Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức Lễ khánh thành cơ sở hoạt động mới của Trung tâm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Cơ sở Hòa Lạc) vào tháng 10 này, cùng với đó, Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) sẽ diễn ra trong 5 ngày từ 28/10- 1/11/2023.
Trước thềm sự kiện, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC để hiểu rõ hơn về quy mô, vai trò, sứ mệnh và các hoạt động chính của NIC trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
PV: Đầu tiên, xin ông giới thiệu tổng quan về Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu CNC Hòa Lạc? Dự án được xây dựng với mục tiêu và công năng sử dụng là gì thưa ông?
Ông Vũ Quốc Huy: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng từ đầu năm 2020, là cơ sở thứ hai của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Sau gần 3 năm xây dựng với sự hỗ trợ của nhiều đối tác thì đến tháng 10/2023, cơ sở hoạt động mới sẽ khánh thành với diện tích 4,96 hecta. Trong đó, tổng diện tích sàn làm việc là gần 20.000 m2.
Trung tâm có 2 tòa nhà làm việc với 6 tầng mỗi toà, trong đó có Trung tâm Hội nghị quốc tế phục vụ cho việc tổ chức các hội nghị, các triển lãm quốc tế tại đây.
Chúng tôi xây dựng với mục tiêu phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại cơ sở của Trung tâm với đầy đủ các thành tố gồm: viện nghiên cứu - trường đại học, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn, các quỹ đầu tư, các các cơ quan, tổ chức ươm tạo, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và khởi nghiệp (startup).
Đặc biệt, chúng tôi có không gian để các doanh nghiệp, các đối tác đến làm việc, đặt cơ sở nghiên cứu và phát triển cũng như các đối tác, doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đặt văn phòng đại diện của họ tại đây. Chúng tôi cũng dự kiến xây dựng các phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm để sử dụng cho các lĩnh vực trọng tâm của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, đặc biệt sẽ có trung tâm ươm tạo thiết kế chip với những công nghệ tiên tiến của Synopsys.
Đối với tòa nhà sự kiện, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức các hội thảo, các sự kiện trình diễn, trưng bày công nghệ, sản phẩm thường xuyên tại đây với khoảng 1.500 chỗ ngồi.
Hy vọng sau khi đi vào vận hành, NIC Cơ sở Hoà Lạc sẽ trở thành điểm thu hút một số lượng lớn các đối tác về đổi mới sáng tạo tập trung làm việc tại đây và tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh về đổi mới sáng tạo của quốc gia.
PV-Vì sao Hòa Lạc được lựa chọn làm nơi đặt trụ sở của NIC?, cơ sở hạ tầng và nguồn lực công nghệ của trung tâm có gì nổi bật để đáp ứng tính chất, yêu cầu của một khu công nghệ cao?
Ông Vũ Quốc Huy: Lý do thứ nhất vì đây là một trong 3 khu công nghệ cao của Việt Nam, nơi tập trung các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ, khoa học công nghệ của cả nước.
Thứ hai, đây là khu vực tập trung khá nhiều viện nghiên cứu, trường đại học lớn như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học FPT và một số doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam như Viettel và FPT. Đây chính là những thành tố rất quan trọng để tạo nên sự kết nối và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng là nơi rất phù hợp để phát triển về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, có sự kết hợp giữa khu vực nghiên cứu, phát triển và không gian cho các chuyên gia làm việc.
Một lý do nữa là doanh nghiệp, các đối tác làm việc tại đây, tham gia hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của NIC sẽ được hưởng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, thị thực…
Còn về những điểm nổi bật của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tạo nên sự khác biệt bao gồm các yếu tố như:
Thứ nhất, Trung tâm là cơ sở duy nhất của quốc gia thực hiện những định hướng, chính sách của Chính phủ trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia có một hệ thống chính sách riêng, đặc thù áp dụng cho trung tâm. Trong đó nổi bật là Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi với NIC do Chính phủ ban hành năm 2020.
Một điểm nữa là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia có một mạng lưới đối tác lớn trong và ngoài nước, trong hệ sinh thái và các tổ chức, cá nhân, đối tác tham gia sẽ nhận được nhiều lợi ích và kết nối với các đối tác khác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Ví dụ như các doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của trung tâm sẽ có cơ hội kết nối với các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp khác để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực đầu tư kinh doanh và đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ rất lớn từ các chương trình của Trung tâm hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước như dự án ADB Ventures, Vietnam Venture Summit, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam, Google for Startups…
Ngoài ra, các cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia có các khu vực làm việc chung cũng như là các cơ sở, phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu. Đây là những cơ sở mà các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân đổi mới sáng tạo hoạt động ở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được sử dụng. Từ đó, thúc đẩy hiệu quả hoạt động của tổ chức, cá nhân và góp phần phát triển hoạt động chung của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Video: Giới thiệu về Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
PV-Như ông giới thiệu, vị trí xây dựng dự án nằm tại Khu CNC Hòa Lạc, để rút bài học từ những hạn chế của các tổ chức trước đó, vậy NIC đã có phương án gì để thu hút nguồn nhân lực về đây nghiên cứu và làm việc, đặc biệt là vấn đề kết nối với nội đô?
Ông Vũ Quốc Huy: Để thu hút các chuyên gia, tổ chức đến khu công nghệ cao Hòa Lạc thì xuất phát từ những điểm nổi bật tôi đã trình bày ở trên.
Ngoài ra, về đường xá và phương tiện di chuyển từ nội đô tới khu Công nghệ cao Hoà Lạc hiện nay đã khá thuận lợi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang phát triển khu dịch vụ tiện ích, khu lưu trú cho chuyên gia tại khu vực xung quanh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại khu công nghệ cao Hoà Lạc nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các chuyên gia trong quá trình làm việc.
PV- Khảo sát gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy các doanh nghiệp startup Việt Nam đa số ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số vì nó đòi hỏi ít về nghiên cứu sâu, nghiên cứu cơ bản. Còn với chế tạo, đòi hỏi nghiên cứu sâu, chi phí nghiên cứu lớn, làm thử tốn kém nên chưa có nhiều. Đây có phải là thực trạng đáng lưu tâm không thưa ông?
Ông Vũ Quốc Huy: Trước hết, phải nói là cuộc cách mạng 4.0 đặt ra rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc ứng dụng triển khai các lĩnh vực công nghệ.
Trong đó công nghệ thông tin, kỹ thuật số cũng là một trong những lĩnh vực thông tin rất quan trọng. Tôi cho rằng là càng có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam có thể ứng dụng các thành tựu của công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình thì càng tốt cho doanh nghiệp, tốt cho hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cho nên chúng tôi thấy không có mâu thuẫn giữa việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số ngày càng nhiều với việc thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia các lĩnh vực trọng tâm khác.
Đối với các lĩnh vực trọng tâm khác của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia bao gồm 8 lĩnh vực: Nhà máy thông minh, Thành phố thông minh, Công nghệ hydrogen, Công nghiệp bán dẫn, Công nghệ môi trường, Công nghệ y tế, Truyền thông số, An ninh mạng.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ có những giải pháp tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, các đối tác, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển trong 8 lĩnh vực trọng tâm này và đây cũng là những lĩnh vực sẽ tạo ra bước đột phá, động lực mới cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn 2021-2030.
Trên thực tế, hiện nay Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cũng đang triển khai rất nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để triển khai các chương trình hỗ trợ theo những lĩnh vực trọng tâm của NIC.
PV-Ông có thể cho biết thêm vì sao NIC lựa chọn 8 lĩnh vực then chốt để hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển?
Ông Vũ Quốc Huy: Như tôi đã chia sẻ thì đây là 8 lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển của thế giới cũng phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
8 lĩnh vực này thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị trong việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và góp phần vào việc tạo ra đột phá chiến lược, tạo ra động lực mới cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021- 2030.
8 lĩnh vực trọng tâm của NIC cũng là những lĩnh vực mà Chính phủ rất ưu tiên và có cơ chế ưu đãi để phát triển. Phần lớn 8 lĩnh vực trên đều nằm trong các danh mục về công nghệ, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
PV-Theo ông, quá trình đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện nay còn đối diện với thách thức nào? NIC đã làm gì để giúp các doanh nghiệp vượt qua những thách thức nêu trên?
Ông Vũ Quốc Huy: Trong thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cũng rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là xây dựng các cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số và thực hiện các giải pháp đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong thời gian tới chúng ta cũng cần phải vượt qua và giải quyết những thách thức, khó khăn để có bước phát triển đột phá hơn nữa, thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ sáng tạo hơn nữa.
Một số khó khăn, thách thức cần giải quyết trong thời gian tới mà chúng tôi nhận thấy là:
Thứ nhất về thể chế, chính sách: Hiện nay về cơ chế chính sách cho đổi mới sáng tạo đã được thể hiện ở một số văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định 94 về cơ chế chính sách hỗ trợ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tháo gỡ một số khó khăn, các nút thắt liên quan đến cơ chế chính sách để huy động vốn đầu tư mạo hiểm, nguồn vốn đầu tư của cộng đồng cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là phải cần tháo gỡ các cơ chế, nút thắt về môi trường đầu tư kinh doanh, về pháp lý cho hoạt động đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam để có thể khuyến khích được các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư cho doanh nghiệp, các dự án startup, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giúp các doanh nghiệp, các startup để có thể tiếp cận được kịp thời với nguồn vốn đa dạng trong nước và ngoài nước phục vụ các ý tưởng đầu tư, kinh doanh.
Điểm thứ hai là cần phải phát triển hơn nữa các tổ chức, các trung tâm để hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Bên cạnh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thì các doanh nghiệp, các địa phương cũng cần quan tâm và chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng và phát triển trọng tâm là đổi mới sáng tạo nhằm tạo một làn sóng, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong khối doanh nghiệp.
Một điều nữa mà chúng ta cần phải khắc phục là tập trung hơn nữa vào việc phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo nói chung cũng như là nguồn nhân lực cho một số ngành, lĩnh vực trọng tâm nói riêng.
Trong thời gian qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã thực hiện rất nhiều chương trình phát triển nhân lực, phối hợp với các đối tác lớn, lĩnh vực như Google, Meta… để triển khai các hoạt động thúc đẩy nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cho người lao động, sinh viên về đổi mới sáng tạo và trong thời gian tới cũng cần phải thúc đẩy hơn nữa các hoạt động và phát triển nguồn lực, nhân lực trong những lĩnh vực trọng tâm mà Việt Nam chưa đào tạo chuyên sâu như công nghiệp bán dẫn.
PV-Những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC trong Nghị định 94/2020/NĐ-CP giúp ích gì cho NIC nói riêng và cho doanh nghiệp nói chung?
Ông Vũ Quốc Huy: Có thể nói Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là một trung tâm đổi mới sáng tạo duy nhất được điều chỉnh bởi một Nghị định của Chính phủ. Trong đó, có các cơ chế ưu đãi về đầu tư và các cơ chế ưu đãi cho hoạt động vận hành của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trong việc tiếp cận nhận các nguồn vốn xã hội hóa.
Đồng thời, Nghị định 94 cũng nêu ra những khung ưu đãi cho các trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ chức/cá nhân hoạt động tại Trung tâm cũng như các đối tác hỗ trợ đổi mới sáng tạo của NIC. Đây là những cơ sở pháp lý cơ bản tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động ở NIC nói riêng cũng như là các tổ chức, cá nhân trong thời gian tới để thực hiện nhiệm vụ đổi mới sáng tạo.
PV-Tại lễ khởi công dự án vào hồi tháng 1/2021, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết với cam kết của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đồng hành cùng các Quỹ đầu tư, dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hỗ trợ, đưa vào thị trường hàng tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp. Vậy chúng ta đã có cam kết hợp tác với những tổ chức quốc tế lớn nào và lộ trình ra sao để hiện thực hóa mục tiêu này?
Ông Vũ Quốc Huy: Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng là trọng tâm của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Khi thiết kế các chương trình, dự án hỗ trợ thì việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính rất quan trọng.
Bởi đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng nhưng thiếu nguồn lực tài chính để triển khai.
Với mục tiêu trên, NIC tổ chức các hoạt động thường niên kết nối các quỹ đầu tư với doanh nghiệp, điển hình như Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit)…. Tại diễn đàn, các quỹ đầu tư đã có những cam kết rất mạnh mẽ để thúc đẩy nguồn vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, các thông tin về quỹ đầu tư, nguồn vốn cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chúng tôi cũng công bố hàng năm.
PV-Ngoài việc hút nguồn vốn, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng. Vậy sứ mệnh của Trung tâm sẽ mang lại điều gì để phát huy sức sáng tạo của con người Việt Nam?
Ông Vũ Quốc Huy: Liên quan đến phát triển nguồn lực cho khởi nguồn sáng tạo thì trung tâm đã triển khai rất nhiều chương trình, dự án.
Ví dụ trong chương trình hợp tác với Google, chúng tôi có chương trình Google for Startup và chương trình phối hợp với Google trong việc phát triển kỹ năng cho sinh viên bằng các khóa đào tạo ngắn hạn trên nền tảng Coursera của Google, thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn sinh viên, trí thức Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có những dự án phát triển nguồn nhân lực, trao đổi về sáng tạo, đào tạo cho sinh viên, đặc biệt là tập trung vào các vùng cần ưu tiên trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực như khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
PV- Được biết, ông từng có quá trình học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc, đây là một quốc gia có sự đầu tư mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo và họ đã tạo được nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn. Vậy xin ông cho biết chúng ta có thể đúc rút được kinh nghiệm gì trong việc quản trị và xây dựng chính sách hỗ trợ để áp dụng vào Việt Nam?
Ông Vũ Quốc Huy: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia có một hệ thống đối tác lớn từ nước ngoài như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu nên quá trình hoạt động, chúng tôi vừa tích lũy những kinh nghiệm, vừa khai thác được các thế mạnh về công nghệ và quản trị của họ.
Trong đó, Hàn Quốc đã có những chương trình hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo phù hợp với Việt Nam, bước đầu đã gặt hái được những thành công nhất định.
Tôi tin rằng với sự hợp tác và hỗ trợ từ các đối tác, các doanh nghiệp lớn trên thế giới thì NIC sẽ sớm đạt được mục tiêu phát triển hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo và xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.