Rất nhiều lý giải được đưa ra trong suốt những ngày qua, kể từ khi tuyển thủ canoeing Nguyễn Thị Hương dừng bước từ vòng tứ kết, kết thúc luôn hành trình tham dự Olympic Paris 2024 của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) với đoạn kết không như mong đợi.
Chọn sai trường phái huấn luyện (?!)
Quan điểm "TTVN đang xây nhà từ nóc", hay "thất bại vì đầu tư dàn trải, thiếu tập trung trọng điểm cho các môn thế mạnh" rõ ràng không sai nhưng chắc chắn chưa đủ. Một nền thể thao mới chỉ khẳng định mình ở đấu trường khu vực và "hụt hơi" khi bước ra biển lớn là hoàn toàn bình thường, chứ không phải bất thường như nhiều người cố công "vạch lá tìm sâu" để truy nguyên nguồn gốc dẫn đến thất bại.
Câu chuyện "đầu tư, từ đâu" không còn là điều mới mẻ. Tám năm trước tại Rio 2016, trong tâm trạng lâng lâng với việc lần đầu tiên xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV bắn súng ở đấu trường Olympic, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn lúc bấy giờ đã tuyên bố TTVN cần đầu tư đúng, đủ cho bắn súng, cử tạ và taekwondo, những môn thế mạnh mà chúng ta có khả năng cạnh tranh thành tích ở Olympic.
Quan điểm và lập trường rõ ràng như thế, vậy mà TTVN suốt 2 kỳ Thế vận hội đã qua lại hoàn toàn trắng tay, dù vẫn có trong danh mục đầu tư cả 3 môn thế mạnh ấy. Taekwondo thậm chí không có vé đến Paris 2024 trong khi cử tạ liên tục bị "tạ đè" với các trường hợp Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh. Chỉ bắn súng tiếp cận nhóm tranh chấp huy chương nhưng thành tích mà xạ thủ Trịnh Thu Vinh có được (một hạng 4, một hạng 7) còn quá xa với kỳ vọng của người hâm mộ, chưa nói của cả nền thể thao.
Rộ lên trong những ngày qua là ý kiến của một quan chức môn taekwondo, tuy chưa phản ánh đúng mức nguyên nhân bộ môn này sa sút dần kể từ HCB Olympic Sydney của Trần Hiếu Ngân, thế nhưng rất đáng để ngành thể thao chiêm nghiệm. Một trong những môn thế mạnh một thời của TTVN nhưng bị "đẩy" khỏi vị trí đầu tư trọng điểm, chọn sai trường phái huấn luyện viên, môi trường tập huấn không phù hợp... được chỉ ra, gây xôn xao cả làng võ từ Bắc chí Nam.
Một quan chức của ngành thể thao xót xa chia sẻ TTVN không chỉ hạn chế ở khâu tuyển chọn đầu vào mà ngay cả khi có điều kiện tập huấn nước ngoài, các đội tuyển thể thao không chỉ phải tập chay, thiếu "quân xanh" chất lượng mà nhiều khi còn lâm vào tình cảnh "thuê hồ bơi, đường chạy, nhà thi đấu" hạng sang, quanh quẩn tập với nhau hoặc tự an ủi bằng những chuyến đi xa nhà nhằm tạo sự hưng phấn tinh thần là chính.
Loay hoay tìm thầy giỏi
Từ nhiều năm trước, nguyên Giám đốc Sở TDTT TP HCM Phạm Văn Kiết từng nhấn mạnh TTVN muốn phát triển cần phải có đội ngũ HLV giỏi, cần thiết phải thuê thì mời chào những HLV đẳng cấp từ các nền thể thao tiên tiến, bởi "trình độ các HLV trong nước đã đụng trần". Phát biểu ấy đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, bởi chỉ có "danh sư" mới mong đào tạo nên "cao đồ".
Cục TDTT không phải không nắm rõ vấn đề, khi rất nhiều bộ môn phải loay hoay tìm thầy giỏi mà nguyên nhân là ở khâu kinh phí. Chuyên gia Park Chung-gun của môn bắn súng hưởng mức lương từ 6.000 - 8.000 USD/tháng trong khi ông Park Chae-soon, người từng giúp bắn cung Hàn Quốc giành 11 HCV Olympic, đã ký hợp đồng với đội bắn cung Việt Nam với mức lương 8.000 USD/tháng. Mức lương trần phổ biến này không phải đội nào cũng có thể đáp ứng và nguồn kinh phí khoảng 2 - 2,4 tỉ đồng/năm để trả lương cho thầy ngoại không phải môn nào cũng đáp ứng được, hoặc kiếm nguồn tài trợ để chi trả như bên bóng đá.
Từ Paris giữa những ngày diễn ra Olympic, ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN - từng phát biểu rằng việc không giành được bất cứ huy chương nào tại Olympic 2024 là kết quả không như mong muốn và để lại nhiều tiếc nuối.
Theo ông Việt, các VĐV Việt Nam đã có sự tiến bộ và đạt được thành tích nhất định, như Trịnh Thu Vinh môn bắn súng, Đỗ Thị Ánh Nguyệt môn bắn cung... Những môn võ như judo hay quyền anh, các tuyển thủ Việt Nam thi đấu rất quả cảm nhưng vẫn còn hạn chế về năng lực so với đối thủ. Còn với những môn khác, các VĐV của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với đấu trường Olympic, cụ thể là các nội dung của bơi lội, điền kinh và đua thuyền.
Việc các nước Đông Nam Á bỏ qua cuộc đua tranh ở SEA Games mà tập trung toàn lực cho các môn mũi nhọn có tính bền vững, để từ đó vươn mình ra biển lớn Olympic chính là bài học lớn cho thể thao Việt Nam.