TCM, sốt xuất huyết vào mùa
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mặc dù mới vào đầu mùa nhưng đã có 60 tỉnh thành trên cả nước có bệnh nhân tay, chân, miệng (TCM).
TCM đang gia tăng đột biến tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tuyen Quang, Yên Bái, Quãng Ngãi, Sóc Trăng,… số ca bệnh mắc mới tăng từ 22-700% so với trước.
Bên cạnh đó, thời gian này, bệnh sốt xuất huyết cũng đang vào mùa với nhiều ca bệnh mới.
PGS. TS Bùi Vũ Huy – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội)
Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Bùi Vũ Huy – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết: “Tháng 3 và tháng 4 là hai tháng cao điểm nhất trong năm về bệnh TCM, bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ và cả sốt xuất huyết ở người lớn. Các bậc phụ huynh cần lưu ý kiểm soát hoạt động, vệ sinh của con cái để cách ly trẻ với mầm bệnh…”
Bác sĩ Huy cũng cho hay, tháng 3 với biểu hiện thời tiết mùa xuân, độ ẩm trong không khí cao, mưa – nắng, nóng – lạnh thất thường, là điều kiện tốt cho rất nhiều loại vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua các con đường như hô hấp, tiếp xúc, tiêu hóa,…
Ngoài ra, môi trường sống tại các thành phố quá chật hẹp, điều kiện vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân chưa tốt và khoa học cũng là nguyên nhân khiến bệnh TCM, bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh chóng.
Trẻ nhà trẻ, mẫu giáo cần cảnh giác cao độ với TCM
Bác sĩ Huy cho biết, TCM thường gặp ở trẻ dưới 9 tuổi đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ từ 1 – 5 tuổi, nhóm trẻ đang đi nhà trẻ, mầm non. Bệnh hay gặp ở những trẻ có cơ địa yếu, có những bệnh có sẵn trong cơ thể.
“ Đây là một bệnh dễ lây lan. Đường lây truyền thường từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Giai đoạn lây lan mạnh nhất là tuần đầu tiên bị bệnh. Bệnh TCM không phải là bệnh lây từ động vật sang người.
Khi bị nhiễm bệnh, trẻ có biểu hiện mệt mỏi, ít chơi, kém ăn, sốt, phát ban ở miệng, tay, chân Triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng. Một đến hai ngày sau khi xuất hiện sốt trẻ bắt đầu đau miệng. Khám họng trẻ có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bọng nước và thường tiến triển đến loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má. Ban da xuất hiện trong vòng 1 đến 2 ngày với các tổn thương phẳng trên da hoặc có thể gồ lên, máu đỏ và một số hình thành bọng nước. Ban này không ngứa và thường cư trú ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân…” bác sĩ Huy nói.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu của TCM cần ngay lập tức cách ly trẻ, đề phòng bệnh lây lan sang những cháu khác
Theo khuyến cáo của bá sĩ Huy, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu của TCM cần ngay lập tức cách ly trẻ, đề phòng bệnh lây lan sang những cháu khác. Các bậc phụ huynh cần đưa con em mình đến khám tại các cơ sở chuyên khoa về nhi, các bệnh truyền nhiễm để trẻ được thăm khám bệnh, chẩn đoán, tư vấn, điều trị sớm và hiệu quả nhất. Tuyệt đối tránh tự ý chữa trị tại nhà, chữa trị bằng các bài thuốc dân gian…
Các gia đình, trường lớp phát hiện có trẻ mắc TCM cần báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng để tiến hành cách ly, tẩy trùng môi trường.
Chủ động phòng bệnh là chính
Hiện nay chưa có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu cho TCM và sốt xuất huyết. Tuy nhiên biện pháp vệ sinh chặt chẽ có thể hạ thấp nguy cơ nhiễm bệnh. Các biện pháp có tác dụng là thường xuyên rửa tay đặc biệt là sau mỗi lần thay tã, ngủ màn, thường xuyên vệ sinh, khử trùng nơi ở, dọn vệ sinh cống rãnh xung quanh nhà,…
Những nơi bị nhiễm bệnh có thể được làm sạch trước tiên bằng nước xà phòng sau đó khử trùng bằng dung dịch chứa chlor. Tránh các tiếp xúc thân mật với người bệnh như hôn, vuốt ve, dùng chung dụng cụ…
Bệnh thời tiết ở trẻ nhỏ gia tăng
Bác sĩ Huy cũng cho biết, ngoài TCM, sốt xuất huyết, thời điểm này dưới những biến đổi thất thường của thời tiết, trẻ cũng dễ mắc những bệnh như: dị ứng mắt, viêm giác mạc, viêm giác mạc cấp tính. Ngoài ra, trẻ cũng rất dễ mắc phải những bệnh lý liên quan đến hô hấp như, chảy máu cam, viêm mũi cấp và mãn tính, ho, sốt, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản, viêm tai giữa…
Các bệnh lý về đường tiêu hóa như, rối loạn tiêu hóa (tiêu chẩy, táo bón, phân sống…), lồng ruột. Các bệnh liên quan đến dị ứng kiểu viêm da dị ứng, mề đay… trẻ cũng rất dễ mắc phải khi thay đổi thời tiết đột ngột.