Sau cuộc "náo loạn" chưa từng có ở Quốc hội Mỹ hôm 6/1/2021, Tổng thống Donald Trump ngày 7/1 đã chính thức thừa nhận kết quả bầu cử, với thông điệp sẽ tập trung vào "bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ và có trật tự".
Dù sao đi nữa, Quốc hội Mỹ đã xác nhận ông Joe Biden sẽ là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Nhiệm kỳ 4 năm của Trump, một Tổng thống đặc biệt - từ cá tính, cho đến cách điều hành gây tranh cãi - sẽ khép lại.
Ông Trump luôn bày tỏ niềm tin lớn vào những kỹ năng đàm phán của bản thân, đồng thời dường như phụ thuộc đáng kể vào những quyết sách đưa ra dựa trên bản năng cùng những kinh nghiệm kinh doanh trong quá khứ để dẫn dắt quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Jeffrey Sonnenfeld, giáo sư ngành Quản trị của trường Đại học Yale, có 50 năm nghiên cứu về vai trò lãnh đạo, xác nhận rằng vị CEO đầu tiên trở thành Tổng tư lệnh của nước Mỹ từng khiến nhiều người lo lắng rằng Trump chưa sẵn sàng hay do tính khí của ông.
Sonnenfeld - người đã biết Trump trong hàng chục năm và có nhiều cuộc trao đổi với chính Trump về những gì mà một doanh nhân có thể mang đến cho vị trí đứng đầu nhánh hành pháp Mỹ - chỉ ra những ưu điểm và thế mạnh mà Tổng thống nêu ra:
- Định hình vấn đề và giao tiếp: Diễn đạt các khái niệm phức tạp bằng ngôn ngữ đơn giản.
- Kỹ năng đàm phán: Đảm nhiệm các vị trí khó khăn, đòi hỏi kiến thức và giành được thắng lợi.
- Chiến lược rõ ràng và tập trung: Giải quyết các vấn đề lớn của bức tranh và tránh né các chi tiết kỹ thuật.
- Các chỉ số về thành tích: Cung cấp kết quả có thể giải trình được về tiền, sự tham gia, tăng trưởng.
- Nói chuyện rõ ràng, trực tiếp với hình ảnh sống động: Thu hút những khán giả mới.
- Phát hiện tài năng cho đội ngũ lãnh đạo: Tạo ra một mạng lưới rộng lớn trong các cuộc tìm kiếm Nội các.
- Khả năng phục hồi và vượt qua nghịch cảnh: Không bao giờ bỏ cuộc.
Theo giáo sư Sonnenfeld, về mặt con người, ông Trump có tính cách cởi mở và dễ tiếp cận một cách đáng ngạc nhiên. Bất chấp vẻ ngoài cao ngạo và có vẻ xa cách, có một sự "chất phác" ở Tổng thống.
Hầu hết đội ngũ kinh doanh của Trump đã đi theo ông trong cả sự nghiệp của họ và ông hiểu rõ nhiều người về mặt cá nhân. Trump được đánh giá là nhiệt thành gây ấn tượng với những cử tri mới và lo lắng trước những phản hồi. Dù tỏ ra nhạy cảm trước các chỉ trích, ông vẫn tiếp tục lắng nghe và theo đuổi thử thách.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đánh giá kết quả bầu cử Mỹ năm 2016 thực sự là một bất ngờ với nước Mỹ và cả những người theo dõi.
Đại sứ Vinh nhìn nhận ông Trump đi lên từ vai trò doanh nhân, ít làm việc trong giới chính trị nên không biết vấn đề "chân rết" thế nào. Ngay cả sau khi thắng cử, ông Trump cũng chưa có bộ sậu, kế hoạch nhân sự cho chính quyền nên không biết phải kết nối với ai.
"Còn khi tranh cử thì không phải là một cương lĩnh chính sách đầy đủ hẳn mà là một loạt khẩu hiệu mang tính dân túy như là Nước Mỹ trên hết, Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại, Hòa bình thông qua sức mạnh… Rồi có một số vấn đề ông nêu chứ không toàn cục, ví dụ như câu chuyện chia sẻ trách nhiệm của đồng minh với Mỹ rồi lấy lại lợi ích kinh tế của Mỹ với Trung Quốc cũng như các đối tượng khác bao gồm cả châu Âu, câu chuyện cài đặt lại thương mại, cùng có đi có lại chứ không phải nước Mỹ thua thiệt, không muốn các cuộc chiến tranh kéo dài không đem lại lợi ích cho nước M...," ông Vinh bình luận, chỉ ra rằng thời điểm đó không thể nhìn thấy rõ chính sách khung của ông Trump với các khu vực như châu Á-Thái Bình Dương.
Ngay cả khi đắc cử, ông Trump cũng chưa xây dựng ngay được cho mình một "bộ sậu" - tức kế hoạch nhân sự cho các vị trí trong chính quyền mới.
Ở Washington, D.C., hầu hết các nước đều muốn chờ thêm để định hình chính sách, nhân sự của Trump để tiếp cận nhưng trong lòng đều có cảm giác lo lắng về khẩu hiệu America First: Nước Mỹ có biệt lập hay không, nước Mỹ sẽ ứng xử với nước khác thế nào? - ông Vinh nhớ lại.
"Có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó các nước ASEAN muốn chờ thời. Chỉ có Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe tiếp cận kỹ nhất. Còn đối với Việt Nam câu chuyện đặt ra quan trọng nhất là trong chính sách và chiến lược đối ngoại của Việt Nam, ai lên làm Tổng thống cũng phải thúc đẩy đà quan hệ giữa hai nước," ông Vinh cho hay, đề cập cuộc gặp của ông Abe với Tổng thống đắc cử Trump vào ngày 17/11/2016 - chỉ hơn 1 tuần sau khi ông Trump thắng cử.
Cuộc gặp 90 phút giữa hai ông Trump-Abe diễn ra ở Trump Tower tại Manhattan, New York, được sắp xếp một cách vội vã. Ông Trump thông báo trên Facebook rằng Thủ tướng Nhật "ghé thăm nhà tôi và khởi đầu một tình bạn tuyệt vời". Ông Abe tặng Trump một chiếc gậy đánh golf làm quà ra mắt.
Ban lãnh đạo Nhật Bản lo lắng về tương lai của liên minh Nhật-Mỹ, vốn là trọng tâm trong chiến lược đối ngoại và an ninh của Tokyo. Bởi trước đó vào tháng 9/2016 - hai tháng trước bầu cử, ông Abe đã có cuộc gặp với bà Hillary Clinton, được cho là nhằm hoạch định các nghị trình cho tương lai hai nước giữa hàng loạt dự báo về chiến thắng của bà. Tuy nhiên, ông Shinzo Abe không gặp ông Trump trước Ngày bầu cử (8/11/2016).
Bức ảnh trong phòng họp tại Trump Tower cho thấy ông Abe chỉ có một phiên dịch viên tháp tùng, trong khi bên cạnh ông Trump là những nhân vật thân cận nhất, gồm con gái Ivanka Trump, con rể Jared Kushner, và Trung tướng về hưu Michael Flynn - người trở thành Cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền mới nhưng phải từ chức sau hơn 1 tháng do những cáo buộc trao đổi thông tin với Nga.
Trung Quốc cũng là một trong số nước lớn bất ngờ và lo lắng trước thắng lợi của ông Trump năm 2016. Giáo sư Wu Xinbo của Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, nói rằng Trung Quốc bất ngờ bởi chiến thắng của ông Trump trước bà Clinton ban đầu tưởng như là không thể, và lo ngại bởi lập trường cứng rắn của ông Trump nhằm vào Bắc Kinh, đặc biệt hơn nữa là Trung Quốc gần như không có đầu mối liên hệ nào với đội ngũ Trump.
Điều quan trọng đầu tiên mà Trung Quốc làm sau bầu cử Mỹ 2016 là tìm cách mở ra kênh liên lạc đáng tin cậy đến ông Trump. Nước này hành động nhanh chóng nhằm theo đuổi chiến lược tiếp cận xây dựng, hướng đến đưa quan hệ Mỹ-Trung về đúng quỹ đạo sau khi chính quyền chuyển giao từ Tổng thống Dân chủ Barack Obama sang Tổng thống Cộng hòa Donald Trump. Kết quả là cuộc gọi đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với ông Trump vào ngày 14/11/2016, trong đó ông Tập nhấn mạnh hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho hai nước, trong khi ông Trump cũng thể hiện mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương.
Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, người đóng vai trò lớn trong việc tái thiết hệ quan hệ Mỹ-Trung vào thập niên 1970, đã giúp Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải kết nối với Jared Kushner. Kênh liên lạc giữa ông Thôi và Kushner trở thành nhân tố đầy giá trị với cả hai bên, đặt nền tảng để Bắc Kinh cử Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì đến New York vào đầu tháng 12/2016 để thảo luận về phát triển quan hệ song phương với ông Michael Flynn cùng Kushner.
Dù sớm kết nối được với đội ngũ Trump, Bắc Kinh cũng nhanh chóng nhận ra thực tế phũ phàng trong giai đoạn chuyển giao, rằng ông Trump có xu hướng hành động một cách khó đoán. Ngay đầu tháng 12/2016, Tổng thống đắc cử nhận cuộc điện thoại chúc mừng của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn - lần đầu tiên kể từ khi Mỹ-Trung bình thường hóa quan hệ năm 1979. Vụ việc khuấy động những bất ổn và dự báo mối quan hệ không yên ả trong những năm tiếp theo.
Đại sứ Vinh kể lại, thời điểm đó, có mấy dấu hỏi: Dường như trong tất cả câu chuyện về tranh cử thì những nước nhỏ và vừa, trong đó có ASEAN và Việt Nam, hoàn toàn không có bóng dáng trong các trao đổi của Tổng thống đắc cử.
"Tức là người ta chưa biết đến mình và cũng chưa biết mối quan hệ giữa 2 nước trong thập kỷ qua. Vậy thì phải kết nối được với những nhân sự trong chính quyền mới của Trump, để duy trì các mặt tiếp theo của mối quan hệ trong đó đặc biệt là thực hiện Tuyên bố về Đối tác toàn diện, từ chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, đầu tư thương mại… !", ông Vinh nói.
Bên cạnh đó, dù không nhắc đến Việt Nam nhưng trong nghị sự mà ông Trump từng tuyên bố có nhiều câu chuyện tác động đến Việt Nam và khu vực, như xử lý thâm hụt thương mại. Vào thời điểm đó Việt Nam là một trong 16 nước có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ; thứ hai là, chắc chắn ông Trump sẽ hủy bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đã mất 5 - 6 năm đàm phán và theo đuổi với rất nhiều kỳ vọng và nỗ lực. Nay không có TPP thì Mỹ sẽ kết nối thương mại với khu vực này như thế nào?
Còn một việc cận kề ngay lúc đó là năm 2017 Việt Nam sẽ làm Chủ tịch APEC. Mỹ là một thành viên quan trọng trong APEC nhưng dưới thời Trump, nước Mỹ thay đổi quan điểm về kinh tế, thương mại, chủ nghĩa đa phương, biến đổi khí hậu... Vậy thì Việt Nam sẽ điều phối APEC thế nào?
"Còn quá nhiều điều trong chính sách của Trump còn là ẩn số. Mình không thể không chủ động tiếp cận," ông Vinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đây là một thách thức. Theo quy định nước Mỹ, từ ngày 8/11/2016 đến trước khi Tổng thống mới nhậm chức, bao giờ cũng có 2 nhóm chuyển giao của hai nhiệm kỳ Tổng thống bàn giao với nhau ở những bộ chủ chốt về chính sách, kế hoạch… Nhưng do sự chuẩn bị nhân sự nòng cốt của Trump chưa có, chúng ta tiếp cận hơn 1 tuần, gần chục ngày chưa ra những câu chuyện về mặt chính sách hay những nhân sự chủ chốt.
Khi tiếp xúc với các nhóm chuyển giao theo công thức hành chính không thành, thì không có cách gì khác, chỉ còn cách tiếp cận trực tiếp với Trump. "Tôi đề xuất với Nhà và được bạn bè Mỹ, từ Quốc hội, chính quyền, kể cả những người đã nghỉ, cả trong cộng đồng doanh nghiệp giúp đỡ, kết nối mình đến trong tổ chức vận động tranh cử cho Trump," ông Vinh cho hay.
Đại sứ Vinh cho biết, những nỗ lực kết nối này đưa tới kết quả là Tổng thống Trump bày tỏ sẵn sàng điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Cuộc điện đàm này mang lại được mấy thứ, hai lãnh đạo biết nhau, dẫn đến chuyến thăm. Đến lúc đó bắt đầu có bộ máy hình thành rồi thì tháng 4/2017, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sang Mỹ gặp [ông H. R.] McMaster lúc đó là Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump và trong cuộc gặp đó, McMaster trao thư mời của ông Trump gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mời Thủ tướng sang thăm, hơn 1 tháng trước khi chuyến thăm diễn ra vào tháng 5/2017.
Một đặc điểm của ông Trump được nhiều cựu quan chức chính phủ ghi nhận là yêu cầu cao của Tổng thống đối với lòng trung thành.
"Donald Trump có quy định ngặt nghèo về sự trung thành," cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicers viết trong cuốn sách của mình.
"Không gì khiến ông ấy đau đớn hơn là có ai đó mà ông tin tưởng lại không trung thành với ông," Corey Lewandowski, giám đốc chiến dịch tranh cử đầu tiên của Trump, và phó giám đốc chiến dịch David Bossie, đánh giá.
"Lòng trung thành là nhân tố then chốt" trong việc bổ nhiệm nhân sự - theo cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.
Cuốn sách "Disloyal" của Michael Cohen - cựu luật sư của Trump, và cuốn "A Higher Loyalty" của cựu Giám đốc FBI James Comey cũng được lấy tựa đề dựa trên khái niệm và quan điểm của Trump về lòng trung thành.
Trong hồi ký của mình, ông Comey ẩn ý về thời điểm Trump được cho là đã nói với ông rằng "Tôi cần sự trung thành, tôi kỳ vọng lòng trung thành" khi Comey còn làm Giám đốc FBI. Comey cho biết đã từ chối thể hiện lập trường, và rời cương vị không lâu sau đó.
Theo đánh giá của những người từng làm việc với Trump, lòng trung thành là thước đo quyết định ai là người ở lại và Tổng thống sẽ lắng nghe ai. Trong một số tình huống, điều này còn thể hiện trong chính sách của Nhà Trắng.
Đề cập cách tiếp cận của chính quyền Trump với Venezuela, ông John Bolton dẫn lời Tổng thống nói về thủ lĩnh đối lập Juan Guaidó: "Tôi muốn ông ta nói rằng ông ta sẽ hết mực trung thành với nước Mỹ và không ai khác."
Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận xét, những đời Tổng thống Mỹ khác thường duy trì nhân sự tương đối ổn định, nhưng cách điều hành xuyên suốt của ông Trump cho thấy biến động nhân sự diễn ra xoay quanh 3 yếu tố:
- Những người trung thành
- Phụ thuộc vào thời điểm và mục tiêu
- Khi có ảnh hưởng chính sách chung hoặc tín nhiệm trong lòng cử tri
Dưới thời của mình, Trump đã 2 lần thay Bộ trưởng Ngoại giao, 4 lần thay Cố vấn an ninh quốc gia, 2 lần thay Bộ trưởng Quốc phòng, 3 lần thay Chánh văn phòng Nhà Trắng. Ngoài ra, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn phải từ chức vì vụ lùm xùm nói dối liên quan đến Nga, trong khi Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis có những bất đồng về chính sách với Tổng thống.
Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với ông Putin, có sự tham gia của các cố vấn gồm Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, Phó Tổng thống Mike Pence, cố vấn cấp cao Steve Bannon, Giám đốc Truyền thông Sean Spicer và Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn tại phòng Bầu dục. Ảnh: Reuters
Cách làm của Trump khác biệt nên nhiều người khó đồng nhất, Trump sẵn sàng chơi cú "sốc", dù chiến lược chung vẫn thế. Theo ông Vinh, cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton thì đã được Tổng thống Trump "sử dụng rất đúng cho những mục tiêu của mình, nhưng khi có khác biệt là sa thải, như một CEO".
Ông Trump nói rằng "Tôi không đồng ý với John Bolton về Venezuela. Tôi nghĩ ông ấy đã vượt quá mọi giới hạn". Trong khi đó, các nguồn tin của BBC nói Hội đồng an ninh quốc gia - cố vấn cho Tổng thống - đã trở thành thực thể riêng biệt trong Nhà Trắng dưới thời ông Bolton. Cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Trump nói rằng Bolton "muốn hoạt động tách biệt" với phần còn lại của Nhà Trắng. Ông Bolton không dự các cuộc họp và hành động theo các ưu tiên của riêng mình mà không hỏi ưu tiên của ông Trump là gì.
Trong số ba nhân vật thân cận xuất hiện cùng ông Trump tại cuộc gặp với Thủ tướng Shinzo Abe ngày 17/11/2016, chỉ còn vợ chồng Ivanka Trump và Jared Kushner vẫn giữ cương vị cố vấn cấp cao Nhà Trắng, trong khi ông Michael Flynn đã mất chức.
Trong khi đội ngũ Nhà Trắng trải qua nhiều biến động về nhân sự trong hơn ba năm nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, vị thế ổn định của vợ chồng Ivanka được cho là sự phản ánh chính xác tư duy của Tổng thống trong vấn đề dùng người. Trong giai đoạn tranh cử năm 2016, ông Trump tuyên bố sẽ "điều hành nước Mỹ giống như một doanh nghiệp", mà Ivanka và Kushner là những thành viên gia đình được tín nhiệm.
Ông Trump đánh giá rất tích cực vai trò của Kushner trong các vòng đàm phán khôi phục lộ trình hòa bình Trung Đông, mà một trong những cột mốc là thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) - được Mỹ ca ngợi là đang "vẽ lại bản đồ" Trung Đông. Còn Ivanka được Tổng thống ca ngợi về đóng góp quan trọng trong các cải cách và cắt giảm thuế lịch sử, cũng như đóng vai trò đặc phái viên của Trump tại Hàn Quốc, hay công tác đại diện cho các gia đình Mỹ.
Những báo cáo từ truyền thông Mỹ chỉ trích phong cách điều hành mang dấu ấn cá nhân của Tổng thống Trump đã mang tới "hỗn loạn". Tờ New York Times tháng 3/2018 thậm chí tuyên bố Trump đã phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự hỗn loạn và sử dụng điều này như một nguyên tắc tổ chức, cũng như công cụ quản lý.
Tuy nhiên, với quan sát và thời gian làm việc tại Mỹ của mình, Đại sứ Vinh cho rằng, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump được đánh giá là hoàn thiện đầy đủ và nhất quán các chiến lược quan trọng, dù các nội hàm và hàm lượng cụ thể của chính sách tỏ ra mơ hồ trong giai đoạn đầu của chính quyền.
Ông Vinh chỉ ra, trong năm 2017 và đầu năm 2018, Mỹ đã hoàn thiện những khung chính sách quan trọng, gồm chiến lược an ninh quốc gia vào tháng 12/2017, chiến lược quốc phòng quốc gia vào tháng 2/2018, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 11/2017.
Ông Vinh nhận định, chính quyền Trump thực thi quan hệ với các nước trên cơ sở lợi ích nước Mỹ, nhấn mạnh "có đi có lại". Mỹ cũng đặt quan hệ với các nước lớn là quan hệ cạnh tranh chiến lược, không phải để triệt tiêu nhau mà để bảo đảm rằng [Mỹ] không bị lấn át và cùng có lợi. Mỹ cũng tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexio, các thỏa thuận tự do thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc,... đều năm trong nỗ lực nhìn nhận lại lợi ích nước Mỹ. Và Chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được chính quyền Trump công bố cũng có hàm ý cạnh tranh nước lớn tự do và rộng mở, trong đó Mỹ tiếp tục gắn kết và không để nước nào áp đặt, dựa trên luật pháp quốc tế.
Một định hướng nổi bật và nhất quán mà ông Trump theo đuổi là nhìn nhận lại những giá trị đa phương. Mỹ rút khỏi TPP, thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran ngay trong năm đầu tiên nhiệm kỳ của ông Trump đều nằm trong tầm nhìn này.
Rất nhiều nghị sự của Trump nằm ở Twitter, nhưng Trump vẫn là 2 thứ: tập trung đối nội, đối ngoại. Về đối nội: Bác bỏ chính trị dòng chính và những thứ lâu nay ông cho là tha hóa, bao gồm cả báo chí, cả những quyết định của đảng Dân chủ; và đề xuất ra những ưu tiên thời kỳ mà ông cho rằng sẽ đem lại lợi ích cho nước Mỹ và cho người dân nước Mỹ, có câu chuyện về giảm thuế và giảm các quy định về môi trường, đưa công ăn việc làm trở lại nước Mỹ, đánh vào bất bình đẳng thương mại theo cách nhìn của Trump, đặc biệt là với Trung Quốc, để các công ty Mỹ có thể phát triển được hơn; nhập cư không theo chính trị mà theo pháp lý, cái mà xây bức tường với Mexico cũng thể hiện cái đó, ông Vinh lý giải.
Ông Phạm Quang Vinh nhận định, chính quyền Trump buộc các đồng minh phải chia sẻ trách nhiệm với Mỹ - điển hình là NATO và Nhật Bản, song song với đó vẫn củng cố quan hệ đồng mình.
Trong khi đó, Trung Quốc là một nghị trình xuyên suốt trong chính sách của Trump từ thời vận động tranh cử nhưng được cập nhật, bổ sung và diễn biến theo tình hình chung của quan hệ Mỹ - Trung, nội trị của nước Mỹ và quan hệ với thế giới.
Giai đoạn đầu của chính quyền Trump, Washington "đặt quan hệ Mỹ-Trung và các nước lớn khác là cạnh tranh và đối thủ chiến lược, nhưng xung quanh 2018 đến cuối 2019 hoặc đầu 2020 là trong cạnh tranh Mỹ-Trung đẩy cao điểm và ưu tiên hàng đầu là cuộc chiến thương mại" - ông Vinh nói.
Tổng thống Mỹ và Đệ nhất phu nhân tới thăm Tử Cấm Thành cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Năm 2018, [Mỹ] bắt đầu đánh thuế [hàng hóa Trung Quốc] và sau đó gia tăng liên tục nhưng vẫn có thương lượng. Về mặt chính trị, dù chỉ trích Trung Quốc lợi dụng Mỹ nhưng vẫn có 'người bạn tốt' Tập Cận Bình, cho đến cuối 2019 và đến tháng 1/2020, vẫn có thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Lúc đó có thể đánh giá giai đoạn đó là cạnh tranh Mỹ-Trung là cạnh tranh chiến lược và trên khắp các lĩnh vực, nhưng cách làm của Trump là đẩy cuộc chiến thương mại thành mũi nhọn trọng tâm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc bị đẩy lên cao khi hai nước cáo buộc lẫn nhau xoay quanh vấn đề ứng phó và nguồn gốc đại dịch Covid-19. Lòng tin chiến lược song phương bị giảm sút, cạnh tranh diễn biến sang hình thái khác và được đẩy cao trên hàng loạt lĩnh vực, khiến thỏa thuận thương mại trở nên quá nhỏ nhoi.
Trên thực tế, nghị trình về Trung Quốc vẫn là vấn đề được Mỹ thực hiện xuyên suốt. Vào ngày 4/10/2018, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu ở Viện Hudson, nhấn mạnh những đe dọa từ Trung Quốc về kinh tế, chính trị, quân sự và thể hiện cách nhìn đầy cảnh giác của giới lãnh đạo Mỹ đối với Trung Quốc. Đây được xem là khuôn khổ cho "Chiến tranh Lạnh" mới với Trung Quốc.
Kể từ đó, giới chức chính quyền Trump tiếp tục khẳng định Trung Quốc là thách thức lớn nhất trong đối ngoại của Mỹ, chỉ trích Bắc Kinh trong loạt vấn đề về Hồng Kông, Tân Cương, Đài Loan, Biển Đông,... Động thái đáng kể là sự điều chỉnh lập trường của Mỹ trong vấn đề biển Đông, khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/7 phát đi thông điệp của Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố các yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh áp đặt trên biển Đông là "trái phép".
Đại sứ Phạm Quang Vinh bình luận, nước Mỹ có một khung chính sách dưới thời Tổng thống Trump và hoàn thiện dần trong quan hệ quốc tế, cả về quan hệ đồng minh và cả các nước lớn, cả về an ninh chiến lược lẫn kinh tế.
"Qua đó, không phải Trump không định ra khung chiến lược, mà ông theo đuổi từng ưu tiên, đặc biệt là những ưu tiên đã hứa trong tranh cử, còn bộ máy vẫn chạy theo khung chiến lược," ông Vinh nói, đề cập các dòng tweet của Tổng thống đều thể hiện tính chất ưu tiên theo từng giai đoạn cũng như chiến lược xuyên suốt.
Nếu giai đoạn đầu, giữ quan hệ với ông Tập Cận Bình nhưng đấu rất mạnh về thương mại, nhưng vẫn để cửa để [Phó Thủ tướng Trung Quốc] Lưu Hạc đàm phán, và vẫn có thỏa thuận giai đoạn 1. Nhưng đến 2020, do tranh cử, do đại dịch [Covid-19], Trung Quốc cũng có những cái vươn ra như ngoại giao chiến lang, thấy [Mỹ] có nhiều cái quá phụ thuộc Trung Quốc buộc ông Trump cài đặt, định hình lại.
Điều này cho thấy chiến lược ngày càng được hoàn chỉnh và dưới thời Trump một bức tranh chung nước Mỹ rất khác. Lên, xuống theo nhịp diễn biến phức tạp của tình hình, 2020 thể hiện rất rõ cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung không đơn thuần nằm trong kinh tế nữa, nhưng Trump lúc nào cũng sử dụng yếu tố này rất linh hoạt và thực dụng.
Curt Friedel, giám đốc Trung tâm Giải quyết Vấn đề Hợp tác (Mỹ), tổng kết rằng Tổng thống Donald Trump thể hiện những đặc trưng điển hình của một nhà lãnh đạo sáng tạo, bao gồm tư duy về những ý tưởng bên ngoài khuôn khổ, ít điều chỉnh về cấu trúc, vượt qua các quy tắc và làm việc bên ngoài hệ thống - nhằm tạo ra những điều khác biệt.
Theo Friedel, không có phong cách lãnh đạo nào - dù sáng tạo hay ổn định - là vượt trội hoàn toàn.
"Những lãnh đạo vĩ đại thể hiện sự tự nhận thức mạnh mẽ về tác phong của chính mình và những người khác, có ý thức về ảnh hưởng của điều đó đến quyết định của họ và những người xung quanh, và nhận thấy những nhu cầu thay đổi. Họ sử dụng kiến giải cá nhân để quy tụ những phong cách xung đột có thể làm việc hài hòa với nhau và đạt tới một giải pháp trong các vấn đề chung."
4 năm trước, Donald Trump, con người xa lạ hoàn toàn với chính trường đã trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ trong sự ngỡ ngàng của nước Mỹ và cả thế giới. Thời điểm đó, có lẽ nhiều cử tri Mỹ đã đặt vào ông Trump kỳ vọng một sự thay đổi mới mẻ so với chính trường Mỹ từ trước đến nay.
Và phải thừa nhận rằng, ông Trump là một nhà lãnh đạo đặc biệt và hiếm gặp trong lịch sử nước Mỹ, cả về tính cách cá nhân lẫn tác phong điều hành trong công việc. Chính điều này khiến nhiều người bị thuyết phục, nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi.
"Sẽ không bao giờ có một Trump nữa," cựu Dân biểu Carlos Curbelo bang Florida nói, ngụ ý rằng, không muốn có một người lãnh đạo tương tự như vậy nữa. Ông ấy sẽ dần lu mờ, nhưng những "vết sẹo" từ thời kỳ đầy biến động này trong lịch sử nước Mỹ sẽ không bao giờ biến mất, vị cựu dân biểu nói thêm.
Năm 2016, tỷ phú Donald Trump đánh bại ứng viên sáng giá của đảng Dân chủ Hillary Clinton trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ trong sự bất ngờ của dư luận trong nước và quốc tế. Thậm chí, mặc dù thua ở số phiếu phổ thông nhưng ông Trump vượt trội hơn bà Hillary Clinton số phiếu đại cử tri (306/227).
4 năm qua, người dân nước Mỹ tiếp tục trải qua nhiều cú "shock" trái ngược và gây tranh cãi dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, từ các quyết định dễ gây xung đột như bắn tên lửa vào Syria, sát hại tướng Iran, mở một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc... Nhưng ở mặt trái ngược, ông Trump cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên 2 lần tiếp xúc trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cũng là người kết nối Thỏa thuận hòa bình giữa Israel với UAE và Bahrain...
Năm 2021, nhiệm kỳ của ông cũng khép lại bằng một cách bất ngờ không kém khi ông bắt đầu nhiệm kỳ: 74 triệu phiếu bầu - số đầu phiếu phổ thông cao nhất cho một Tổng thống tái tranh cử, nhưng đảng Cộng hòa cũng mất cả Hạ viện và Thượng viện vào tay đảng Dân chủ. Ông Trump cũng là Tổng thống Mỹ duy nhất không chịu nhận thua và chỉ chấp nhận chuyển giao quyền lực có trật tự sau cuộc hỗn loạn khi người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội.
4 năm, với nhiều biến động đã khiến nước Mỹ thay đổi và gần như không thể trở về trạng thái 4 năm trước, dù cho ông Trump không còn là Tổng thống.
Những di sản của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, dù muốn dù không, cũng sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nước Mỹ. Đặc biệt, những tranh cãi xung quanh những quyết sách của ông kéo dài suốt 4 năm cầm quyền đã biến nước Mỹ trở nên vô cùng chia rẽ. Sự phân cực này, có lẽ sẽ chưa thể chấm dứt ngay sau khi ông Trump thất bại trong cuộc đua Tổng thống mà sẽ còn âm ỉ trong lòng xã hội Mỹ, như một trong những "di sản" hay "vết sẹo" mà vị Tổng thống đặc biệt này để lại.