Tham vọng của Thái Lan

YẾN PHƯƠNG |

Trừ 2 kỳ SEA Games tổ chức trên sân nhà, thì SEA Games 32 là kỳ đại hội đoàn thể thao Việt Nam tham dự đông đảo nhất, 1.003 người. Dù vậy, con số này còn ít hơn các đoàn thể thao khác.

Đứng đầu là đoàn thể thao Thái Lan với 1.985 thành viên. Trước đó, Ủy ban Olympic quốc gia và Quỹ phát triển thể thao quốc gia Thái Lan đã đồng ý chi 156 triệu baht (khoảng 4,54 triệu USD) với quyết tâm giành được 164 trong tổng số 583 HCV ở 36 môn thi đấu, qua đó chiếm vị trí nhất toàn đoàn.

Trong lịch sử SEA Games, Thái Lan từng 13 lần xếp nhất toàn đoàn, bao gồm 7 kỳ diễn ra bên ngoài quốc gia này. Indonesia tiến gần kỷ lục này với 10 lần chiếm vị trí số 1. Mặc dù vậy, thể thao xứ vạn đảo đã suy yếu nhiều, ở SEA Games này họ cũng không đặt mục tiêu đứng đầu. Trong khi đó, thể thao Việt Nam đang “đe dọa” sự thống trị của thể thao Thái Lan trong thời gian gần đây. Ở SEA Games 2019, lần đầu tiên chúng ta vượt qua Thái Lan trong một kỳ SEA Games tổ chức bên ngoài lãnh thổ, khi xếp thứ 2 toàn đoàn, sau nước chủ nhà Philippines. Đến SEA Games 31, thể thao Việt Nam thiết lập hàng loạt kỷ lục về số lượng HCV cũng như lần đầu có tổng số HCV hơn gấp đôi Thái Lan.

Người Thái buộc tung toàn lực cho kỳ SEA Games tại Campuchia, với tham vọng lấy lại vị thế số 1 trước khi đăng cai SEA Games 33 trong năm 2025. Họ có lý do để làm điều đó, bởi không chỉ vượt hơn về số HCV, mà Việt Nam cũng đã hơn Thái Lan ở nhiều môn thể thao cơ bản như điền kinh, bơi, bóng đá…

Đây là cuộc cạnh tranh có lợi cho thể thao khu vực nói chung và cho thể thao Việt Nam nói riêng. Quyết tâm của Thái Lan cho thấy SEA Games vẫn là đấu trường quan trọng với họ, khi tạo ra được một cuộc đua với Việt Nam, cũng đồng nghĩa sẽ gây sức ép lên các đoàn còn lại. Thái Lan và Việt Nam càng tung ra đội hình mạnh nhất, thì Indonesia, Malaysia hay Philippines càng khó hoàn thành các mục tiêu huy chương. Nhóm này sẽ phải tranh đấu với nhau ở số lượng HCV còn lại, hình thành nên 2 cuộc đua khác nhau, qua đó thúc đẩy chất lượng thi đấu cho SEA Games.

Trong 31 kỳ SEA Games đã diễn ra, có 13 lần đoàn đứng nhất không phải nước chủ nhà. Riêng 11 kỳ gần đây, chỉ có 3 lần quốc gia đăng cai không thể chiếm vị trí đầu tiên, là Lào 2009, Myanmar 2013 và Singapore 2015. Với Campuchia, việc vô địch toàn đoàn hoặc đứng trong tốp 3 là rất khó xảy ra, nên họ sẽ “tấn công” vào các vị trí 4-5 toàn đoàn, điều này cũng sẽ làm cho cuộc cạnh tranh thêm phần khốc liệt.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại