Thảm kịch Kanjuruhan đã cướp đi hàng trăm sinh mệnh ở Indonesa - Ảnh: AP
Mới đây trên tờ Deutsche Welle (Đức) đã có bài viết mang tiêu đề: "Thảm kịch bóng đá Indonesia là một tai nạn được dự báo trước". Trong bài viết này, Deutsche Welle đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia văn hóa, bóng đá và cả những học giả nổi tiếng để giải thích lý do dẫn đến thảm kịch khủng khiếp cướp đi hàng trăm sinh mệnh.
Mở đầu bài viết, Deutsche Welle viết: "Trận đấu giữa Arema Malang và Persebaya Surabaya đã kết thúc trong hỗn loạn và bi kịch vào tối thứ bảy. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay bừa bãi để đáp trả cuộc xâm lấn vào sân dẫn đến hoảng loạn hàng loạt, giẫm đạp, nghiền nát và tạm thời có 125 người thiệt mạng.
Nó trở thành thảm kịch gây chết người nhiều nhất trong bóng đá Indonesia và là thảm họa gây chết người nhiều thứ ba của bóng đá, chỉ sau thảm họa sân vận động Accra Sport ở Ghana năm 2001 (126 người chết) và thảm họa Estadio Nacional ở Lima, Peru năm 1964 (328 người chết).
Tuy nhiên, đối với những người quen thuộc bóng đá Indonesia, văn hóa người hâm mộ và chính sách an ninh sân vận động thì thảm kịch tại sân vận động Kanjuruhan ở Đông Java không có gì ngạc nhiên".
Ông James Montague, chuyên gia người Anh chuyên nghiên cứu về văn hóa người hâm mộ thế giới, cũng đánh giá về Indonesia như sau: "Tổ chức khủng khiếp, cơ sở vật chất khủng khiếp, chính sách khủng khiếp và văn hóa bạo lực trong một số bộ phận nhất định của văn hóa người hâm mộ - đó là một thảm họa được dự báo trước".
Văn hóa sôi nổi nhưng bạo lực
Cổ động viên Indonesia nổi tiếng là cuồng nhiệt nhưng cũng rất quá khích và bạo lực - Ảnh: AP
Indonesia tự hào là một trong những nền văn hóa người hâm mộ sôi động và mãnh liệt nhất ở Đông Nam Á, với các trận đấu có đông đảo người hâm mộ tham dự. Giải đấu của họ cũng có nhiều trận derby nảy lửa trong và ngoài sân cỏ.
Nhưng bạo lực không phải là hiếm. Xét về tính chất, trận derby Đông Java giữa Arema Malang và Persebaya Surabaya chỉ đứng sau cuộc đối đầu giữa Persib Bandung và Persija Jakarta - được gọi là El Clasico của Indonesia.
Ông James Montague nói với Deutsche Welle: "Đây không phải là điều bất thường, nó xảy ra khá thường xuyên. Bạn thường xuyên thấy các huấn luyện viên bị người hâm mộ tấn công vì kết quả kém. Một nền văn hóa hâm mộ đáng kinh ngạc tồn tại ở Indonesia, có rất nhiều điểm chung với văn hóa giản dị của người Anh thuở sơ khai và những ngày vinh quang của phong trào cực đoan ở Ý, với rất nhiều người trẻ, tham gia nhiều vào văn hóa bóng đá, tham dự các trận đấu với số lượng lớn.
Ủng hộ các câu lạc bộ bóng đá là một cách sống đã được áp dụng phổ biến ở Indonesia. Nhưng trong những năm qua, nơi đây cũng trở thành một trong những nơi xem bóng đá bạo lực nhất, với hơn 80 người chết ở các sân vận động trong vài thập kỷ qua".
Chính sách lạc hậu
Tuy nhiên, bạo lực ở Indonesia không chỉ giới hạn ở những người ủng hộ bóng đá, mà còn lan sang cả cảnh sát, những người bị cáo buộc là "phản ứng ngu ngốc" dẫn đến thảm kịch Kanjuruhan.
Cảnh sát Indonesia bị cáo buộc sử dụng hơi cay bừa bãi khiến người hâm mộ hoảng loạn dẫn đến thảm kịch - Ảnh: AP
Ông James Montague nói: "Cảnh sát không được trang bị hoặc không có kỹ năng để đối phó với đám đông theo bất kỳ cách nào. Vì vậy họ sử dụng bạo lực và kiểm soát đám đông theo cách cổ xưa, như chúng ta đã thấy ở đây.
Rõ ràng các cổ động viên đã lao vào sân nhưng nó chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến điều tồi tệ. Cảnh sát đã châm dầu vào lửa bằng cách bắn hơi cay với số lượng mà tôi chưa từng thấy trước đây, số lượng gây nhức nhối, nghẹt thở và tạo ra sự hoảng loạn hàng loạt.
Bất cứ ai có kiến thức về kiểm soát đám đông đều hiểu rằng: bắn hơi cay vào không gian hạn chế giống như họ đã làm, nó sẽ dẫn đến tử vong".
Nhiều sân vận động không phù hợp với mục đích sử dụng
Nhiều sân vận động ở Indonesia có mục đích sử dụng không phù hợp. Mặc dù có sức chứa 38.000 người, nhưng theo cảnh sát Indonesia thì trên sân Kanjuruhan có ít nhất 42.000 người.
Ông Montague nói: "Các thủ tục soát vé không được phối hợp kỹ càng và thị trường chợ đen bùng nổ dẫn đến những tình huống không rõ ràng... Ngoài ra lối vào chật hẹp, các yếu tố an ninh như hạn chế sức chứa, ngăn cách các chỗ ngồi và rào chắn cũng thường thiếu. Hơn nữa, hàng rào thường được phủ bằng dây thép gai khiến việc sơ tán nhanh chóng rất khó".
Sau khi đưa ra những lý do về vụ thảm họa, chuyên gia Montague kết luận rằng: "Khi mà bạo lực và tử vong trong bóng đá Indonesia không phải hiếm thì thảm họa tại sân Kanjuruhan chỉ là "một tai nạn chắc chắn sẽ xảy ra dù sớm hay muộn".