Thế hệ vàng và ảo tưởng về đào tạo trẻ

10 tháng nữa là World Cup 2014 sẽ khởi tranh, những chuyên gia, cầu thủ và NHM bắt đầu nhẩm đếm đội bóng nào sẽ mang tới Brazil một thế hệ vàng để vô địch hay trở thành ngựa ô.

Đó là điều mà Uruguay đã làm 2 năm trước, Croatia năm 1998, hay Đan Mạch và Hy Lạp ở các kỳ Euro 1992 và 2004.

Thế hệ vàng là sản phẩm của may mắn?

Năm nay, hai ứng cử viên nổi bật là Bỉ và Colombia. Đội bóng châu Âu sở hữu cả một quân đoàn các ngôi sao Premier League: Simon Mignolet, Vincent Kompany, Jan Vertonghen, Thomas Vermaelen, Marouane Fellaini, Eden Hazard, Kevin de Bruyne, Christian Benteke, Romelu Lukaku, Kevin Mirallas, chưa kể Axel Witsel, Thibaut Courtois, Steven Defour và Dries Mertens.

Trong khi đó, Colombia, có bộ ngũ ngôi sao tại Serie A: Juan Cuadrado, Luis Muriel, Pablo Armero, Camilo Zuniga và Fredy Guarin, cùng James Rodriguez, Juan Quintero, David Ospina, Jackson Martinez và tất nhiên, Radamel Falcao.

Thế hệ vàng và ảo tưởng về đào tạo trẻ
Người Anh khát khao một thế hệ vàng như thế hệ của Hazard (áo đỏ) ở tuyển Bỉ

Từ giờ cho tới khi giải đấu bắt đầu ở Brazil, họ sẽ còn được lấy ra làm ví dụ nhiều lần nữa cho việc một hệ thống đào tạo trẻ bài bản và được đầu tư chăm chút có thể mang tới quả ngọt ra sao. Ở Anh, thành công của những quốc gia bóng đá được coi là nhỏ hơn như Bỉ và Colombia đặc biệt đáng ngưỡng mộ và được coi là bài học cho đào tạo trẻ của nước này. Thật ra, những chuyên gia từ Bỉ đã được LĐBĐ Anh FA mời tới khu huấn luyện St George’s Park để tư vấn.

Tuy nhiên, có đúng là những thế hệ vàng có thể do đào tạo mà nên? Với Bỉ và Colombia, có vẻ như đó là sự tình cờ nhiều hơn là tính hợp lý của phương pháp. “Gần như toàn bộ đội hình đội tuyển quốc gia hiện giờ rời Bỉ từ khi còn khá trẻ”, Stan van den Buijs, cựu giám đốc đào tạo trẻ tại Beerschot, CLB đã sản sinh ra Mousa Dembele, Vertonghen và Vermaelen, cho biết. “Ở Bỉ, họ sẽ không phát huy được hết năng lực, nên phải ra nước ngoài”. Vertonghen và Vermaelen tới Ajax, trong khi Dembele chuyển sang Willem II, đều ở Hà Lan. Hazard và Mirallas thực ra trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của Lille tại Pháp. Chỉ Standard Liege, với Witsel, Fellaini và Defour, thực sự là một đội đào tạo trẻ giỏi ở Bỉ.

Câu chuyện không khác mấy với Colombia. “Falcao tới River Plate (Argentina) năm 14 tuổi, James Rodriguez cũng ra đi khi còn rất trẻ”, cựu danh thủ Colombia Juan Pablo Angel nói. “Họ cần phải được tiếp cận với cơ sở hạ tầng bóng đá tốt nhất, điều mà Colombia không có”. Kết luận: một thế hệ vàng xuất hiện có lẽ nhờ nhiều vào may rủi, hơn là sự tài ba của các quan chức liên đoàn bóng đá.

Không phải cứ copy mô hình là thành công

Ở Tây Âu, nơi khoa học kỹ thuật tiến bộ nhất thế giới, người ta thường có khuynh hướng tin rằng con người sắp làm chủ được số phận. Bóng đá cũng thế, khi nhiều người tin tưởng một cơ sở hạ tầng hoàn hảo, hệ thống đào tạo trẻ có thứ bậc, huấn luyện khoa học và đội ngũ HLV được đào tạo bài bản sẽ tạo ra các thế hệ vàng.

Nhưng điều đó khá đáng ngờ. Tuyển BĐN thời của Luis Figo và Rui Costa, Croatia 1998, Nam Tư trước đó, và cả thế hệ vàng thau lẫn lộn của bóng đá Anh đều là tập hợp các cầu thủ từ những CLB khác nhau, vùng khác nhau, với chính sách khác nhau và cơ sở hạ tầng bóng đá khác nhau.

Kết luận: không có sản phẩm bóng đá nào thành công mà thiếu tài năng tự nhiên. Không ai ghen tị với hệ thống đào tạo trẻ ở Nigeria, Cameroon, hay thậm chí là Argentina và Brazil, nhưng họ vẫn sản sinh ra những cầu thủ đẳng cấp thế giới.

Khá chắc chắn là giờ đây nếu Anh gặp phải Bỉ hay Colombia, một trận hòa đáng coi là kết quả khả quan với họ, nhưng điều đó không có nghĩa là sao chép những hệ thống đào tạo trẻ ở hai nước này sẽ mang lại thành công đương nhiên cho đội bóng của HLV Roy Hodgson.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại