1. Đấy là một trận "derby Vương quốc Anh", khi CH Ireland chạm trán Xứ Wales tại vòng loại World Cup 2018. Khi trận đấu khép lại, người ta không nhớ kết quả, mà chỉ nhớ cú vào bóng rùng rợn của Neil Taylor (Xứ Wales) dành cho hậu vệ Seamus Coleman (Ireland).
Cảm giác rùng mình vẫn không bớt đi chút nào, bất chấp bạn xem lại pha quay chậm ấy bao nhiêu lần. Cái cách Coleman tiếp đất, phản xạ nhìn xuống bàn chân xem tai họa khủng khiếp đến đâu và cái giây phút mà bạn mong mọi thứ sẽ không quá đáng sợ đều rất ám ảnh.
Nhưng khi Shane Long đến đỡ đầu Coleman dậy thì không cần bất kỳ tuyên bố nào của bác sĩ hay nhân viên báo chí nữa. Đấy đích thị là một ca chấn thương khủng khiếp!
Chân thương khủng khiếp của Seamus Coleman.
Coleman đang là một trong những hậu vệ phải hay nhất nước Anh. Và ca chấn thương khiến bàn chân gần như đã lìa khỏi cẳng chân có thể đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của anh. "Chấn thương của Coleman là tổn thất to lớn cho cả CLB và quốc gia," HLV Martin O’Neill nói.
2. Vấn đề là người ta vẫn tìm đến lời bào chữa quen thuộc: bóng đá là một môn đối kháng, dành cho những người đàn ông. Và bóng đá kiểu Anh lại càng khuyến khích sự quyết liệt. Tờ Irish Times gọi nó là "Bóng đá kiểu Heavy-metal", tức là rất ít giai điệu, nhưng dư thừa sự ồn ã, kích động.
Trong những trận đấu kiểu Heavy-metal như thế, cầu thủ thỉnh thoảng lại vượt quá giới hạn, như nhóm the Doors diễn xong thì đập cả đàn, hay Ozzy Osbourne điên tiết ngoạm luôn một con dơi sống. Nhưng trên sân khấu, những rocker ấy không ảnh hưởng đến ai. Còn trên sân cỏ, nó dễ biến cầu thủ trở thành những tên đao phủ dưới lớp vỏ "quyết liệt".
Không lạ khi những ca chấn thương khủng khiếp nhất trong bóng đá những năm gần đây thường diễn ra trên sân cỏ nước Anh, từ Djibril Cisse đến Eduardo hay Aaron Ramsey. Ở nước Ý, hậu vệ chơi tiểu xảo nhiều vô kể, nhưng họ cũng trân trọng "công cụ lao động" của đồng nghiệp.
Còn ở Anh, sự hiếu thắng và cơn cuồng nộ của đám đông khiến cho những ca chấn thương xảy ra thường xuyên, và có những chấn thương giết chết sự nghiệp của một cầu thủ, hoặc khiến cho con đường thăng tiến của nạn nhân dừng lại mãi mãi. Coleman đen nhất là thuộc trường hợp sau.
Taylor ngay lập tức nhận thẻ đỏ.
Trước thềm trận đấu, người ta đã dự báo đây sẽ là một cuộc chạm trán đầy cơ bắp, với rất nhiều cuộc va chảm nảy lửa. Vấn đề là rất ít HLV dặn các cầu thủ phải giữ mình trước khi bước vào những trận đấu hiểm họa trùng trùng như vậy.
Không giữ mình, tất nhiên sẽ không giữ cho đối thủ. Những cuộc chạm trán tóe lửa lẫn tóe máu diễn ra rất nhiều trận này. Glenn Whelan vung tay thẳng vào hàm Joe Allen, người đồng đội ở Stoke City.
Cũng chính Whelan húc đầu vào Aaron Ramsey sau khi bị anh này đạp một cú rõ đau. John O’Shea phải đi bịt lại chân sau khi trên đó in rõ vết đinh từ đôi giày của Gareth Bale. Nhưng rồi những tình huống ấy chỉ làm nền cho cú vào bóng của Neil Taylor khiến Coleman gãy chân.
3. Trong suốt sự nghiệp của mình, hậu vệ 28 tuổi này mới chỉ nhận một thẻ đỏ, không phải mẫu hậu vệ chém đinh chặt sắt. Nhưng trong một trận đấu kích động, anh đã đi quá giới hạn, trong một tình huống mà anh hoàn toàn không có cơ hội lấy bóng.
Khi được "quy trách nhiệm" sau trận đấu, HLV Xứ Wales Chris Coleman đáp ngay: "Thế các anh bảo tất cả những pha vào bóng nặng nhất đều là của chúng tôi sao?". Cả khán phòng im lặng. HLV Martin O’Neill biết đội bóng của mình không không thể vô can.
Chris Coleman, Dean Saunders và các đồng đội phân trần "Taylor không phải mẫu cầu thủ như vậy". Nhưng rồi chân của Seamus Coleman cũng đã gãy lìa ra, sự nghiệp của một cầu thủ đang ở đỉnh cao cũng đã rơi xuống vực.
Taylor vô cùng hối hận sau tình huống phạm lỗi làm gãy chân Coleman, nhưng tất cả đã quá muộn.
Thật trớ trêu khi Taylor cũng từng là nạn nhân của một vụ va chạm đến gãy chân, trong trận đấu giữa Swansea và Sunderland hồi tháng 9/2012. Anh trở lại sau bảy tháng dưỡng thương. Sức mạnh tinh thần và chương trình điều trị hợp lý giúp Taylor lấy lại phong độ như trước. Nhưng không phải ai cũng may được như Taylor hay một nạn nhân gãy chân khác là Aaron Ramsey.
Alan Smith của Man United chính thức giã từ phong độ đỉnh cao sau ca gãy chân hồi 2006. Luke Shaw đang vô cùng chật vật, Eudardo và Cisse trước đó cũng không còn là chính mình như trước lúc chấn thương.
Taylor trông hết sức thảm hại sau khi trận đấu kết thúc, chắc chắn là anh rất dằn vặt. Quyết liệt và tội ác đôi khi rất mong manh. Và giữ sự tỉnh táo trong trận đấu cần phải được xem như một đạo đức nghề nghiệp.