Giữa làn sóng đả kích Từ Hiểu Đông, tác giả Châu Tụng Ân trong bài viết trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đã phân tích rất kỹ càng về các giai đoạn của võ thuật Trung Quốc.
Qua đó, ông cho rằng chính Ngụy Lôi mới là "nhân vật phản diện" và trận đánh 10 giây kia được ví như cú đá "gãy răng cửa" giúp thức tỉnh võ lâm Trung Quốc khỏi những trò bịp bợm.
Võ sĩ Thái cực quyền bị hạ trong 10 giây
Chúng tôi xin trích đăng bài viết trên:
"Hãy nhìn vào thực tế, Từ Hiểu Đông đã nghỉ thi đấu MMA cách đây những 13 năm, sau một chấn thương khá nghiêm trọng. Trong khi đó, Ngụy Lôi còn được Đài truyền hình Trung Ương Trung Quốc CCTV phong cho danh hiệu "Đại sư Thái cực quyền".
Trong chương trình trên TV, anh ta đã thể hiện một chiêu thức thậm chí đến phim của Marvel còn chẳng có. Đó là dùng nội công giữ cho con chim bồ câu không thể bay khỏi tầm tay. Thật ngạc nhiên khi rất nhiều khán giả lại tin vào màn biểu diễn này.
Võ sư Ngụy Lôi biểu diễn nội công
Thất bại của Ngụy Lôi làm dấy lên những cuộc tranh luận ở Trung Quốc về Thái Cực quyền, một trong những niềm tự hào lớn lao. Kungfu với người Trung Quốc chẳng khác nào bóng đá với người Brazil. Họ đọc sách, xem phim và nghe những câu chuyện về võ thuật hàng ngày.
Các lý thuyết về chiến đấu đã được phát triển kể từ cách đây ít nhất 2600 năm. Qua nhiều thế kỷ, người ta đã có cả một hệ thống rất phong phú và độc đáo. Nhưng không giống như Nhật Bản, nơi các samurai đóng vai trò quan trọng, võ thuật Trung Quốc nhiều khi không yêu cầu người luyện phải thực chiến.
Ở giai đoạn nhà Minh và nhà Thanh, Thái Cực quyền đã được hưởng lợi nhiều, trở nên đặc biệt phổ biến. Không chỉ là những động tác chiến đấu, Thái Cực được nâng lên như một dạng triết học. Sức mạnh của môn võ này từng được chứng thực ở thế kỷ 19.
Khi ấy, võ sư Dương Lộ Thiền được coi như "đệ nhất cao thủ" tại Bắc Kinh khi đánh thắng mọi đối thủ bằng Thái Cực quyền. Khoảng những năm 1850, ông trở thành sư phụ của các hoàng tử nhà Thanh.
Dương Lộ Thiền đã đơn giản hóa Thái Cực quyền. Thậm chí ông còn giảm bớt những chiêu thức hiểm nhằm tránh để các hoàng tử làm tổn thương lẫn nhau. Hình thức Thái Cực quyền này sau đó được phổ biến khắp nơi.
Suốt những năm Trung Quốc chịu sự uy hiếp từ nước ngoài, võ thuật trở thành một cách thức nhằm gìn giữ niềm hi vọng cho mọi người. Các chiến thắng của võ sư Trung Quốc trước đối thủ phương Tây hay Nhật Bản giúp người dân được hả hê. Dần dần, võ thuật được liệt vào hàng "nghệ thuật quốc gia".
Bước ngoặt lớn đưa các trận đấu võ đến với truyền thông tới vào năm 1954. Hai võ sư Ng Gong-yee và Chun Huck-fu đối đầu nhau trong một sự kiện rất đình đám. Trận đấu diễn ra không mấy ấn tượng về mặt kỹ thuật, nhưng lại làm đám đông cảm thấy rất hào hứng.
Trận đấu giữa Ng Gong-yee và Chun Huck-fu
Nhà văn Kim Dung
Báo chí bắt đầu đăng tải các tiểu thuyết võ hiệp dài kỳ. Những bộ phim về võ thuật trở thành "ông vua" ở rạp chiếu bóng. Nhà văn Kim Dung, hãng phim Thiệu thị huynh đệ có thể coi là biểu tượng trong thời kỳ này.
Thật trớ trêu là trong khi sách báo phim ảnh kungfu kiếm về hàng tỉ đô-la thì kungfu thực thụ - nơi các võ sĩ thi đấu với nhau – lại sa sút nghiêm trọng.
Các môn phái võ thuật dần ngả theo hướng thương mại hóa, không hề được quản lý tốt như nhu thuật, karate hay boxing. Có rất ít cuộc thi quốc tế được tổ chức. Chính vì thế, chi tiết các cuộc thi thường bị phóng đại. Ngày nay, võ cổ truyền Trung Quốc vẫn chưa phải môn thể thao Olympic.
Những gì mà Ngụy Lôi thể hiện trước Từ Hiểu Đông không phải Thái Cực quyền. Nó chỉ là hậu quả của nền võ thuật bị méo mó. Trước khi trở thành "Đại sư Thái cực quyền", Ngụy Lôi vốn là bác sĩ. Vậy thực ra thì anh ta hiểu võ thuật đến đấu?
Nhắc lại màn biểu diễn năm xưa trên truyền hình. Ngụy Lôi đã thừa nhận rằng chân của chú chim bồ câu được gắn một cách kín đáo vào tay anh ta. Chính vì thế, chú chim mới không thể bay đi nổi. Chẳng có thứ công lực nào ở đây cả".