Thái Lan vấp phải mối lo lớn nhất ẩn sau tấm HCV của U22 Việt Nam

Tiểu Mã |

Tờ báo Thairath cho rằng sau kỳ SEA Games 30, không chỉ bóng đá mà cả nền thể thao Việt Nam rất có thể sẽ tiếp tục “qua mặt” Thái Lan trong một tương lai rất gần.

Ngày 13/12, tờ Thairath của Thái Lan có bài viết với tiêu đề: "Bài học từ sự phát triển nổi bật của thể thao Việt Nam". Theo bài viết này, không chỉ bóng đá mà ngành thể thao Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để tiến hành "bước nhảy vọt" và khả năng cao sẽ tiếp tục "qua mặt" Thái Lan ở những kỳ Đại hội tiếp theo ở cả tầm khu vực lẫn châu lục.

Thairath viết: "Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 30 năm 2019 đã khép lại. Đối với người hâm mộ thể thao Thái Lan, chắc hẳn sẽ có rất nhiều người cảm thấy thất vọng, cả về số lượng HCV lẫn lượng người theo dõi các trận đấu.

Chúng tôi không biết các đài truyền hình đã tường thuật trực tiếp bao nhiêu nội dung thi đấu của các VĐV Thái Lan, nhưng chúng tôi cho rằng ngoài môn bóng chuyền nữ thu hút lượng lớn người deo dõi thì các môn khác lại rất nhạt nhòa, bao gồm cả môn bóng đá nam - môn thi đấu mà chúng ta bị loại ngay từ vòng bảng còn Việt Nam giành HCV.

Xét về số lượng HCV, năm nay chúng ta không thể gặt hái thành tích tốt khi phải đứng thứ ba sau cả Việt Nam. Đây là lần đầu tiên chúng ta phải xếp thứ ba chung cuộc sau 26 năm kể từ năm 1993.

Thái Lan vấp phải mối lo lớn nhất ẩn sau tấm HCV của U22 Việt Nam - Ảnh 1.

Tờ Thairath lo lắng cho nền thể thao nước nhà khi nhìn vào sự tiến bộ thần tốc của Việt Nam.

Nhưng, điều gì đã xảy ra với các VĐV Thái Lan của chúng ta?

Chúng tôi cố gắng để đưa ra cái nhìn lạc quan, rằng các VĐV của chúng ta đã cố gắng hết sức và quyết tâm giành thành tích tốt nhất có thể. Nhưng, chúng ta khó lòng có thể lạc quan nếu nhìn sang Việt Nam, quốc gia đã vươn lên để vượt qua chúng ta.

Thật tình cờ, năm nay, Việt Nam giành những thành tựu rất ấn tượng không chỉ ở thể thao mà còn là kinh tế. Khoảng 2-3 năm qua cũng giống như những "năm vàng" của Việt Nam. Nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng trung bình hơn 7% hàng năm và điều đó tạo nên sự thúc đẩy mạnh mẽ cho thể thao.

Kinh tế và thể thao có mối liên kết rất quan trọng. Kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nền thể thao của mỗi quốc gia, và Việt Nam chính là một quốc gia điển hình. Hãy nhìn lại những số liệu thống kê một lần nữa để thấy rằng đây mới là lần đầu tiên thể thao Việt Nam vượt qua Thái Lan ở đấu trường SEA Games kể từ năm 2003 - giải đấu mà họ đứng đầu bởi họ là chủ nhà.

Rõ ràng, mọi yếu tố đều đang ủng hộ các VĐV Việt Nam. Họ có nguồn tài chính vững mạnh để đầu tư vào thể thao, các VĐV có môi trường rất tốt để phát triển và còn sở hữu tâm lý rất tự tin.

Nếu xét về kinh tế, Việt Nam vẫn chưa thể bằng được Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người của họ cũng thấp hơn chúng ta. Tuy nhiên, với đà phát triển nhanh như hiện nay, việc họ có thể san bằng hoặc vượt qua chúng ta trong một tương lai gần là điều có thể xảy ra và xu hướng đó có thể cũng sẽ đúng với ngành thể thao.

Bây giờ, hãy nhìn vào Việt Nam để cùng nhau hành động. Chúng ta không nên bất cẩn và phải nỗ lực hơn rất nhiều nữa nếu không muốn bị thể thao Việt Nam bỏ lại".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại