Chiến thắng của Đức trước Pháp trong trận chung kết Giải vô địch U17 châu Âu tại Budapest, Hungary, mùa hè năm nay là thắng lợi đầu tiên của họ tại giải đấu sau 14 năm. Thành công này đạt được một phần là nhờ cách tiếp cận sáng tạo của các nhà huấn luyện Đức trong việc phát triển cầu thủ.
Nhờ sự ủng hộ của toàn liên đoàn, công nghệ thực tế ảo (VR) đã được tích hợp vào chương trình đào tạo của Đức. Một nhóm các cầu thủ được lựa chọn để tham gia vào kiểu huấn luyện mới, trong đó, có sử dụng kính VR và các ứng dụng VR để phát triển tầm nhìn và tư duy tốt hơn đối với tình hình trên sân bóng. Và 10 cầu thủ trong nhóm trên nằm trong đội hình chính của U17 Đức – những người vừa trở thành nhà vô địch châu Âu.
VR cho thấy sự hiệu quả với bóng đá Đức
Thành công của họ đã cho thấy hiệu quả của công nghệ VR khi các cầu thủ được đưa vào những tình huống thi đấu thực sự, VR giúp họ quét toàn bộ chuyển động trên sân, đưa ra thông tin về vị trí của những người khác và tính toán ra 1 số lựa chọn cho các cầu thủ để đi bóng, chuyền hoặc thậm chí cả sút.
Wuck giải thích: "Chúng tôi có ba camera ghi lại một trận đấu tập của các cầu thủ để đo đạc sự chuyển động của đầu. Dữ liệu thu thập được cho thấy 80% cầu thủ có chuyển động đầu nhiều hơn sẽ chiếm được các vị trí tốt hơn trong hiệp thứ hai." Từ những dữ liệu này, huấn luyện viên cũng có thể lên sơ đồ thi đấu phù hợp với kĩ năng và phong cách của các cầu thủ.
Các cầu thủ U17 Đức giành vô địch châu Âu mùa hè năm nay. Ảnh: Skysports.
Huấn luyện viên trưởng U17 Đức Christian Wuck chia sẻ với Sky Sports: "Những tính toán đó rất quan trọng vì hiện tại thi đấu diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với 10 năm trước. Các cầu thủ chỉ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nếu họ phán đoán đúng vị trí của những người khác. Chúng tôi muốn phát triển những cầu thủ thi đấu thông minh, thể hiện đầy đủ khả năng của người Đức. Tất nhiên, các cầu thủ cũng phải rèn luyện thể lực nhưng mọi người đến sân vận động để thưởng thức kỹ thuật, một thứ bóng đá đẹp và nhanh, nên để đáp ứng điều đó, các cầu thủ cũng phải thi đấu hay và quyết tâm muốn chiến thắng".
"Về lâu dài, việc rèn luyện khả năng thi đấu thông minh có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian cho các cầu thủ trên sân. Họ có thể nhanh chóng đưa ra những quyết định đúng đắn không chỉ trong một trận đấu mà còn ở nhiều giải đấu, trận đấu khác. Huấn luyện khả năng phán đoán này cũng quan trọng như việc rèn luyện kỹ thuật và chiến thuật", ông Christian Wuck nhận định.
Wuck là HLV đã dẫn dắt tuyển U17 Đức tới vinh quang ở Hungary vừa qua. Chính ông là người đã áp dụng VR vào quá trình huấn luyện các cầu thủ của mình. Công nghệ VR đã được nền bóng đá Đức đưa vào huấn luyện thử nghiệm từ hai năm rưỡi trước, ban đầu được áp dụng với lứa U16 vì giải đấu của các em ít áp lực hơn.
Thời gian là kẻ thù của các huấn luyện viên, đặc biệt là đối với quá trình chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế. Mọi thứ luôn rất gấp rút và nhiều người rất hạn chế việc thử nghiệm các ý tưởng huấn luyện mới. Nhưng đây chính là lợi thế của VR khi có thể áp dụng nhanh chóng và không hề tăng thêm gánh nặng huấn luyện về thể chất cho các cầu thủ.
Ông Wuck nói: "Chúng tôi luôn nghĩ đến giới hạn chịu đựng về thể chất của các cầu thủ. Tôi nghĩ rằng chúng tôi hiện đã làm như gần hết những điều có thể trong việc rèn luyện thể chất cho cả các cầu thủ nữ và nam trẻ. Vì vậy, chúng tôi đang suy nghĩ nhiều hơn về những điều mới chúng tôi có thể làm để phát triển cho từng cá nhân. Thực tế ảo đã cho thấy có thể tăng thêm hiệu suất thi đấu và công nghệ này có thể trở nên rất quan trọng trong quá trình huấn luyện sắp tới."
Công nghệ VR giúp các cầu thủ đánh giá được tình hình trên sân và đưa ra tính toán phù hợp. Ảnh: Skysports.
VR còn nhiều tiềm năng trong bóng đá
Nền bóng đá Đức cũng đang đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ này. Các CLB hàng đầu nước Đức đang dẫn đầu cuộc chơi áp dụng VR trong huấn luyện. Ông Wuck cho biết thêm: "Bayern Munich, Borussia Dortmund và RB Leipzig đang nhanh chóng áp dụng công nghệ này và chúng tôi thường xuyên trò chuyện về chủ đề này, học hỏi lẫn nhau".
Điều quan trọng là có mối tương quan giữa những người xuất sắc trên sân cỏ và những người xuất sắc khi thi đấu mô phỏng trên VR. "Chúng tôi nhận thấy rằng những cầu thủ có khả năng định hướng tốt trên sân cũng phát huy rất tốt với VR. Những cầu thủ giỏi nhất của chúng tôi là những người giỏi cả thi đấu trực tiếp và trên không gian mạng", ông Wuck cho biết.
Hiện nay, VR dường như mới chỉ phát huy được 5% khả năng trong thế giới bóng đá và còn rất nhiều tiềm năng. VR có thể là một công cụ trực quan để chuẩn bị cho kế hoạch chiến thuật cụ thể đối phó với từng đối thủ một hay mô phỏng các kiểu thi đấu của đội tuyển khắp thế giới.
Ông Wuck cũng gợi ý: "VR cũng có thể giúp các cầu thủ bị chấn thương làm quen dần với cảm giác thi đấu trước khi trở lại sân cỏ. Nếu họ chưa thể tập luyện trên sân, họ vẫn có thể làm quen dần bằng công nghệ VR".
Trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ, nền bóng đá chỉ có một con đường là chuẩn bị sẵn sàng để thích nghi và phát triển. Với bước đầu áp dụng VR, thành công của U17 Đức trong mùa hè này có lẽ chỉ là sự khởi đầu cho nhiều chiến thắng hơn nữa khi họ tận dụng VR một cách đa dạng và thông minh hơn.