hướng tới một nền thể thao phát triển và đạt được dấu ấn, chúng ta luôn kỳ vọng vào kết quả Olympic. Ở dự thảo Chiến lược phát triển thể dục thể thao tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, mục tiêu dành cho đấu trường Olympic đưa ra cụ thể là "Phấn đấu có từ 18-25 vận động viên vượt qua vòng loại và có huy chương tại Olympic 2024; có từ 25-30 vận động viên vượt qua vòng loại và có huy chương Olympic năm 2028; phấn đấu có trên 30 vận động viên vượt qua vòng loại và có huy chương vàng tại các kỳ Olympic trong giai đoạn 2031-2050". Chúng ta phải phụ thuộc từ các yếu tố về nguồn lực, con người, tầm nhìn, khả năng thích ứng cũng như thể thao có thành tựu hay không phải từ sự phát triển và ổn định chung của nền kinh tế - chính trị - xã hội.
Từ giải đấu cấp Đại hội thể thao toàn quốc, nền thể thao của chúng ta phải có đánh giá chung về tình hình phát triển và lực lượng nòng cốt qua đó tiến tới thực hiện những chiến lược về thể thao nhắm cho đấu trường quan trọng như SEA Games, ASIAD và Olympic. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tổng cục TDTT (tới đây sẽ thay đổi mô hình là Cục TDTT) đang là cơ quan thuộc Bộ VH-TT-DL thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thể dục, thể thao trên phạm vi cả nước; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công về thể dục, thể thao theo quy định của pháp luật. Chiến lược về chuyên môn của ngành thể thao có tính khả thi ra sao sẽ do những nhà quản lý, chuyên gia thể thao của Tổng cục TDTT hoạch định và triển khai cụ thể nhất.
Ở năm thứ 77 của sự phát triển ngành thể thao Việt Nam, chắc chắn người làm về nghề, HLV, VĐV và nhà quản lý thể thao nói chung trong cả nước đều kỳ vọng thành tích tốt nhất cho các đoàn thể thao của chúng ta mỗi khi bước ra sân đấu quốc tế ở mọi cấp độ.