Khoảng hơn 1 tháng trước, khi AFF Cup chuẩn bị khởi tranh,
Công Vinh từng gửi lời nhắn nhủ tới đàn em Công Phượng: "Những cầu thủ trẻ cần
nhớ luôn phải nỗ lực hết mình thì sẽ đạt được điều mong muốn. Thành công không
đến với những kẻ lười biếng hay những kẻ mắc bệnh ngôi sao…".
Trong mắt một bộ phận CĐV lúc ấy, lời nhắn của Vinh chẳng khác nào bằng thừa bởi Phượng xưa nay tính khí điềm đạm, đâu mắc bệnh ngôi sao hồi nào? Nhưng "khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già", Vinh nói thế là có cái lý của Vinh.
Sau thất bại ở AFF Cup, Phượng đứng giữa muôn trùng sức ép. Nhưng tất cả bỗng được giải tỏa khi tiền đạo xứ Nghệ có pha bùng nổ, solo quá 4 hậu vệ U19 Gangwon rồi ghi một siêu phẩm ở U21 quốc tế. Trên khán đài Thống Nhất, CĐV khoái chí vỗ tay rầm rập.
Hai hôm sau, Phượng gặp liều thuốc thử cực mạnh U21 Yokohama. Tưởng chừng sau khi giải tỏa được áp lực, Phượng sẽ lại tả xung hữu đột, sẽ lại làm nên kỳ tích.
Hôm qua Phượng muốn bùng nổ. Phượng cũng toan tả xung hữu đột qua 4 cái bóng áo xanh nhưng thay vì lập siêu phẩm, anh vấp ngã.
Công Phượng tự tin thái quá và phải trả giá.
Nói Phượng hôm nay mắc bệnh ngôi sao có vẻ hơi oan. Đúng hơn, Phượng chỉ muốn chứng tỏ sự tin đã trở lại. Tiếc rằng sự tự tin ấy lại đặt không đúng chỗ. Trên chấm luân lưu, thay vì một pha dứt điểm quyết đoán, Phượng lại muốn ghi bàn "ảo diệu" và sút panenka.
Nhưng Phượng đã sai rồi! Thủ môn đội bạn đã bắt bài và cú panenka nửa vời, "dở ông dở thằng" của Phượng chính thức khép lại hy vọng của cả đội bóng phố Núi.
Gác lại Công Phượng, tôi chợt nhớ tới VCK Euro 2016. Sau khi vượt qua vòng bảng, một số ngôi sao của tuyển Đức như Boateng, Toni Kroos, Manuel Neuer… được ca ngợi hết cỡ. Lo sợ những cầu thủ này mắc bệnh ngôi sao, người đàn anh Schweinsteiger đã lập tức lên tiếng nói rằng, đây là chiến thắng của cả một tập thể, chứ chẳng riêng gì ai.
Nhưng có vẻ lời cảnh báo của Schweinsteiger đã hơi muộn bởi cho tới vòng bán kết, sự chủ quan đã khiến "Cỗ xe tăng" trả giá với thất bại 0-2 trước Pháp để rời Paris về nước.
Cách đây 3 hôm, Văn Toàn lập cú đúp trước U19 Gangwon, anh nhận được vô số lời khen "hoành tráng".
Hôm nay, Toàn vẫn năng nổ, nhiệt huyết như thường lệ nhưng thế là chưa đủ. Giống Phượng, toàn quá mải rê dắt, như thể muốn biến mình thành "Ronaldo trên sân Thống Nhất". Rốt cục, Toàn cũng chẳng làm nên chuyện.
Thất bại với HAGL là điều hợp lý vào lúc này.
Lại nhớ tới năm 2012, sau thất bại tại AFF Cup, HLV Phan Thanh Hùng của ĐT Việt Nam đã viết trong bản báo cáo sau giải: "Ngoài những khó khăn bất khả kháng như chấn thương, tâm lý, sức khoẻ… bản lĩnh nhiều cầu thủ còn kém, dẫn đến nóng vội, mất bình tĩnh. Đặc biệt, vẫn còn có cầu thủ có chủ nghĩa cá nhân, bệnh ngôi sao, gây tâm lý không tốt cho các đồng đội".
Hôm nay, căn bệnh "nóng vội, mất bình tĩnh, chủ nghĩa cá nhân" mà một số đàn anh từng dính phải chăng đã "di truyền", khiến HAGL thua Yohama?
Đội bóng phố Núi cầm bóng nhiều, tấn công nhiều nhưng đến những tình huống quyết định, y rằng mỗi người một phách. Sự thiếu gắn kết là điều bộc lộ rõ khiến chúng ta không thể tận dụng được những cơ hội.
Hai năm trước, CĐV và truyền thông thi nhau tung hô HAGL sau khi Công Phượng và đồng đội đánh bại Thái Lan để lên ngôi vô địch U21 quốc tế. Suốt 2 năm qua, trong mắt nhiều NHM, đội bóng phố Núi vẫn "là một, là riêng, là thứ nhất".
Nhưng đã đến lúc gỡ bỏ tấm màn nhung đó, để HAGL trở lại với hình hài thật của mình. Đừng khoác lên họ sự ảo tưởng hão huyền nào nữa.
Hôm nay, HALG đã bị loại sớm, nhưng "vắng cô thì chợ vẫn đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui". Không có Công Phượng, Xuân Trường ở chung kết, chẳng sao cả!
Có khi thua lại may. Thay vì phải lo nghĩ cho chung kết, Công Phượng và đồng đội sẽ có thời gian nhìn lại để nhận ra mình đang đứng ở đâu.
U21 HAGL 0-0 U21 Yokohama (Pen: 2-3)