Sự khác biệt giữa Đinh Thế Nam và Hoàng Anh Tuấn

Nguyễn Huy |

Tuần qua, dư luận đứng trước nhữngcảm xúc trái chiều về thu hoạch của hai đội bóng đá trẻ: U-16 Việt Namvà U-19 Việt Nam. Sự trái chiều đấy càng thể hiện rõ nét hơn nơi hai nhà cầm quân.

Nếu HLV Đinh Thế Nam vẫn cứ khiêm tốn và nhẹ nhàng với lứa U-16 đang thi đấu tại Ấn Độ thì HLV Hoàng Anh Tuấn lại đang chỉ trích nặng nề thất bại của các học trò mình ở sân chơi U-19 Đông Nam Á tại Hà Nội.

Hai tiền vệ một thời ở hai thế hệ

Đinh Thế Nam khi là cầu thủ đã có nhiều thăng trầm. Anh xuất thân từ một cầu thủ Hải Phòng rồi khoác áo Quân khu Thủ đô thi đấu nổi bật và được chuyển qua đá ở Thể Công. Ở Thể Công, anh lính Đinh Thế Nam lúc đầu còn lạ lẫm với môi trường mới nhưng sự cần cù của một tiền vệ con thoi đã giúp anh trụ được trong màu áo lính.

Những năm cuối 1980 - đầu 1990 là thời hoàng kim của Đinh Thế Nam. Hồi đấy Thể Công nhiều người vẫn nhắc đến cái tên Nguyễn Hồng Sơn nhưng người trong cuộc thì hiểu rằng Đinh Thế Nam mới là người tạo nên sự lãng mạn, khéo léo và là cái hồn của Thể Công. 

Năm 1990, khi Hồng Sơn khoác chiếc áo số 10 của Cao Cường, đoạt giải vua phá lưới cùng chức vô địch quốc gia thì Đinh Thế Nam là người thực hiện đường chuyền quyết định đến hơn nửa số bàn thắng của Sơn ở mùa đấy.

Báo giới ít nhắc đến Đinh Thế Nam vào thời điểm đấy một phần vì anh không phải cầu thủ gốc Thể Công nên các thầy cũng hơi có sự phân biệt. Bên cạnh đó, Đinh Thế Nam thuộc mẫu cầu thủ làm nhiều hơn nói và có cuộc sống khá khép kín đúng với tính cách của anh bây giờ.

Chậm hơn Đinh Thế Nam một lứa, Hoàng Anh Tuấn là cầu thủ nổi trội của Khánh Hòa cùng với Hữu Đang. Tuấn rất khéo với cái chân trái, còn Đang thì “quái” hơn khi có thể chơi được hai chân. Đang chỉ chăm chăm vào trái bóng và bỏ bê chuyện học văn hóa, còn Tuấn thì thuộc mẫu “con nhà giáo” nhưng giỏi đá bóng.

Con đường phát triển của Hoàng Anh Tuấn phần lớn là ở đội Khánh Hòa. Lần Tuấn lên đội tuyển là thời HLV Tavares, đá trong đội hình Việt Nam 2 cùng với Nguyễn Văn Cao làm thành cặp tiền vệ năng động ở giữa sân. Sau giải đấy Tuấn chấn thương và xa dần với bóng đá nhưng lại chịu đầu tư vào các khoản học hành, đầu tư để theo nghiệp HLV.

Làm thầy...

Đinh Thế Nam làm thầy theo kiểu sống lâu lên lão làng. Anh ít qua trường lớp nhưng nền tảng cơ bản và kinh nghiệm thời tiền vệ số một Việt Nam những năm 1990 khiến Nam vào nghề được nể trọng. 

Tuy nhiên, cũng như hồi là cầu thủ, Nam không khéo quan hệ, cũng không bè cánh nên cứ trôi nổi từ đội này sang đội khác. Có lần “đậu” ở Hải Phòng rồi Nam lại thất nghiệp vì không êkíp và không làm theo ý lãnh đạo. 

Về huấn luyện ở lò Thể Công, Nam lại thấy hợp hơn dù dưới tay các đàn em của mình như Hải “trắng” hay Đỗ Mạnh Dũng nhưng Nam vẫn vui vì được làm đúng nghề là gõ đầu trẻ.

Hoàng Anh Tuấn thì đường “quan lộ” rất rõ đặc biệt khi “đàn anh” Trần Quốc Tuấn làm quan ở Tổng cục Thể dục Thể thao lẫn VFF. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận Hoàng Anh Tuấn vừa có năng lực lại vừa khéo và chịu học hỏi. Sau khi trôi nổi từ Khánh Hòa ra Hải Phòng, rồi ôm các đội tuyển và trở thành HLV của VFF thì Hoàng Anh Tuấn càng thể hiện “chất” HLV trên tuyển.

Nắm U-19, Hoàng Anh Tuấn được tạo điều kiện rất nhiều từ việc đi tập huấn và liên tục đá các giải quốc tế cùng lứa cầu thủ có thể hình đẹp và chín ở các CLB.

Trong khi đó, với đội U-16 ít được đầu tư hơn thì HLV Đinh Thế Nam xác định có gì làm nấy và thầy trò cứ bảo ban nhau, động viên nhau nhiều hơn là đòi hỏi như U-19.

Hai ông thầy, hai tính cách và đó cũng là lý do hai đội U-19 và U-16 chịu những ảnh hưởng khác nhau.

Tại thầy và tại trò

U-16 Việt Nam thua đau ở giải quốc tế và mất cúp trước U-16 Úc, ông thầy Đinh Thế Nam nhận lỗi đầu tiên. Ông nói mình không kiểm soát được sự hưng phấn của các em khiến thắng trước Úc ở chung kết rồi vẫn để bị gỡ và thua đau ở chấm luân lưu.

U-19 Việt Nam vô địch giải quốc tế, HLV Hoàng Anh Tuấn khen các học trò đá đúng chiến thuật và ý đồ, đồng thời khẳng định đây là lứa cầu thủ tốt nhất và sẽ còn tiến xa. 

Sau đó về với sân chơi “thật” ở vòng chung kết U-19 Đông Nam Á trên sân nhà và hòa chật vật Singapore, thắng nhọc Đông Timor ở vòng loại rồi thua Úc ở bán kết, ông thầy của U-19 đổ hết lỗi cho học trò và cho rằng các CLB huấn luyện không ra gì khiến lên tuyển phải sửa lại.

Giữa cái thua tại thầy và cái thua vì trò đã nói lên được bản lĩnh những nhà cầm quân.

Thế nên cũng không khó hiểu vì sao các cầu thủ trẻ U-16 khi thua đã biết qua gõ cửa phòng xin lỗi thầy, còn các cầu thủ U-19 khi thua thì chỉ chịu trận ngồi nghe thầy mắng chửi và đổ hết lên đầu các em cùng các CLB.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại