Sự cố ở V.League: Chẳng lẽ “không có đất cho sự tử tế”?

Nguyên Anh |

Tổ chức V.League để làm gì khi cái đẹp, cái tốt thì ít mà sự cố, cái xấu với những tai tiếng gắn liền với giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam thì nhiều? Đã đến lúc VPF và VFF cần phải hỏi để có câu trả lời…

Từ đau đáu của một người trong cuộc

"Nếu BTC quyết định đá lại trận đấu vì cái sai của trọng tài, không hẳn là vì yêu cầu của Sanna Khánh Hòa BVN, chúng tôi sẽ vui vẻ chấp hành.

Làm cái gì cho mọi thứ tốt hơn, cho sân chơi mà chính chúng tôi đang tham dự thì cần và nên làm lúc này, tôi nghĩ cứ đơn giản và tích cực thế. Là một thành viên của V.League, tham gia cuộc chơi thì mình phải học cách tôn trọng, vì cái chung.

Bởi suy cho cùng, chẳng vui vẻ hay tự hào gì khi quá nhiều tranh cãi, những câu chuyện không mấy hay ho cứ liên tục xuất hiện liên quan đến giải đấu…" - là người trong cuộc, sau trận đấu trên sân 19.8, HLV Hoàng Văn Phúc của QNK Quảng Nam chia sẻ.

"Chuyện đúng-sai hay luật mới, tôi cam đoan không hề phát biểu như thông tin xuất hiện mà chỉ muốn chia sẻ với bức xúc của phía Khánh Hòa. Họ được hưởng một quả 11m và Uche thực hiện không thành công nên tâm lý ức chế và phản ứng mạnh khi bị từ chối bàn thắng.

Ở đây, bỏ qua sự đúng-sai của trọng tài hay QNK Quảng Nam chiến thắng, vô tình được hưởng lợi, tôi chỉ muốn nói về sự chia sẻ với Sanna Khánh Hòa BVN trước một quyết định.

Là người làm nghề, trực tiếp tham gia cuộc chơi nên tôi hiểu, khi chơi mà cái đầu không thông, bị những vết hằn với ám ảnh thì rất dễ xảy ra chuyện" - ông Phúc lý giải về việc vòng đấu nào cũng ầm ỹ chuyện trọng tài, phản ứng và những sự cố lớn nhỏ trên sân cỏ V.League.

Sự cố ở V.League: Chẳng lẽ “không có đất cho sự tử tế”? - Ảnh 1.

V-League đang ngày càng... loạn.

Ông bảo rằng đó là điều đáng buồn với giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam bây giờ. Nó tác động đến những người làm nghề, các cầu thủ, khán giả và khiến giải đấu bị rẻ rúng, nhìn nhận rất ác cảm với những ấn tượng xấu xí.

Không thay đổi là V.League chết

Ở Nha Trang, Sanna Khánh Hòa phản ứng dữ dội, quây trọng tài và bàn thắng hợp lệ bị từ chối do trọng tài Phùng Đình Dũng nhầm luật trở thành tiêu điểm của vòng 18 V.League, bên cạnh những hình ảnh phản cảm khi 2 ngoại binh của Hải Phòng thi nhau lạy trọng tài Võ Minh Trí.

Trước đó, ở vòng 17 là pha vào bóng kinh hoàng của Bửu Ngọc với Duy Long trận XSKT Cần Thơ - Sài Gòn FC mà trọng tài Nguyễn Trọng Thư chỉ phạt thẻ vàng, còn ở Tam Kỳ là sự cố hy hữu trọng tài Nguyễn Trung Kiên quên thẻ.

Trong khi đó, ở Lạch Tray là những chiếc thẻ đỏ do đá bậy, đá láo, rồi cả khán đài đồng thanh chửi trọng tài trước khi quây ở cửa sân mạt sát, khiến các ông "vua sân cỏ" phải ra về trong vòng vây bảo vệ của cảnh sát, còn trọng tài Phùng Đình Dũng dính nguyên một chai nước giữa mặt.

Hết vòng này đến vòng khác, hết nghi ngờ tiêu cực với những trận đấu có tỉ số cao bất ngờ giữa mùa EURO, hết trọng tài sai, tranh cãi và phản ứng đến phạm lỗi thô bạo và những hình ảnh cùng sự cố xấu xí… Tính ra thì từ lượt về, không vòng đấu nào không có chuyện ầm ỹ.

Khán đài B sân Cẩm Phả trở lại với bầu không khí lễ hội, màn ăn mừng "Viking kiểu Ireland" của Than Quảng Ninh là điểm sáng hiếm hoi gần như duy nhất nhưng lạc lõng khi đặt cạnh những khán đài trống hoác, lơ thơ CĐV, hay màn đồng ca chửi ở sân Thanh Hóa, sân Lạch Tray.

Cái đẹp, cái tốt không được nhắc đến nhiều, mà thay vào đó là gam màu xám xịt của những sự cố của một giải đấu mà ở đó, chính những người có trách nhiệm điều hành, tổ chức lại đang mất kiểm soát và bị xem là nguyên nhân.

Cuộc đua vô địch với gần nửa số đội tham dự giải có cơ hội hứa hẹn đoạn kết hấp dẫn, kịch tính mà lâu lắm V.League mới có, hay cuộc đua trụ hạng với không ít diễn biến bất ngờ còn ở phía trước, rồi những bàn thắng đẹp, những vấn đề về chuyên môn hay thuộc phạm trù bóng đá đơn thuần…, gần như chẳng mấy ai quan tâm.

Tất cả đều bị chìm nghỉm giữa những sự cố và tai tiếng. Đó là nghịch lý với một giải đấu bóng đá chuyên nghiệp ở tuổi 16 mà người ta đổ vào tiền tỉ.

Đó là điều mà đơn vị tổ chức như VPF hay cơ quan quản lý như VFF cũng như cấp cao hơn nữa cần phải xem xét nghiêm túc, về thực trạng hiện tại của giải đấu đỉnh cao nhất tại Việt Nam.

Bởi có lẽ đến lúc cần thiết phải đặt ra câu hỏi về sự tồn tại và cần thiết của việc tổ chức V.League, như câu hỏi mà GĐKT CLB Huế Đoàn Phùng hỏi thẳng, bên cạnh những cảnh báo về sự loạn lạc với nguy cơ vỡ giải mà hết SLNA, Hải Phòng, Sanna Khánh Hòa BVN ý kiến.

"Thay đổi hay là chết?", bởi bóng đá không thể chỉ toàn cái xấu như V.League được…

Eximbank rút lui và 2 mùa giải liên tiếp, Toyota trở thành nhà tài trợ chính với tư cách của "cứu tinh" V.League.

Liệu mùa giải tới, doanh nghiệp này cùng một số đối tác đang đồng hành cùng các giải chuyên nghiệp Việt Nam có còn tiếp tục, khi hình ảnh bóng đá cứ gắn liền với sự xấu xí và ác cảm như thế?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại