SVĐ Hàng Đẫy cần được đối xử "tử tế"

Hiếu Lương |

Trước ngày Mỹ Đình trở thành SVĐ QG, Hàng Đẫy vẫn được coi là chảo lửa của bóng đá Việt Nam giữa lòng Thủ đô. Nhưng hơn một thập kỉ, với nhiều thăng trầm của bóng đá Việt, SVĐ Hàng Đẫy cần được thay đổi.

Phút 29 trận chung kết lượt về Cúp QG 2016, sau một pha bứt tốc cực nhanh, Xuân Tú nằm sân trong đau đớn với cái đầu gối dính một vết lõm sâu. Chính Xuân Tú chia sẻ: “Mình ngã đập đầu gối vào gờ bêtông nhỏ ngăn cách giữa đường piste và mặt sân nên mới chấn thương như vậy”.

Ai đến sân Hàng Đẫy, để ý kỹ một chút là có thể hình dung ra đoạn bê tông bao trọn mặt sân cỏ chính ấy. Nhưng không thể trách cái sân, sau trận đấu, với đôi chân tập tễnh, Xuân Tú vẫn hồ hởi:

“Lâu rồi mình mới thấy SVĐ Hàng Đẫy náo nhiệt như thế này, mong rằng trong năm sau sân vẫn giữ nguyên được sự cuồng nhiệt ấy. Còn chấn thương do không may. Mình cũng chỉ tiếc cho chính mình thôi”.

SVĐ Hàng Đẫy hôm nay đón những vị khán giả đầy trẻ trung của Hà Nội T&T và Than Quảng Ninh. Một góc vàng, một góc xanh da trời, nhưng có điểm chung là họ cổ vũ hò hét suốt trận đấu tại khán đài B.

Đúng là lâu rồi SVĐ Hàng Đẫy mới náo nhiệt và tưng bừng đến thế. Trùng hợp hơn, chức vô địch V-League, chức vô địch Cúp QG, cờ hoa dành cho đội vô địch năm nay đều đổ dồn về SVĐ Hàng Đẫy.

Nhưng, thực tế của SVĐ Hàng Đẫy bây giờ là những vết nứt lớn ở 2 khán đài chính mà chính xác hơn là sự xuống cấp. Hình ảnh một CĐV Than Quảng Ninh đạp gãy van nước ở khán đài B khiến nước chảy tung tóe cũng là một hình ảnh bi hài.

Các cầu thủ và khán giả không ai trách SVĐ, chỉ trách là chưa có những biện pháp mạnh mẽ và kịp thời để cải tạo một SVĐ lớn ở Thủ đô. Một SVĐ đón 2 chiếc Cúp quốc nội danh giá, vinh danh 2 đội bóng vô địch trong cùng một năm có thể coi là cái duyên. Quan trọng hơn, nó cần được đối xử tử tế hơn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại