Premier League chỉ công bố các hạng mục vi phạm để sau đó tiến hành điều tra độc lập, không có thông tin chi tiết.
Man.City bị buộc tội gì?
Theo thông báo dài 735 chữ của ban tổ chức Premier League thì Man.City có 101 lần vi phạm các luật xoay quanh các cáo buộc bao gồm bốn lĩnh vực: 1- không đưa ra "cái nhìn chân thực và công bằng về tình hình tài chính của CLB"; 2- không "bao gồm đầy đủ chi tiết" về thù lao của cầu thủ và người quản lý (HLV); 3- Vi phạm các quy định về công bằng tài chính của Anh và châu Âu; 4- Không "hợp tác và hỗ trợ Premier League trong các cuộc điều tra của mình". Sẽ có một hội đồng độc lập được chọn ra để xử lý quy trình tố tụng một cách riêng tư và bảo mật. Phán quyết cuối cùng của hội đồng này sẽ được thông báo trên trang chủ Ngoại hạng Anh.
Có gì rõ ràng chưa?
Premier League chỉ công bố các hạng mục vi phạm để sau đó tiến hành điều tra độc lập, không có thông tin chi tiết. Tuy nhiên, khung thời gian mà các vi phạm này xảy ra cũng giúp công chúng hình dung được diễn biến trong quá khứ và các thiệt hại có thể xảy ra. Đầu tiên, Man.City đã thổi phồng giá trị của các hợp đồng tài trợ như để chuyển thêm tiền từ chủ sở hữu của họ vào tài khóa hoạt động. Thứ hai, khoản thanh toán bí mật đó được thực hiện cho HLV Roberto Mancini và người đại diện của Yaya Toure. Điều này đẫn đến việc Man.City có thể vi phạm các quy tắc tài chính. Cuối cùng là cáo buộc của Premier League về việc Man.City không chịu hợp tác.
Tại sao điều tra này lại quan trọng?
Năm nào thì việc kiểm toán, điều tra cũng được tiến hành tại giải Ngoại hạng do bản chất thương mại nổi bật của giải đấu, nhưng trường hợp điều tra dài hạn, kỹ lưỡng đối với Man.City thì chưa bao giờ có chuyện tương tự. Đơn giản vì trong 13 mùa giải kể từ sau khi giới chủ Ả rập nắm quyền kiểm soát, bắt đầu từ 2009-2010, Man.City đã 6 lần vô địch Premier League và League Cup, 2 lần giành FA Cup. Họ là thứ "sản phẩm điển hình" của giải Ngoại hạng với thành công toàn cầu. Họ chi tiêu ngày càng xa hoa cho lực lượng với hơn 1 tỷ bảng. Và đó là khởi đầu của khái niệm "dùng tiền mua danh hiệu", điều mà Man.City luôn cực lực bác bỏ. Nếu Man.City không làm sai, thì người ta gọi đó là "tấm gương", còn nếu thực sự họ vi phạm và qua đó có thành công, thì chẳng khác gì "lừa đảo", khiến cho nghành công nghiệp bóng đá sẽ chịu sự giám sát từ giới chính trị.
Trong 13 mùa giải kể từ sau khi giới chủ Ả rập nắm quyền kiểm soát, Man.City đã 6 lần vô địch Premier League.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Ông Murray Rosen là người đứng đầu Hội đồng độc lập và được Premier League yêu cầu chọn thêm 3 người, trong đó có ít nhất một chuyên gia tài chính. Các phiên điều trần sẽ được tiến hành riêng tư và không có khung thời gian về việc ủy ban sẽ mất bao lâu để hoàn thành công việc của mình. Thời gian lý tưởng sẽ là vài tháng, sau khi Hội đồng công bố phán quyết, một trong hai bên có thể kháng cáo và sau đó là đến cấp trọng tài. Nếu chưa xong, thì sẽ chuẩn bị hồ sơ nộp lên để tòa án cấp cao. Tuy nhiên, theo truyền thông Anh, sẽ không có bên nào được phép kháng cáo lên tòa Trọng tài thể thao (CAS) ở Thụy Sỹ.
Các hình phạt Man.City có thể đối mặt
Theo khoản W.51 trong điều lệ Premier League, các án áp dụng sẽ có thể là tiền phạt, trừ điểm và đình chỉ thi đấu, hoặc loại khỏi giải. Nói cách khác, mọi khả năng đều có thể xảy ra tùy vào ý chí của đơn vị đưa ra án phạt. Vì thế khả năng Man.City bị tước danh hiệu ở các mùa giải mà họ nằm trong khung thời gian vi phạm.
Phần tiếp theo của Football Leaks?
UEFA từng phát hiện Man.City vi phạm luật công bằng tài chính vào năm 2014 nhưng sau đó 2 bên đạt được thỏa thuận, theo đó Man.City chỉ nộp phạt và không bị cấm thi đấu ở Champions League. Tuy nhiên đến năm 2015, vụ hack tài liệu có tên là "Football Leaks" đã tiết lộ thêm khá nhiều bí mật của Man.City. Đến năm 2018, sau khi trang web của Đức là Der Spiegel cho công bố một loạt thông tin cũng từ Football Leaks, đã thúc đẩy Premier League tiến hành điều tra 4 năm qua.