Thái Lan khủng hoảng: Cái giá của sự ảo tưởng

Đoàn Dự |

Thành công ngoài mong đợi với HLV Kiatisuk Senamuang không được nhìn nhận đúng cách khiến bóng đá Thái Lan đi sai đường và sa lầy vào khủng hoảng.

Thành công rực rỡ với Kiatisuk Senamuang khiến Thái Lan ảo tưởng sức mạnh

Thành công rực rỡ với Kiatisuk Senamuang khiến Thái Lan ảo tưởng sức mạnh

Ảo tưởng sau thành công cùng Kiatisuk

Việc Thái Lan thống trị bóng đá Đông Nam Á không phải chuyện mới. Trong khoảng 2, 3 thập kỷ trước đây, người Thái Lan bất cứ lúc nào cũng có thể vỗ ngực tự xưng họ là số 1 khu vực ngay cả khi không vô địch AFF Cup hay SEA Games.

Cũng vì vị thế đó, bóng đá Thái Lan muốn vươn xa hơn, ra tầm châu lục và thậm chí mơ về World Cup. Con đường này đương nhiên không dễ dàng, và Thái Lan lẽ ra sẽ có một kế hoạch dài hơi, đúng đắn hơn nếu Kiatisuk Senamuang không trở thành HLV trưởng của đội U23 và ĐTQG vào năm 2013.

Dưới thời Kiatisuk, các đội tuyển Thái Lan thắng như chẻ tre. Họ dễ dàng giành HCV SEA Games, vô địch AFF Cup hai lần và vào đến bán kết ASIAD. Đỉnh cao nhất của Thái Lan trong giai đoạn này chính là lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2018 khu vực châu Á. Tuy nhiên, đây cũng là bước ngoặt khiến “Voi chiến” bắt đầu lao dốc vì ảo tưởng.

Khoan nói đến các ngôi sao bóng đá Thái Lan sản sinh trong giai đoạn này, riêng cách họ ứng xử với thất bại ở vòng loại thứ 3 World Cup 2018 đã là vấn đề lớn. Rơi vào bảng B với các ông kẹ Nhật Bản, Saudi Arabia, Úc, UAE và Iraq, Thái Lan chỉ giành được 2 điểm sau 10 trận đấu. Đúng vậy, họ không thắng trận nào, hòa 2 và thua đến 8 trận, ghi 6 bàn thắng nhưng thủng lưới đến 24 lần.

Nếu chỉ nhìn vào bảng điểm, đó là kết quả không thể chấp nhận với Thái Lan. Nhưng nhìn vào thực tế, đó là kết cục được dự đoán trước với một đội bóng từ “vùng trũng” Đông Nam Á lần đầu đến với cuộc đua cuối cùng tranh vé dự World Cup.

Nếu người Thái Lan tỉnh táo hơn, họ nên đánh giá cao hai trận hòa mà đội bóng của Kiatisuk giành được, 2-2 trước Úc, và 1-1 trước UAE. Trong đó, họ gần như đã thắng UAE và chỉ bị gỡ hòa ở phút 90+3.

Thái Lan khủng hoảng: Cái giá của sự ảo tưởng - Ảnh 1.

Ngoài Chanathip, Thái Lan không còn cầu thủ nào vượt tầm Đông Nam Á

Tuy nhiên, thay vì nhiều vào những thực tế, các nhà điều hành và cả người hâm mộ Thái Lan lại… ảo tưởng. Họ tin rằng Thái Lan cần một HLV khác thay thế Kiatisuk để tiến lên đẳng cấp mới, thay vì thừa nhận hạn chế về con người trên sân.

Đó là suy luận thông thường, nhưng nó chỉ đúng nếu nền bóng đá đó có tiềm năng sức mạnh thực tế. Ở giai đoạn đó, số cầu thủ Thái Lan chơi bóng ở nước ngoài thậm chí còn kém hơn bây giờ, và đương nhiên không có ai đạt đến tầm Chanathip.

Trước sức ép của truyền thông, HLV Kiatisuk từ chức HLV Thái Lan vào tháng 3/2017, đánh dấu cột mốc bắt đầu cuộc khủng hoảng không lối thoát của bóng đá nước này.

Ảo mộng với HLV ngoại

Đúng như tham vọng đã nói, Thái Lan chia tay Kiatisuk để tìm đến những HLV ngoại được đánh giá ở đẳng cấp cao hơn hẳn. Không những vậy, họ còn chủ động tìm kiếm những chiến lược gia đã có kinh nghiệm cầm quân tại World Cup. Về lý thuyết, đó là nước đi rất hợp lý của Thái Lan.

Nhưng sự hợp lý trên giấy tờ, trên các bài phân tích bằng từ ngữ chưa bao giờ là thước đo chính xác cho thực tế. Lần lượt Milovan Rajevac và Akira Nishino được Thái Lan trải thảm đỏ mời về và phải rời đi trong ê chề.

Thái Lan khủng hoảng: Cái giá của sự ảo tưởng - Ảnh 2.

HLV danh tiếng cũng bó tay với những gì họ có sẵn ở Thái Lan

Milovan Rajevac là ai? Ông là HLV kỳ cựu có kinh nghiệm dẫn dắt hơn 15 đội bóng khác nhau trên khắp thế giới. Ông là người giúp Ghana trở thành hiện tượng tại World Cup 2010, nơi họ chỉ bị loại sau khi Luis Suarez dùng tay chơi bóng ở phút cuối cùng của hiệp phụ.

Akira Nishino là ai? Ông là HLV, nhà quản lý bóng đá lỗi lạc của Nhật Bản, là người trực tiếp dẫn dắt Nhật Bản vượt qua vòng bảng World Cup 2018 đầy thuyết phục và chỉ thua ngược Bỉ ở vòng 1/8 vì vấn đề thể lực.

Không ai có thể chê trách hay chỉ trích Thái Lan khi họ chọn Milovan Rajevac và Akira Nishino. Tuy nhiên, không phải vô cớ mà cả 2 HLV giàu kinh nghiệm, có đẳng cấp và theo các trường phái khác nhau như thế đều thất bại thảm hại.

Quay ngược câu chuyện trở lại với Kiatisuk, “Zico Thái” đang thể hiện tài cầm quân của mình tại Việt Nam khi dẫn dắt HAGL dẫn đầu V-League 2021 sau nhiều năm… đua trụ hạng. Ngoài vấn đề con người, Kiatisuk thấu hiểu bóng đá Thái Lan hơn ai khác.

Ông biết cách phát huy tài năng của các cầu thủ, xoa dịu cơn điên của người hâm mộ. Nhưng khi Thái Lan bay quá cao, các quan chức và đám đông trở nên lạc lối, Kiatisuk chỉ còn cách dừng lại.

Thất bại của bóng đá Thái Lan trong 4 năm qua đơn giản chỉ nằm trong 4 chữ: Không biết chính mình. Vì không biết thực lực bản thân đến tầm nào, họ đã đốt cháy giai đoạn.

Người Thái tưởng rằng họ chỉ còn thiếu một HLV đẳng cấp, nhưng thời gian chỉ ra họ thiếu cả các cầu thủ tài năng, những thế hệ cầu thủ kế cận. Sự vươn lên của Việt Nam, Malaysia thay thậm chí Myanmar càng khiến Thái Lan nóng ruột và lún sâu hơn vào khủng hoảng.

Thái Lan khủng hoảng: Cái giá của sự ảo tưởng - Ảnh 3.

Thái Lan đang phải tìm lại con đường phát triển chậm chắc

Nói cách khác, sau 4 năm luẩn quẩn trong ảo mộng của bản thân, người Thái Lan đã giật mình nhận ra họ vẫn thiếu nền tảng. Thất bại tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 vừa qua giống như một cái tát giúp Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) và người hâm mộ họ tỉnh ngộ.

FAT tuyên bố họ sẽ thành lập hội đồng kỹ thuật để tìm kiếm HLV mới từ danh sách các HLV Thái Lan đang thành công tại Thai League. Đó giống như một lời nhận sai của Thái Lan. Sẽ không bất ngờ nếu đồng đội cũ của Kiatisuk, Dusit là cái tên được chọn.

Chỉ có đập đi xây lại, tìm về bản chất vấn đề: chất lượng cầu thủ và xây dựng thế hệ kế cận xứng đáng, người Thái Lan mới có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này. Khi đó, cục diện bóng đá Đông Nam Á hứa hẹn sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều, và bản thân tuyển Việt Nam - hay chính xác hơn là VFF cũng cần sự tỉnh táo để tránh lặp lại vết xe đổ của người Thái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại