"HLV", Cortese nói, "có một vai trò quan trọng, nhưng về cơ bản thì cũng chỉ là người đứng đầu một bộ phận, như những người đứng đầu bộ phận khác".
Đó chính xác là lời tóm tắt cho phương pháp quản lý mang tính kỹ trị ở Southampton. Chính trên cơ sở đó, họ đã chiêu mộ HLV Mauricio Pochettino, người mà họ cho là đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu của một "người đứng đầu bộ phận" tốt.
Nhưng nếu Cortese vẫn còn ở trong thế giới bóng đá, thì ông chắc chắn sẽ phải xem xét lại những nhận định của mình. Nếu còn ở đó, ông sẽ phải chứng kiến "người đứng đầu bộ phận" Pochettino chuyển tới Tottenham và tạo dựng danh tiếng là một trong những HLV hàng đầu ở Anh. Ông cũng sẽ phải chứng kiến những HLV hàng đầu ấy xác lập một tầm ảnh hưởng vượt xa cái mà ông gọi là "người đứng đầu bộ phận".
Chưa bao giờ trong lịch sử Premier League, vai trò của các HLV lại được đề cao như hiện tại. Chưa bao giờ trong lịch sử, hình ảnh của cả 6 CLB hàng đầu của nước Anh lại được "định nghĩa" thông qua hình ảnh của vị HLV trưởng. Premier League mùa này diễn ra và kết thúc như thế nào, hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhóm HLV mà chúng ta đang và sẽ nói tới thể hiện ra sao.
Pochettino dĩ nhiên là một trong số đó, nhưng ở mùa Hè vừa rồi, tên ông ít khi xuất hiện trên các dòng tin. Sự chú ý dồn hết vào sự xuất hiện của Pep Guardiola ở Manchester City, màn ra mắt được chờ đợi từ lâu của Jose Mourinho với United ở phía kia của thành Manchester, cũng như những ngày đầu tiên của Antono Conte ở Chelsea.
Juergen Klopp vừa trải qua kỳ tập huấn trước mùa đầu tiên với Liverpool - thành bại của nó sẽ quyết định thành bại của HLV người Đức ở Anfield. Và không thể không nhắc tới "cây trường sinh" Arsene Wenger, người chuẩn bị có tròn 2 thập kỷ dẫn dắt Arsenal, người đã chứng tỏ "sức sống" mãnh liệt hơn tất thảy mọi đối thủ, nhưng chưa bao giờ cảm nhận được sức cạnh tranh khủng khiếp như hiện tại.
Rồi còn đó một Claudio Ranieri khiếm tốn, người vừa đưa Leicester tới chức vô địch bất ngờ nhất trong lịch sử, để qua đó từ vị thế của một kẻ ngoài rìa đường hoàng bước vào ngôi đền thiêng dành cho các HLV.
Claudio Ranieri tạo ra "cơn địa chấn" bằng chức vô địch ở mùa giải trước. Và ở mùa giải mới, đội bóng của ông sẽ thực sự là một đối thủ khó chịu. Ảnh: Getty Images
Điểm chung nào giữa các thành viên của "bộ thất" ấy? Trừ Wenger, chắc chắn sẽ chẳng có ai tồn tại được tới 20 năm ở cùng một vị trí. Bóng đá đã thay đổi quá nhiều; ta thậm chí còn biết rằng rằng sẽ có vài người trong đó thậm chí không trụ lại nổi quá 20 tháng.
Chất lượng trên băng ghế HLV ở Anh có thể khiến bạn phấn khích, nhưng sự bấp bênh của những chiếc ghế nóng thì vẫn không hề giảm đi. Khi mà thành công được định nghĩa qua số danh hiệu, thì sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu một vài trong số những HLV đã thành danh ấy bị đánh giá là "thất bại" và phải ra đi trong thế cúi đầu ngay sau mùa giải này.
Ranh giới giữa thành và bại là quá mong manh. Nhưng tại sao các HLV vẫn lao vào cuộc chơi đầy rủi ro này?
Hãy nghe Pep Guardiola, người đã tóm lược một cách không thể cô đọng hơn sức hấp dẫn của Premier League trong một câu nói khi ông ra mắt Manchester City hồi 3/7. "Họ nói rằng Man City sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Rất khắc nghiệt. Tôi không biết vì sao lại thế. Tôi sẽ phải tự mình tìm hiểu. Tôi cần phải được tận mắt chứng kiến điều đó".
Guardiola chính là nhân vật chính trong vụ chiêu mộ HLV đình đám nhất trong lịch sử bóng đá Anh. Và tới cùng với ông còn có những câu hỏi lớn. So với những thách thức mà Premier League có thể tạo ra, những gì mà Guardiola đã trải qua ở cả Barcelona lẫn Bayern Munich khó có thể gọi là... thách thức.
Những khác biệt trong tốc độ và nhịp điệu ở Premier League sẽ đòi hỏi Guardiola phải thể hiện những kỹ năng mới, khác hoàn toàn so với những kỹ năng đã đưa ông tới nước Anh.
Một khoảnh khắc khác cũng rất đáng chú ý, là khi Antonio Conte, người có thể cạnh tranh với Guardiola trên phương diện những khả năng mà ông có thể mang tới cho đội bóng mới, đưa ra những dự đoán về mùa giải hồi cuối tháng Bảy.
Việc Chelsea không được dự Champions League đã không ngăn được Conte quyết tâm rời đội tuyển Italia để được sống trong không khí lao động mỗi ngày ở CLB mà ông công khai thừa nhận là mình thèm khát. Nhưng HLV người Italia cũng phải thừa nhận rằng việc trở lại với giải đấu hàng đầu châu Âu sẽ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
"Giữa các HLV sẽ nổ ra nhiều cuộc chiến khốc liệt cho một vị trí trong top 4", ông nói. Đó là một nhận xét không có gì thực sự sâu sắc, nhưng nó cho chúng ta thấy thực tế về bóng đá hiện đại.
Dù chúng ta có cố gắng mở rộng bức tranh về thành công và thất bại tới đâu, thì cuối cùng, cá tính của những người ở trong hoặc xung quanh khu vực kỹ thuật vẫn có tiếng nói quan trọng, thậm chí quyết định, trong cách mà mùa giải diễn ra và kết thúc.
Đây thực ra không phải là cái gì đó quá mới mẻ. Premier League có cả một lịch sử về những mâu thuẫn giữa những HLV hàng đầu, từ Kevin Keagan và Alex Ferguson ở mùa 1995/96 tới Ferguson và Wenger, rồi giữa chính Wenger và Jose Mourinho.
Đó là những cuộc đối đầu trực tiếp, theo kiểu các HLV "chơi" tay đôi với nhau. Không hề có né tránh, ngại ngần, hay những lời bóng gió. Trong sự kiện đáng chú ý gần nhất, diễn ra vào tháng 2/2014, Mourinho đã gọi đích danh Wenger là một "chuyên gia thất bại".
Với việc Mourinho, Guardiola, Conte, Wenger, Pochettino và Klopp quy tụ về một giải, Premier League chắc chắn sẽ chứng kiến rất nhiều va chạm tương tự. Mourinho và Wenger vốn chẳng bao giờ chịu thừa nhận nhau, và khi họ gặp lại trong trận đấu ở Old Trafford vào ngày 19/11 tới, việc họ có bắt tay với nhau hay không cũng sẽ được quan tâm chẳng kém gì việc đội bóng của họ chơi như thế nào.
Sự hận thù giữa Mourinho và Guardiola thậm chí còn kinh khủng hơn, và việc cả hai cùng về Manchester mùa này chính là kịch bản đáng mơ ước với Premier League. Mourinho thì nói mối quan hệ giữa hai người là "bình thường", vì họ đều là "những nhà chuyên nghiệp". Nhưng đấy là Mourinho nói thế!
Nhưng trong khi chúng ta không dám kỳ vọng nhiều vào việc các HLV sẽ cư xử đúng mực với nhau, vẫn có cảm giác là các HLV mùa này cảm thấy tò mò về nhau cũng nhiều như họ cảm thấy e ngại nhau.
Klopp từng thừa nhận với ESPN FC rằng ông bị cuốn hút bởi những gì Conte đã thể hiện suốt EURO 2016: "Ông ấy đã thể hiện đầy cảm xúc, và tôi nghĩ 'có phải đôi lúc mình cũng như thế hay không nhỉ?'"
Wenger, trong khi đó, lại đánh giá rằng Premier League mùa này "giống như một giải vô địch thế giới dành cho các HLV... tất cả những HLV giỏi nhất đã hội tụ về nước Anh, để khiến cho cuộc sống của chúng tôi trở nên khó khăn hơn gấp bội".
Việc các tài năng quy tụ đã đặt ra yêu cầu về sự tôn trọng tức thì, giống như một nhóm những nhà toán học hàng đầu nhóm lại để vừa hoàn thiện những ý tưởng của mình, vừa cố gắng vượt qua những người khác.
Liệu rằng với sự xuất hiện của những cá tính như thế, bóng đá có còn cơ hội để là yếu tố mang tiếng nói quyết định?
Có thể, nhưng chỉ trong một lúc thôi. Cuộc đua thất mã này có thể được đánh giá một cách tốt nhất không phải qua thành công, mà qua cách người ta ứng xử với thất bại.
Chẳng có gì đảm bảo rằng một trong những HLV nói trên sẽ vô địch Premier League, nhưng có một điều chắc chắn là phần lớn sẽ thất bại, và sẽ có ít nhất 2 người trong đó không thể kết thúc mùa giải với một vị trí trong nhóm dự Champions League.
Trong bối cảnh những đòi hỏi về thành công tức thì ngày càng trở nên cấp bách, người ta sẽ đánh giá thế nào nếu Pochettino và Tottenham kết thúc mùa giải ở một vị trí ngoài top 4, sau khi đã cạnh tranh cho chức vô địch mùa trước?
Điều gì sẽ xảy ra nếu Manchester United, sau khi đã được tăng cường Zlatan Ibrahimovic, Henrikh Mkhitaryan và ngôi sao 105 triệu euro Paul Pogba, không thể cán đích ở một trong 2 vị trí cao nhất, bất chấp việc họ chỉ về thứ 5 mùa trước?
Với sức mạnh tài chính cũng như chất lượng của những người ngồi trên băng ghế huấn luyện ở những đội bóng hàng đầu, việc xếp sau những người khác thực ra chẳng có gì đáng phải xấu hổ.
Nhưng có HLV nào dám nói ra điều đó hay không? Premier League đúng là đã cố gắng thu hút những tài năng lớn, nhưng rồi nó sẽ nhanh chóng cho bạn thấy rằng sự tôn trọng thực sự cho những tài năng lớn ấy lại không mấy dồi dào.
Sự cạnh tranh khốc liệt ấy được sinh ra từ thị trường chuyển nhượng mùa Hè vừa rồi. Tổng số tiền mà các đội bóng ở Premier League chi cho chuyển nhượng đã vượt quá cột mốc 1 tỷ bảng.
Thị trường chuyển nhượng bây giờ đã trở thành một cuộc chạy đua vũ trang. Nhưng ngay cả khi những khoản chi tiêu, những bản hợp đồng mới là những thứ khiến cho các CĐV hạnh phúc trong cả kỳ chuyển nhượng, thì điều quyết định vẫn là liệu các HLV có thể tận dụng khả năng của những sự bổ sung để tạo ra thêm vài phần trăm có thể đem tới sự khác biệt hay không.
Thực tế rằng nhóm HLV "hàng đầu" không phải là một "nhóm kín" càng khiến cho sự hấp dẫn tăng lên. Chức vô địch với Leicester mùa trước đã đưa Ranieri, người ở tuổi 64 tưởng đã chấp nhận hài lòng với một sự nghiệp không nhiều điểm nhấn, vào hàng ngũ những người chiến thắng.
HLV người Italia đã vượt qua ranh giới của sự nghiệp bằng cách tạo ra một bầu không khí tuyệt vời trong đội bóng của ông. Đó là điều mà Conte hoàn toàn đồng ý. Trong buổi họp báo đầu tiên ông nói rằng mong muốn của ông là các cầu thủ cảm thấy gần gũi vời mình. "Tôi chịu đựng, và tôi chiến thắng cùng họ".
Jurgen Klopp đã đưa Liverpool khởi sắc trở lại trong thời gian gần đây, nhưng phải mất 1 quãng đường dài nữa mới giúp họ trở lại với vinh quang giống như quá khứ. Ảnh: Getty Images
Tương tự như thế, trong trung hạn, Slaven Bilic hoàn toàn có thể đưa West Ham lên ngang tầm với Tottenham, hay thậm chí Arsenal. Ronald Koeman, trong khi đó, chắc chắn sẽ cố gắng kéo dài đà đi lên với Everton, còn Aito Karanka, sau thời gian học hỏi Jose Mourinho ở Real Madrid, cho thấy ông rất phù hợp để làm việc trong môi trường Premier League.
Eddie Howe của Bournemouth thì đang tiến bộ không ngừng, và cái ngày mà ông tiếp quản một đội bóng lớn hơn được cho là không còn quá xa.
Nếu những "ngôi sao" chính của mùa giải năm nay chỉ là những người đứng đầu bộ phận như Cortese đã nói, thì rõ ràng là đang có quá nhiều cuộc thăng chức cần được tiến hành ngay. Sau tất cả, chính các HLV đó là những người đang mang tương lai của những đội bóng lớn nhất ở Premier League, và có thể cả chính Premier League nữa, trên những đôi vai của họ.
Dù cả 2 HLV đều muốn né tránh, sự kình địch giữa Mourinho và Guardiola có nhiều tiềm năng bùng nổ hơn bất kỳ sự kình địch nào mà Premier League từng được chứng kiến. Tất cả bắt đầu từ mùa giải 2009/10, khi mà Inter Milan của Mourinho và Barca của Guardiola đụng độ nhau tới 4 lần ở Champions League với phần thắng cuối cùng thuộc về Mourinho.
Sự căng thẳng leo thang ở mùa giải tiếp theo, khi Mourinho sang Tây Ban Nha dẫn dắt Real Madrid. Tới tháng Tư, khi Real và Barca đụng nhau ở bán kết Champions League, thì cả 2 dường như không còn chút câu nệ nào.
"Hắn ta đã chiến thắng bên ngoài sân cỏ trong suốt cả mùa giải. Hãy để họ trao cho hắn tay một danh hiệu Champions League vì điều đó, để hắn ta có thể tận hướng nó và mang nó về nhà. Trong phòng họp báo, hắn ta là một "thằng sếp khốn nạn", là kẻ biết nhiều hơn tất cả những người còn lại". Đó là những gì Guardiola đã nói, sau khi Mourinho cáo buộc ông đã chỉ trích các trọng tài quá nhiều.
"Một ngày nào đó, tôi muốn Pep Guardiola vô địch giải đấu này một cách đàng hoàng", Mourinho phát biểu sau khi Barca thắng 2-0 sau trận lượt đi nhiều tranh cãi.
Đó chính là khởi đầu cho mối quan hệ băng giá kéo dài cả khi Guardiola đã sang Bayern Munich. Tuy nhiên, nếu ngoài sân cỏ, cả Guardiola lẫn Mourinho đều đã có những điệu vũ đầy ấn tượng, thì trên sân, Mourinho rõ ràng có nhiều điều phải chứng minh hơn. Guardiola đã đánh bại các đội bóng của Mourinho 7 lần, trong khi Mourinho chỉ 3 lần làm được điều tương tự.