Nếu nói là khởi nghiệp, bà chính thức khởi nghiệp từ năm bao nhiêu tuổi?
Thời thanh xuân, tôi chọn chuyên ngành sư phạm như một mô típ phổ biến của rất nhiều bạn bè cùng trang lứa thời bấy giờ, hơn nữa, gia đình tôi lại có truyền thống làm giáo viên. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn (ĐH Sư phạm II), đứng lớp giảng bài 3 năm, tôi kịp nhận ra mình còn có thể làm được nhiều việc lớn hơn nữa.
Tôi luôn có ước muốn cháy bỏng là được làm một nghề có thể tận dụng hết năng lực, được sống với niềm đam mê, trách nhiệm và có điều kiện thực hiện ước mơ của Mẹ tôi thuở sinh thời là thoát khỏi nghèo khó. Vì vậy, tôi quyết định vào miền Nam với khao khát thay đổi cuộc đời mình, cho dù lúc đó hành trang mang theo chỉ là đam mê chứ kiến thức từ thực tế còn sơ sài lắm.
Khi đó, cũng như bao bạn trẻ khác, tôi loay hoay làm đủ công việc để mưu sinh cho đến khi "phải lòng" với nghề bảo hiểm thì những ước mơ mới được đánh thức.
Năm 2005 tôi cùng chồng và các cộng sự thành lập Công ty CP Bảo hiểm AAA, cũng là công ty bảo hiểm tư nhân đầu tiên ở thời điểm đó. Ai cũng nói tôi liều mạng, tôi sẽ thất bại, nhưng rồi tôi cứ kiên định với con đường mình chọn.
Chỉ trong 5 năm, Bảo hiểm AAA do tôi đứng đầu chính thức lọt vào top 50 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam ngay trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam hứng chịu nhiều khủng hoảng nhất. Và đó cũng là bệ phóng cho những startup tiếp nối và thành công sau này của tôi.
Những khó khăn, thuận lợi mà bà gặp phải là gì?
Tại thời điểm khởi nghiệp, bài học đầu tiên tôi buộc phải đối mặt và vượt qua bằng được đó chính là sự cám dỗ, để làm việc bằng cái tâm. Tôi thấy lòng mình thanh thản vì ngay cả những lúc khó khăn nhất tôi đã tránh được cái bẫy này. Đây cũng là tài sản lớn nhất mà tôi có và nó hình thành từ trải nghiệm thực tế mà không phải ai cũng đủ sức chịu đựng.
Còn về thuận lợi, bên cạnh sự cần cù, khát vọng sống, lòng kiên định, chữ tín và ý chí vươn tới thành công của chính tôi, còn có sự hậu thuẫn và ủng hộ tuyệt đối từ chồng mình. Tôi cũng may mắn có được những cộng sự cùng vào sinh ra tử. Nếu không có sự sắp đặt của định mệnh cho tôi có được những mối quan hệ bền vững đó, chắc chắn con đường khởi nghiệp của tôi sẽ còn nhiều chông gai, sóng gió.
Số tiền đầu tiên bà kiếm được ra sao?
Tôi không nhớ mình đã kiếm được bao nhiêu tiền, chỉ biết rằng tôi đã đưa Bảo hiểm AAA từ một văn phòng vỏn vẹn 12m2 với 9 nhân sự và doanh thu năm 2005 ở mức khiêm tốn là 5 tỷ đồng, đến năm 2008 con số đã là 218 tỷ đồng với một hệ thống kinh doanh phủ rộng toàn quốc.
Thất bại và thành công bà nhớ nhất là gì?
Thất bại và thành công luôn có trong cuộc đời tôi. Vì vậy, tôi luôn biến mọi trải nghiệm thành bài học có ích và biết chắc chắn rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ thất bại nếu điều hành bằng tiền và quyền lực. Ngược lại, lãnh đạo có tâm sáng thì sẽ khiến anh em đoàn kết, sức mạnh. Ấy là khởi nguồn của thành công.
Hiện tại đang ở tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi nhưng bà vẫn cống hiến cho xã hội, theo bà khởi nghiệp ở tuổi U60 có gì là trở ngại không?
Tôi chưa bao giờ có khái niệm hay giới hạn gì về tuổi tác. Đối với tôi, một người còn có sức khỏe tốt thì còn vận động, cống hiến và cống hiến không ngừng nghỉ.
Tôi luôn mong muốn đưa đến cho cộng đồng Việt Nam và cho thế hệ sau những sản phẩm mang tính an sinh xã hội, đồng thời cũng mang lại những cơ hội làm việc và phát triển mới cho mọi người. Với tôi, xây dựng cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn luôn là mục tiêu và cũng là mong muốn từ khi lập nghiệp cho đến nay. Ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN ra đời cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Dĩ nhiên, sự trở lại ở độ tuổi "bà ngoại" ít nhiều cũng gặp những áp lực, nhưng áp lực đó nhanh chóng qua đi khi tôi cùng các bạn trẻ đưa ra được sản phẩm công nghệ 4.0 áp dụng vào thực tiễn, phục vụ đông đảo người dùng với mục tiêu lớn nhất là hướng tới mọi gia đình Việt Nam đều được bảo hiểm, phòng tránh các rủi ro, tiếp cận bảo hiểm nhanh chóng, tiện lợi, an toàn, minh bạch, giá cạnh tranh.
"Mua 1 phút, bồi thường 30 giây" chính là thông điệp đơn giản và đầy đủ nhất mà tôi muốn đem đến cho cộng đồng của mình, tạo nên một bước đột phá mới trong ngành bảo hiểm Việt Nam, cũng như tạo nguồn cảm hứng bất tận cho các startup vẫn đang ấp ủ ước mơ nhưng chưa dám biến ước mơ ấy thành hiện thực.
Tôi muốn các bạn trẻ thấy rằng, "bà ngoại U60" còn làm được những điều tưởng chừng không thể, vậy các bạn chẳng có lý do gì mà không làm được cả.
Còn lời khuyên của bà đối với những startup lớn tuổi?
Trong kinh doanh hiện đại, đáng sợ nhất không phải là kẻ gian lận mà là người trung thực không biết mình đang làm gì. Vì thế, các startup cứ hết mình, trải nghiệm càng nhiều càng tốt, nhất là khi mình có "ưu thế" lớn tuổi, đi kèm đó là rất nhiều kinh nghiệm sống, thất bại và thành công. Hãy tiếp nhận nguồn năng lượng tích cực, lạc quan khai thác các thế mạnh của mình, chắc chắn kết quả bạn đạt được sẽ rất ngọt ngào.
Bà nhận định như thế nào về phong trào khởi nghiệp hiện nay của giới trẻ Việt Nam?
Thời của tôi, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tự thân chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ giới hạn trong những lĩnh vực kinh doanh nhỏ lẻ. Cho đến khi Nhà nước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và chính sách mới, lúc đó những doanh nghiệp khởi nghiệp như tôi mới có cơ hội để thử sức mình, phong trào khởi nghiệp bắt đầu từ đó.
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu, đi kèm với nền tảng công nghệ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tinh thần khởi nghiệp đang lên cao hơn bao giờ hết, các bạn trẻ ngày nay có rất nhiều cơ hội thuận lợi để hiện thực hóa ước mơ. Nhiều startup không chỉ dám nghĩ dám làm, mà còn hướng tới mục tiêu chinh phục những thị trường lớn với ý tưởng táo bạo nhưng vô cùng thực tế, theo kịp xu thế thời đại 4.0.
Theo bà đâu là điểm yếu của các startup trẻ hiện nay?
Khởi nghiệp luôn đòi hỏi sự chuẩn bị về tinh thần, kiến thức và kỹ năng, vì đó là chặng đường gian nan. Tôi đánh giá cao sự chủ động, nhanh nhạy cũng như kỹ năng công nghệ và ngoại ngữ của các startup trẻ. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều startup đang thiếu nền tảng kiến thức quản trị, tham vọng lớn so với khả năng và không kiểm soát được ước mơ, khát vọng của mình.
Nhiều startup muốn nhắm tới mọi phân khúc khách hàng hoặc phát triển cả một hệ sinh thái sản phẩm thay vì tập trung toàn lực cho một đối tượng hay sản phẩm cụ thể. Điều này sẽ khiến năng lực của các bạn bị phân tán, và "cú đấm" sẽ không còn chất lượng nữa.
Một biểu hiện khác là nhiều startup khởi nghiệp dựa trên quan sát những nhu cầu "hot" ở thị trường, cứ đuổi theo trào lưu mà thiếu cân nhắc đến thế mạnh và nguồn lực của mình. Vì thế, các bạn chỉ dừng lại ở việc tồn tại, không thể tập trung ở một mảng thị trường cụ thể và khai thác một công việc kinh doanh rõ ràng để khiến nó phát triển.
Để khắc phục điều này, tôi nghĩ startup phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức nền, tiêu chí lựa chọn ý tưởng, ưu tiên những ý tưởng mang tính khả thi, có khả năng tiến xa và đặc biệt phù hợp với đam mê và năng lực. Quan trọng nữa, startup phải là mình chứ không nên bắt chước.
Lý do gì khiến bà tham gia Shark Tank mùa 3?
Tôi muốn làm "bà đỡ" cho các bạn trẻ, giúp các bạn thành công nhanh hơn. Khi xem các bạn, bản thân nhà đầu tư như tôi cũng học hỏi rất nhiều những nhiệt huyết, đam mê từ các bạn. Và đôi khi, sự không kiểm soát được ước mơ của các bạn ấy cũng là điều rất thú vị.
Tôi tham gia chương trình với tâm thế hỗ trợ các bạn trẻ cả về tinh thần lẫn vật chất. Tôi nghĩ "bà ngoại U60" như tôi cũng rất dễ thương nên sẽ được các bạn trẻ và cộng đồng yêu mến và hoan nghênh.
Quan điểm chủ đạo của bà khi lựa chọn đầu tư vào 1 startup là gì?
Trước tiên, tôi cân nhắc việc đầu tư dựa trên bản thân người khởi nghiệp. Tôi đánh giá cao những người có nghị lực. Bởi ngay cả những người thông minh tài giỏi thì việc thất bại là không thể tránh khỏi, nhưng người có nghị lực sẽ vượt qua khó khăn và phục hồi nhanh chóng.
Thứ nữa, tôi muốn hợp tác với những người hạnh phúc, họ sẽ lan toả năng lượng tích cực tới những người xung quanh (giống tôi – cười). Một người hạnh phúc sẽ làm cho nhiều người thấy hạnh phúc.
Yếu tố quan trọng tiếp theo là người trung thực: Mình chỉ có một cuộc đời, cho nên tốt nhất là sống thật, mở lòng với anh em, minh bạch với mọi người. Vì vậy thuật quản trị của tôi là xây dựng niềm tin bằng cách nói thật, sống thật.
Sau con người, tôi sẽ đánh giá đến sản phẩm. Những sản phẩm biết kết hợp hài hoà giữa thương mại và nhân văn sẽ dễ dàng thuyết phục tôi. Ngược lại, cho dù mô hình đó có đẻ ra nhiều tiền nhưng thiếu tính nhân văn thì tôi cũng sẽ không hào hứng. Tôi không đồng hành với những dự án kiếm tiền bằng mọi giá mà bất chấp hậu quả, gây hại cho môi trường sống xung quanh hay ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ trẻ.
Thêm nữa, tôi vốn thích công nghệ nên cứ thấy công nghệ là táy máy tò mò, muốn tìm kiếm các startup công nghệ để gắn vào hệ sinh thái của mình và các bạn sẽ dẫn dắt cuộc chơi, tôi là "bà đỡ".
Vậy liệu những thứ bà lưu tâm về startup có giống với các nhà đầu tư khác của Shark Tank?
Bạn có thể thấy sau tập phát sóng đầu tiên, cách tiếp cận startup của tôi cũng có đôi phần khác biệt với các nhà đầu tư khác. Tôi không trao đổi với startup nhiều về tiểu tiết, con số mà tôi muốn tìm hiểu, cảm nhận về chính con người khởi nghiệp của các bạn ấy hơn. Tôi muốn cổ vũ các bạn khởi nghiệp nhiều hơn là tôi cứ lo nghĩ được - mất bao nhiêu tiền nếu đầu tư vào họ.
Qua đây, tôi cũng muốn nhẳn gửi đến phụ huynh của các nhà khởi nghiệp trẻ: "Hãy mở rộng lòng mình đón nhận những điều mới, đừng để những định kiến xưa cũ làm cản trở sự tự tin, năng lực độc lập trong con của mình. Giới trẻ bây giờ giỏi lắm, sáng tạo lắm và ước mơ của họ cũng tuyệt vời lắm".
Ngoài tài chính, các startup về đội Shark Đỗ Liên sẽ được hỗ trợ gì khác?
Tài chính là yếu tố quan trọng ở giai đoạn khởi nghiệp của bất cứ doanh nghiệp nào, con người mới quyết định sự sống còn và thành công của doanh nghiệp. Bên cạnh phần ngân sách đầu tư, tôi sẽ truyền cho các bạn cảm hứng để làm việc và đam mê. Tôi có lợi thế là đang sở hữu một đội ngũ trẻ, sẵn sàng xung kích cùng các bạn để quản trị doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ, phát triển kinh doanh, phát triển thương hiệu. Ngoài ra, tôi sẵn sàng định hướng cho các bạn nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng doanh nhân Việt Nam một cách tự tin nhất. Không chỉ là Stragegic Investor, tôi còn là Inspiring Investor của các bạn.
Tôi nghĩ sự xuất hiện của tôi tại chương trình đã là một khác biệt: Lần đầu tiên có một "bà ngoại U60" ngồi ghế nóng Shark Tank. Tôi sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về việc khi quyết tâm, ta có thể say mê làm việc và thành công ở bất kỳ độ tuổi nào. Những khác biệt khác, các startup sẽ tự trả lời sau khi Shark Tank mùa 3 kết thúc.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!