Sau cột mốc lịch sử, Công Phượng sẽ tạo ra bước đột phá trên đất Nhật Bản?

Song An |

Trước thềm J.League 2023 khởi tranh, Công Phượng nhận được nhiều kỳ vọng ở lần thứ tư ra nước ngoài chơi bóng. Trong màu áo Yokohama FC, liệu cựu tiền đạo HAGL sẽ tạo ra khác biệt so với các chuyến xuất ngoại trước đây?

Cuối tuần này, loạt trận đầu tiên của J-League 1 2023 sẽ chính thức diễn ra. Với người hâm mộ Việt Nam, sự quan tâm sẽ đổ dồn về Yokohama FC, nơi Công Phượng đã đầu quân bằng bản hợp đồng 3 năm. Cựu tiền đạo HAGL đã thiết lập nên cột mốc mới cho bóng đá Việt Nam khi trở thành cầu thủ đầu tiên thi đấu cho 4 CLB nước ngoài khác nhau.

Kinh nghiệm "du học" từ ba lần trước được xem là hành trang tích lũy quan trọng để Công Phượng tạo ra khác biệt ở tuổi 28. Thời gian qua tại Yokohama FC, mọi thứ đang diễn ra thuận lợi với tiền đạo xứ Nghệ. Ở trận giao hữu gần nhất gặp CLB Honda Lock (hôm 2/2), Công Phượng ghi điểm với một pha kiến tạo kèm màn trình diễn ấn tượng.

Sau cột mốc lịch sử, Công Phượng sẽ tạo ra bước đột phá trên đất Nhật Bản? - Ảnh 1.

Công Phượng trong màu áo Yokohama FC.

Sự hòa nhập tốt của Công Phượng khiến HLV trưởng Shuhei Yomoda cũng dành cho anh nhiều lời động viên khích lệ. "Công Phượng là cầu thủ giỏi và rất tích cực học hỏi. Cậu ấy sẽ giúp các phương án tấn công của Yokohama trở nên đa dạng hơn. Dù vẫn còn những điểm phải cải thiện nhưng tôi tin cậu ấy có thể khắc phục điều đó và giúp đội bóng trở nên tốt hơn trước khi mùa giải mới khởi tranh", Yomoda nói.

Trước giờ bóng lăn ở J.League 1, không chỉ người hâm mộ trong nước, giới chuyên môn trong khu vực cũng dành sự quan tâm lớn dành cho Công Phượng. "Đó là một trải nghiệm tuyệt vời với Công Phượng, một cầu thủ Việt Nam chuyển đến để tích lũy kinh nghiệm thi đấu tại J.League 1. Ở một đẳng cấp khác của giải đấu sẽ đòi hỏi cầu thủ cần giữ phong độ ổn định. Nếu Công Phượng đủ thể chất và tinh thần mạnh mẽ, anh ấy có thể thành công và mang lại nhiều lợi ích cho ĐT Việt Nam", HLV người Malaysia Raja Isa nhận định.

Sau cột mốc lịch sử, Công Phượng sẽ tạo ra bước đột phá trên đất Nhật Bản? - Ảnh 2.

Cựu tiền đạo HAGL đang hòa nhập tốt ở môi trường mới.

Đánh giá về lựa chọn ở J.League 1 của Công Phượng, nhà báo thể thao Zulfirdaus Harahap của tờ Bola (Indonesia) nêu quan điểm: "Với việc gia nhập Yokohama ở J.Leauge 1, đó là một quyết định đúng đắn của Công Phượng. Điều này giúp anh ấy có thời gian thi đấu cùng những cầu thủ lớn ở cấp độ cao nhất của Nhật Bản. Sự lựa chọn đó phù hợp so với mặt bằng chung.

Chúng ta nhận thấy, hiện có nhiều cầu thủ mơ mộng hoặc tham vọng lớn khi muốn tạo bước nhảy vọt trong sự nghiệp bằng cách sang châu Âu thi đấu. Nếu bạn gia nhập một đội châu Âu và chơi ở cấp độ cao nhất, tất nhiên đó không phải vấn đề. Tuy nhiên, khi thi đấu ở cấp độ thấp hơn như hạng hai, hạng ba chẳng hạn thì đó chưa hẳn tốt cho sự phát triển. Đôi khi, sự cạnh tranh ở giải đấu trong nước và thường xuyên ra sân có thể tốt hơn điều này".

Năm 2016, Công Phượng từng sang Nhật Bản chơi bóng cho Mito Hollyhock theo bản hợp đồng cho mượn từ HAGL. Thời điểm đó, anh gặp nhiều khó khăn bởi mới 21 tuổi và vấp phải cạnh tranh lớn tại môi trường J.League 2. Kết quả, Công Phượng không để lại nhiều dấu ấn sau 5 lần ra sân.

Sau cột mốc lịch sử, Công Phượng sẽ tạo ra bước đột phá trên đất Nhật Bản? - Ảnh 3.

Công Phượng từng thi đấu cho Mito Hollyhock ở J.League 2 nhưng không thành công.

Trong lần trở lại Nhật Bản, Công Phượng đã được rèn luyện nhiều về bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc dày dặn. Song, thách thức cho anh chắc chắn vẫn không hề nhỏ. "Được chơi ở HAGL từ năm 2015 là trải nghiệm tuyệt vời của Công Phượng. Tuy nhiên, với 103 lần ra sân và chỉ ghi được 36 bàn thắng, chắc chắn đó là điều đáng lo ngại với cầu thủ 28 tuổi. Ở vị trí tiền đạo, hẳn người ta muốn thấy anh ấy ghi nhiều bàn thắng hơn nữa.

Tại Yokohama, Công Phượng sẽ đối mặt với thử thách khó khăn này. Anh ấy sẽ bị "soi" rất kỹ nếu không ghi bàn và không thể hiện ổn định trong mọi trận đấu. Là người mới, Công Phượng phải tìm cách thích nghi và cạnh tranh với các cầu thủ tấn công của Yokohama,

Sau đó, Công Phượng phải thi đấu với các cầu thủ tấn công của Yohohama, đa số đến từ Brazil và cả Nhật Bản. Họ đều là những chân sút sở hữu phẩm chất cá nhân tốt. Một thử thách khó khăn cho Công Phượng nhưng không có gì là không thể", cây viếtHarahap phân tích thêm.

Sau cột mốc lịch sử, Công Phượng sẽ tạo ra bước đột phá trên đất Nhật Bản? - Ảnh 4.

Công Phượng có cơ hội đối đầu Chanathip ở Nhật Bản.

Ở J.League 1, có nhiều cầu thủ từ Đông Nam Á chơi bóng và thành công, tiêu biểu là Chanathip, Supachok hay Theerathon trước đây. Nói về kỳ vọng Công Phượng có thể tiếp bước thành công như những cầu thủ Thái Lan, ông Supanat Charoenrat "Maxzio", Giám đốc Tiếp thị & Truyền thông của CLB Lamphun Warrrios ở Thai League cho rằng rất khó để so sánh bởi mỗi cá nhân đều có tố chất, cơ hội khác nhau.

"Chọn Yokohama FC vẫn là một quyết định khó khăn của Công Phượng khi thi đấu ở nước ngoài. Cho dù là châu Âu hay Nhật Bản thì chúng ta cũng nên tôn trọng điều đó", Maxzio nói.

"Trước đây, Chanathip phải mất nhiều thời gian để thích nghi với bóng đá Nhật Bản. Hiện Supachok vẫn chưa thể thích nghi hoàn toàn. Vậy nên với Công Phượng, ngay cả khi kiến tạo, anh ấy cũng cần thời gian. Anh ấy cần có niềm tin vào bản thân cũng như từ HLV và đồng đội.

Có thể thời gian đầu, Công Phượng không được thi đấu nhiều. Các cầu thủ Thái Lan cũng gặp phải vấn đề như vậy. Ngoài việc có niềm tin, anh ấy cần tập luyện chăm chỉ, có thể hơn ở Việt Nam nhiều lần".

Sau cột mốc lịch sử, Công Phượng sẽ tạo ra bước đột phá trên đất Nhật Bản? - Ảnh 5.

Ông Supanat Charoenrat "Maxzio, người áo trắng ngoài cùng bên trái.

Theo ông Maxzio, phẩm chất kỹ thuật của các cầu thủ Việt Nam hay Thái Lan hoàn toàn đủ điều kiện để thi đấu ở Nhật Bản. Vấn đề cần cải thiện thêm ở tư duy chiến thuật và nhịp độ chơi bóng.

"Họ cần cải thiện sự am hiểu về chiến thuật khi có bóng hoặc không bóng. Nhịp chơi bóng ở Đông Nam Á vẫn khá chậm so với mặt bằng chung của Nhật Bản. Và vấn đề nữa là thể lực trong 90 phút.

Theerathon từng nói rằng anh chạy 7-8km mỗi trận nên có thể làm mọi thứ xuất sắc ở Thai League. Nhưng ở Nhật, cầu thủ thường chạy trung bình hơn 10km mỗi trận. Đó là điều không chỉ Công Phượng mà các cầu thủ muốn xuất ngoại cần lưu ý", Maxzio phân tích thêm.

Ở tuổi 28, Công Phượng đủ độ chín sự nghiệp, đủ kinh nghiệm trận mạc và cả bàn đạp từ các lần xuất ngoại trước. Môi trường J.League 1 có tính cạnh tranh rất cao và khác biệt nhiều so với V.League. Song, kỳ vọng về lần thứ tư "vươn ra biển lớn" của Công Phượng sẽ có cái kết trọn vẹn.

Sau cột mốc lịch sử, Công Phượng sẽ tạo ra bước đột phá trên đất Nhật Bản? - Ảnh 6.

Chờ cú bứt phá của Công Phượng ở lần thứ tư xuất ngoại.

Kết lại vấn đề, HLV người Malaysia Raja Isa cho rằng: "Yếu tố cốt lõi của cầu thủ Việt Nam nằm ở thái độ chuyên nghiệp và nền tảng kỹ thuật tốt. Đó là một trong những yếu tố giúp Công Phượng thu hút CLB ở J.League ký hợp đồng. Một chương mới sẽ mở ra trong sự nghiệp và hy vọng Phượng sẽ bùng nổ như kỳ vọng từ người hâm mộ Việt Nam. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho thế hệ cầu thủ mới thay đổi tầm nhìn và vững vàng tâm lý hơn khi nghĩ đến chuyện xuất ngoại".

Theo lịch, đội bóng của Công Phượng, Yokohama FC sẽ có trận khai màn gặp Nagoya trên sân nhà, lúc 12h00 ngày 18/2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại