img
Thanh Lam: Cuộc đối thoại với con trai và giá đắt phải trả để... - Ảnh 1.

ạn đã từng đối diện với một người mắt luôn nhìn thẳng, nói rất ít và nói lời nào chắc lời ấy, thật lời ấy, không văn vẻ lươn lẹo, không gồng lên để chứng tỏ mình thông minh sâu sắc, cũng chẳng thô thiển để khiến người khác nghĩ mình thật, thì người đó chỉ có thể là Lam.

Lam của ngày 30 tuổi, ngày 40 tuổi và của ngày gần chạm tới "mốc 5" cũng vẫn thế dù cuộc sống có xuôi lặng hay cuốn phăng Lam theo những cơn lốc cảm xúc khác biệt. Dường như, Lam sinh ra để tạo ra bão và đối đầu với những cơn bão ấy. 

Lam, một chân dung hiếm hoi, dù thân hay không, thì cảm nhận về chị cũng chỉ có một. Chưa một ai nói rằng, thân với Thanh Lam sẽ thấy một chị hoàn toàn khác với những gì bạn đang thấy. 

 Dù bạn có thể thân đến mức được Lam mời đến nhà chơi như những vị khách thân thuộc, được Lam nấu cho món ốc chuối đậu vào buổi trưa, được Lam kể cho những câu chuyện tình hoặc không được những hân hạnh ấy, đều cảm nhận về Lam giống nhau. 

Bạn yêu Lam hay bạn ghét Lam không quyết định việc hình ảnh của Lam. Bởi vì, Lam là người cả một đời trả giá đắt để được sống cuộc đời của chính mình.

Thanh Lam: Cuộc đối thoại với con trai và giá đắt phải trả để... - Ảnh 3.

3 năm trước, tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn sâu về chị. Trên xe, tôi có tình cờ nghe được đoạn đối thoại của chị với con trai mình, khi mà cậu bé định đi học bằng xe máy. 

- Mẹ cấm con! Tuổi con chưa thể chạy xe, con phải chấp hành pháp luật. Và tuyệt đối, con không được cãi mẹ. 

Chẳng biết bên kia cậu bé nói gì, chỉ biết bên này, giọng Thanh Lam "đổi gió": 

- Con đừng so sánh với bạn bè. Mẹ đã nói nhiều lần, so sánh là sân si. Con đi xe chưa vững, nhỡ có chuyện gì, gây nghiệp đấy con ạ!

Thanh Lam: Cuộc đối thoại với con trai và giá đắt phải trả để... - Ảnh 4.

Lúc đó, tôi mới biết Thanh Lam đã "tu". Chị sống hướng Phật pháp, muốn một cuộc sống bình thường, bình yên. 

Cuộc trò chuyện của chúng tôi gần gũi hơn. Thanh Lam thì vẫn thế, luôn nhìn thẳng vào các vấn đề của mình để đối diện, thẳng thắn, gai góc nhưng rất thật. Ít ai thấy chị khéo léo hoặc cố tỏ ra khéo léo. Thanh Lam sinh ra không phải để làm một người khéo léo. 

Chị nói, đời chị nổi gió lên nhiều lần, cuối cùng, người chịu bão thì vẫn lại là chị. Nhưng chị không đổ lỗi cho người khác trước cơn bão đời mình: "Lầm lỗi là lầm lỗi, có đổ cho ai thì cũng là lầm lỗi. Chỉ có điều, mình không bao giờ là kẻ vô can, nên càng đổ lỗi thì nghiệp càng nặng thêm". 

Giờ Lam nhìn ra như thế, gắn mọi thứ với "nghiệp". Nhưng trước đây Lam cũng nhìn ra như thế, để không bao giờ đổ lỗi cho ai.


Lúc sinh thời, nhạc sĩ Thuận Yến rất bênh vực con gái. Có lần ông nói: "Con Lam nổi tiếng thế, nhưng đời nó chưa có gì cho nó, ngoài tiếng hát và những đứa con. Những lúc nó buồn khổ chuyện riêng, lại về với bố mẹ. Nhưng tính nó mạnh lắm, cái gì nó cũng tự chịu, chẳng nói ra bao giờ. Nhưng cũng chẳng bao giờ nó phải diễn một khuôn mặt khác để che đậy". 

Tôi chợt nhớ có lần, Thanh Lam nói hồi nhỏ chị từng mơ trở thành một diễn viên điện ảnh. Nhưng rồi chính chị cũng nhận ra rằng, Thanh Lam thật khó để trở thành diễn viên, vì chị khó có thể đeo một gương mặt khác và sống một đời sống khác.

Thanh Lam: Cuộc đối thoại với con trai và giá đắt phải trả để... - Ảnh 5.

Có thể cuộc sống làm mất của Thanh Lam những người đàn ông chị yêu. Có thể nghệ thuật đánh mất của Lam những tâm hồn cộng hưởng. Hoặc có thể chị chủ động đánh mất những điều đó để bước trên những thử thách khác, nhưng Thanh Lam không đánh mất bản thân mình. 

Những chiêu trò, nếu muốn, Lam có thể làm. Nhưng tiếc là trong cách nghĩ của chị đã cài đặt sẵn rằng: sự thật dù có thô ráp, vụng về, cũng dễ chấp nhận hơn ngàn lần những lời nói dối trơn tru và ngọt ngào. 

Lam không có khả năng làm "hàng giả" và cũng chẳng khuyến khích mọi người dùng "hàng giả". Kể cả việc phải đóng vai một "người mẹ ngoan" vì con, với chị, cũng chẳng cần thiết. 

Dù đã có lần chị nhận ra, cuộc sống không ổn định của chính mình cũng khiến chị cảm thấy rất có lỗi với con, để rồi, chị có cách tiếp cận để con có thể thấu hiểu mình hơn.

Thanh Lam: Cuộc đối thoại với con trai và giá đắt phải trả để... - Ảnh 6.

Người ta yêu Lam vì những cơn bão, đúng hơn là người làm chủ những cơn bão của chính mình, dù là bão nghệ thuật, bão tình trường, hay những cơn bão năng lượng sống kéo theo những đa đoan của một kiếp đàn bà không ngừng yêu như không thể ngừng thở. 

Nhưng đỉnh cao của sự chế ngự các cơn bão đời mình, không gì khác, chính là sự cô đơn. Một nỗi cô đơn mang theo từ năm 17-18 tuổi và theo tuổi tác, nỗi cô đơn ấy cũng biết trưởng thành. 

"Có lúc tôi sợ cô đơn đến ghét cay ghét đắng nó, đến vật vã đau khổ vì nó. Để rồi tôi cũng phải thừa nhận, cô đơn đồng hành với tôi như một lẽ tất yếu".

 Nổi bão lên một chặng đời để hát một cách đầy khát khao và sống một cách đầy mãnh liệt, giờ đây, Lam vẫn cô đơn.

Thanh Lam: Cuộc đối thoại với con trai và giá đắt phải trả để... - Ảnh 7.

Có lần Lam nói rằng, nhiều năm sau chia tay Quốc Trung, Lam mới thấm nỗi mất mát. Không phải là mất mát một người bạn đời, hay mất mát một tình yêu, mà mất mát một khát khao có thật, như bao nhiêu người đàn bà mất mát khác. 

Bao năm sau chia tay, người ta thấy Thanh Lam và Quốc Trung tái hợp trong âm nhạc, thật đẹp và thật cảm động. Quốc Trung đứng sau một số dự án âm nhạc của Lam, cộng hưởng và thân thiện. Họ chẳng cần gác lại điều gì ở quá khứ, cũng chẳng chứng minh điều gì. Họ cư xử đẹp với cả những mất mát của chính họ. 

Quốc Trung lặng lẽ với hạnh phúc của mình còn Thanh Lam vẫn mãi đi theo những khát vọng của chính chị, khát vọng ôm nổi trái tim một ai đó. 

"Hạnh phúc hoàn hảo nhất của người đàn bà là có một người bạn đời, chia sẻ với nhau như hai người bạn, lãng mạn với nhau như hai người tình và độ lượng như một người cha. Người đó chứng minh đỉnh cao của tình yêu là sự dung dị".

Thanh Lam: Cuộc đối thoại với con trai và giá đắt phải trả để... - Ảnh 8.

Đã có lúc tưởng như chị đã ôm được trái tim của một người như thế. Gác bớt âm nhạc, Lam về trong gian bếp biến nó thành thân thuộc, nấu những bữa ăn ngon cho người đàn ông của mình. 

Lam lau dọn căn nhà sạch sẽ để muốn căn nhà ấy lưu dấu bàn tay của người đàn bà trong mình. Bỏ lớp áo nghệ thuật, Lam khoác tấm áo tơ lụa của một người phụ nữ bình thường, làm những công việc bình thường của một người phụ nữ, cho nhiều hơn và muốn tạo thêm những ấm áp trong cuộc sống thường nhật. 

Nhưng rồi, bão vẫn chưa thôi ngoài cánh cửa. Đất trời có thể ôm nổi nhưng trái tim con người thì không. Một hình ảnh đẹp để yêu cũng không có nghĩa nó sẽ là vĩnh cửu.

Thanh Lam: Cuộc đối thoại với con trai và giá đắt phải trả để... - Ảnh 9.

Lam từng nói, người đàn ông nào chưa biết yêu vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ, thì người đàn ông đó chưa biết yêu. Chẳng biết có phải Lam đã gặp phải một người "chưa biết yêu" hay không, nhưng chắc chắn, một người như chị, là một người luôn biết yêu người khác, theo cách của chị. 

Cũng có thể, Lam không thể mặc chiếc áo không vừa với mình nữa. Chị không thể với, không thể gò, trăn trở, vật lộn với những ảo ảnh của đời sống mãi. Và không thể khác, Lam lại là người tiếp tục đứng trên cơn bão của mình. 

 Và như Lam của ngày 18 tuổi, nhận ra nỗi đau là có thật và không thể mạnh mẽ trước nó được. Sự mất mát của một người phụ nữ đi qua nhiều mất mát nó cũng khác với cái mất mát của những chặng đời trước đó.

Thanh Lam: Cuộc đối thoại với con trai và giá đắt phải trả để... - Ảnh 10.

Nếu không có những biến cố tình cảm, Lam vẫn hát hay. Năng lượng sinh ra cho giọng hát luôn ắp đầy. Chỉ có những buồn vui của cuộc sống, sự phẳng lặng hay gập ghềnh của đường tình làm nên những sắc màu khác nhau trong những chặng đường ca hát của chị. 

Sau bao lần hạnh phúc, đổ vỡ và giờ, an nhiên với cuộc sống hiện tại dù khoảng trống tình ái còn đó, giọng hát Thanh lam lại mang một màu sắc mới: Ấm áp, chân tình nhưng khát vọng lại mạnh liệt thêm lần nữa. Dù hạnh phúc hay đổ vỡ thì khát vọng yêu đương vẫn luôn toả ra trong giọng hát chị.

Thanh Lam: Cuộc đối thoại với con trai và giá đắt phải trả để... - Ảnh 11.

Những năm 20 tuổi Lam hát "Hoa sữa", nồng nàn với "Em vẫn từng đợi anh/ Như hoa từng đợi nắng", gần 50 tuổi Lam vẫn nồng nàn chờ đợi như thế. 20 tuổi "Em muốn ôm cả đất/ Em muốn ôm cả trời" thì gần 50 tuổi Lam vẫn hát như thể muốn ôm cả đất, muốn ôm cả trời. 

20 tuổi "mang theo về con tim cô đơn" thì giờ đây, con tim cô đơn vẫn mang theo bên mình cất lên thành tiếng hát mạnh mẽ qua 3 thập kỷ không một ai vượt qua. Và tiếng hát ấy vẫn còn khát khao, vẫn còn mãnh lực cùng nỗi cô đơn ấy, không biết đến bao giờ. 

Nhưng ta đã được nghe Lam tận hiến suốt 30 năm, thầm cầu chúc cho chị, dù một lần thôi, hãy "ôm nổi trái tim một con người…".



Thanh Lam: Cuộc đối thoại với con trai và giá đắt phải trả để... - Ảnh 12.

Hoàng Nguyên Vũ
Kenn Trần
Quỳnh.