Thành công của Ánh Viên, Xuân Vinh và chuyện của niềm tin, khát vọng

Cường Đặng |

Phía sau mẫu hình thành công đặc biệt của Xuân Vinh hay trước đó là Ánh Viên chính là câu chuyện của niềm tin và khát vọng vươn cao, của cách nghĩ và cách làm mới. Đó là điều quyết định, chứ không phải ở mức kinh phí hay điều kiện bó buộc mà ngành thể thao luôn than thở.

Nước mắt Ánh Viên

6 năm trước, Ánh Viên hãy còn đang ngụp lặn ở bể bơi nhỏ cũ ở quê nhà. 5 năm trước khi sang Mỹ luyện tài, gương mặt trẻ này đã choáng ngợp trước điều kiện hoàn toàn khác biệt tại đây. Viên phải mất nhiều thời gian để thích nghi được với điều kiện, quy trình tập huấn khắc nghiệt chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế, mà ngay cả chuyện ăn cũng giống như một cuộc chiến đấu.

Để có sức đột phá, Viên phải tập thể lực không khác gì một VĐV nhiều môn phối hợp, hết nâng tạ lại chạy đua trên máy. Khắc nghiệt nhất chính là bài tập bơi ngược dòng.

Theo trên một đường bơi chuyên dụng có máy đẩy nước với tốc độ cực mạnh, tài năng trẻ Cần Thơ phải cố gắng bơi ngược cho bằng được và nhiều lần bị dòng nước hất đập đầu đau đến chảy nước mắt

Hành trình tập huấn dài hạn của Viên khởi đầu trong những sự âu lo và hoài nghi của chính giới chuyên môn, không chỉ vì khoản tiền tỷ mỗi năm mà chủ yếu về khả năng thành công.

Hiếm người dám tin một kình ngư Việt có thể vươn ra quốc tế trên nền tảng chung quá tệ của môn bơi mà việc giành một tấm huy chương ở SEA Games đã là cả một kỳ tích. Ngoài HLV Đặng Anh Tuấn, có lẽ chỉ vài người tin Viên làm nên chuyện, mà cũng chỉ dừng lại ở mức độ khu vực hay cùng lắm Châu Á.

Thế nhưng đến giờ, khoản đầu tư kỷ lục giờ đã lên tới 13 tỷ đồng của thể thao Việt Nam cho cô gái có tài năng, ý chí và sự bền bỉ phi thường ấy đã cho thấy sự đáng giá đến... từng đồng. Giá trị mang tên Ánh Viên vượt xa những thành quả ngoạn mục như 2 tấm HCĐ ASIAD, 8 HCV kèm 8 kỷ lục SEA Games, hay 1 HCB, 1 HCĐ Cúp thế giới.

Tại Olympic London, Ánh Viên dự tranh chỉ với mục tiêu vượt lên chính mình. Viên còn run rẩy đến mức không thốt nổi một câu khi nhìn thấy thần tượng Phelps ngoài Cung thi đấu.

Đến Olympic Rio, cô đã có thể hoàn toàn tự tin tuyên bố mình muốn bơi ở chung kết, và thực sự chỉ còn cách nó đúng 0,31 giây. Ánh Viên rời Rio trong nước mắt nghẹn ngào và thừa nhận đây là một cuộc đấu thất bại của mình. Với Viên, lần đầu tiên bơi Việt Nam đã có quyền đòi hỏi và được thất vọng.

Sự “khùng” của cô trò Xuân Vinh

Kết thúc ASIAD 2010, đúng thời điểm Xuân Vinh vừa để vuôt HCV sau viên đạn cuối để súng cướp cò, HLV Nguyễn Thị Nhung đã khiến tất cả phải choáng khi tuyên bố chắc nịch Xuân Vinh và bắn súng Việt Nam sẽ có huy chương Olympic. Một số người còn cho rằng bà Nhung bị “khùng”.

Tuy nhiên, bà Nhung không hề “khùng” bởi chỉ có thầy trò Xuân Vinh mới hiểu rằng nhìn sâu về mặt chuyên môn, chứng tỏ rằng Vinh thực sự có khả năng và đã ở rất gần nhóm đầu châu Á. Vấn đề nằm ở tâm lý thi đấu, sự ổn định ở mức cao.

Và họ lao vào một ”chiến dịch” đầy thách thức với cách làm rất riêng và mới. Từ việc dành ít nhất một nửa số kinh phí 200.000 USD/năm cả môn được cấp cho Vinh cùng một vài đồng đội ở tổ súng ngắn.

Rồi họ chủ động và nỗ lực liên hệ để Hàn Quốc hỗ trợ về tập huấn, chuyên gia với mức chi phí ưu tiên đặc biệt. Nhờ thế mỗi năm Vinh có thể sang xứ Hàn rèn giũa 3 tháng theo các đợt, được thi đấu 7-10 giải quốc tế tầm cao.

Còn bản thân Vinh cũng khổ luyện tới tận cùng trong nỗ lực làm mới và nâng tầm mình. Chuyện đơn giản nhất như cách nín thở, hay lớn hơn như cách tập những bài tập chuyên sâu và mấu chốt nhất như cách tiếp cận và phương án thi đấu cho mỗi giải đấu.

Thầy trò Xuân Vinh đã làm việc cật lực, với một niềm tin sắt đá, bất chấp những khó khăn và áp lực bủa vây.

Năm nào, đội tuyển quốc gia bắn súng cũng bị “chất vấn” từ một vài nhà lãnh đạo, hay các môn khác về việc sao đặt chỉ tiêu “liều” thế, sao trong danh sách tuyển thủ trọng điểm lại nhiều xạ thủ hơn, sao số tiền mua súng đạn lại chiếm tới một nửa tiền chi cho trang thiết bị dụng cụ của mấy chục đội tuyển...

Vượt lên tất cả, cuối cùng cô trò Xuân Vinh đã có thể mỉm cười mãn nguyện, khi xạ thủ quân đội giành 1 HCV, 1 HCB cùng 1 kỷ lục Olympic Rio.

HLV Nguyễn Thị Nhung đã lại tuyên bố, có thể là Xuân Vinh, Quốc Cường, hay Hà Minh Thành, bắn súng Việt Nam sẽ có huy chương ở Olympic 2020. Và giờ đây, chẳng ai còn cho rằng bà bị “khùng” hay làm chiêu trò.

Chuyện của một nền thể thao

Thành công vang dội của Ánh Viên hay Xuân Vinh luôn được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển của thể thao Việt Nam. Điều đó được minh chứng qua hiệu ứng cùng sức lan tỏa đặc biệt của Ánh Viên sau SEA Games 28.

Sự kiện Ánh Viên đã liên tục được đưa vào đề thi, kể cả tiếng Anh, của các kỳ thi từ cấp trường đến cấp quốc gia. Ngành giáo dục cũng quyết định kế hoạch đưa môn bơi vào chương trình học chính khóa của học sinh cấp 1 và cấp 2. Số trẻ em tham gia học bơi trên cả nước trong 1 năm trở lại đây tăng vọt, lúc cao điểm lên tới 300%.

Tuy nhiên, từ mẫu hình Ánh Viên hay Xuân Vinh còn có những bài học lớn, trước hết cho những người làm thể thao.

Thế thao Việt Nam có những nhân tố, nội dung, thế mạnh đủ sức chinh phục những đỉnh cao nhất của thế giới, nếu được phát hiện, đào tạo theo một quy trình bài bản, chuyên biệt theo đúng chuẩn quốc tế.

Bài học ở đây là chúng ta phải làm sao để tạo ra những Ánh Viên, Xuân Vinh mới, thay vì trông chờ vào sự xuất hiện theo kiểu đột xuất và ngoại lệ như bấy lâu nay.

Sự bó buộc không chỉ nằm ở khoản kinh phí bằng 1/5 của Thái Lan, trường bắn xuống cấp với hệ thống bia giấy thế giới không còn dùng hay phòng tập cử tạ thiếu thốn đủ thứ, mà trước hết ở chuyện dám nghĩ, quyết làm, trong đó có việc đầu tư trọng điểm cho đích nhắm Olympic và ASIAD.

Thế thao Việt Nam có những ngôi sao hoàn toàn có thể mang đến sức hút, sự tác động rộng lớn về mặt thể thao- xã hội, mà phía sau đó là cả một nguồn lực lớn cho phát triển, trên cả hai phương diện, kinh phí và phong trào chung. Chỉ có điều, họ đều đang bị lãng phí đáng tiếc và đáng trách, với phần trách nhiệm chính thuộc về ngành thể thao quá đơn thuần chuyên môn, thành tích.

Bởi thế, trước khi muốn có bước ngoặt nào đó từ khách quan, ngành thể thao phải thay đổi. Thay đổi một cách cơ bản và thực chất...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại