Sao bóng đá chống phân biệt chủng tộc

Huyền Mai |

Thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, hay thậm chí cả những chiếc áo đấu, các ngôi sao bóng đá đã đóng góp tiếng nói ủng hộ phong trào chống phân biệt chủng tộc, trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối sự bất bình đẳng bùng phát tại Mỹ và lan sang nhiều nước trên thế giới.

Vụ việc người đàn ông da màu 46 tuổi George Floyd bị cảnh sát Minneapolis (Mỹ) ghì cổ đến chết, mặc dù liên tục lặp lại câu nói “Tôi không thể thở được”, đã gây nên làn sóng phẫn nộ trên khắp toàn cầu. Các cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc nhanh chóng bùng nổ ở Mỹ và lan rộng sang nhiều nước. Nhiều ngôi sao bóng đá lên tiếng ủng hộ làn sóng bài trừ vấn nạn này trên các phương tiện truyền thông hay thậm chí bằng cả những hành động trên sân cỏ.

Trả lời CNN hôm qua, ngôi sao Juventus Paulo Dybala nói, hành vi phân biệt chủng tộc tồn tại trong đời sống hằng ngày, kể cả trong bóng đá. Tháng 4/2019, một đồng đội của anh là tiền đạo người Italy gốc Bờ Biển Ngà Moise Kean phải chịu đựng những lời lẽ miệt thị từ số đông người hâm mộ Cagliari trên khán đài trong một trận đấu ở Serie A. Chân sút trẻ này đã đáp trả bằng cách ghi bàn và có hành động thách thức giơ tay lên cao ăn mừng ngay trước mặt những CĐV này.

Paulo Dybala tiết lộ, hiện vẫn còn rất nhiều cầu thủ “chung số phận” giống Moise Kean và hy vọng lãnh đạo bóng đá Italy cần áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với các hành vi phân biệt chủng tộc trên sân. “Tôi đã chứng kiến nhiều tình huống phân biệt chủng tộc với các đồng đội Juventus ở các sân vận động khác nhau. Bóng đá Italy vẫn tồn tại sự phân biệt chủng tộc - trước đó đã xảy ra với Mario Balotelli, Miralem Pjanic. Tôi nghĩ rằng các hình thức xử phạt nên nghiêm khắc hơn”, ngôi sao người Argentina nhấn mạnh.

Trước Dybala, nhiều cầu thủ khác cũng lên tiếng chống vấn nạn này. Tiền đạo Man City và đội tuyển Anh Raheem Sterling nói nạn phân biệt chủng tộc còn tệ hơn cả đại dịch COVID-19 thời điểm này. Chính Sterling từng đối mặt với hành vi phân biệt chủng tộc từ khán giả.

Tháng 10/2019, khi khoác áo tuyển Anh đá vòng loại Euro 2020 ở Bulgaria, tiền đạo của Man City phải hứng chịu những lời lẽ phân biệt chủng tộc từ khán đài suốt trận đấu. Sterling tin rằng, có nhiều hơn các HLV da màu trên băng ghế huấn luyện sẽ là bước tiến mới trong việc loại bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong bóng đá, vốn làm đau đầu giới chuyên môn bấy lâu nay.

Không chỉ đóng góp tiếng nói, nhiều cầu thủ còn chống phân biệt chủng tộc bằng những hành động trên sân cỏ. Tiền vệ Dortmund Jadon Sancho có hành động cởi áo để lộ dòng chữ “Công lý cho George Floyd”, khi ăn mừng cú hattrick đầu tiên trong sự nghiệp trong một trận đấu mới đây. Jadon Sancho không phải lãnh bất kỳ án phạt nào, dù theo luật thì việc cởi áo hay đưa các thông điệp ngoài bóng đá bị cấm.

Không chỉ cá nhân các cầu thủ, các đội bóng lớn như Dortmund hay hàng loạt câu lạc bộ hàng đầu nước Anh như Liverpool, Chelsea, Newcastle đã cùng thực hiện quỳ gối xuống sân cỏ để tưởng nhớ và đòi công lý cho George Floyd.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại