Sai rồi, đó không phải là cổ động!

BÌNH BỒNG BỘT - TK: GN |

Pháo sáng bị cấm ở các sân bóng từ Việt Nam ra đến quốc tế. Mang pháo sáng vào sân là hành vi phạm pháp. Và những kẻ phạm tội này còn đáng lên án ở chỗ: chúng nhân danh tình yêu cho bóng đá để làm việc ấy.

Có một điều lạ mà ít ai giải thích thấu đáo được: bóng đá – dù là một môn thể thao - lại sử dụng hệ ngôn ngữ chiến tranh. Chúng ta rất hay nghe hoặc đọc những từ như: tấn công, phòng ngự, mặt trận, đạn pháo, quyết tử, boong-ke, không chiến… Trong tiếng Anh, họ dùng chữ "shoot" hay "strike" để mô tả một cú sút. Chúng ta gọi đội tuyển Đức là "cỗ xe tăng", gọi chung kết là "trận cầu sinh tử", gọi giải đấu là "chiến dịch", gọi loạt luân lưu là "đấu súng", gọi sự tranh đua trên thị trường chuyển nhượng của các đội bóng là "chạy đua vũ trang".

Khi đến một sân bóng mà CĐV ở nơi ấy cuồng nhiệt, thậm chí quá khích, chúng ta hay dùng từ "chảo lửa". Nhưng ở Việt Nam, khái niệm "chảo lửa" lại đúng theo cả nghĩa đen. Hôm qua, đùi một CĐV nữ đã bị một quả pháo sáng "nướng" tại sân vận động Hàng Đẫy. Trong một trận đấu mà ngôi sao Nguyễn Văn Quyết đã chơi một trận để đời khi góp mặt trong những năm bàn thắng của đội nhà, thật đáng buồn khi người ta chỉ nhắc về cái đùi chảy máu của CĐV nữ, về gương mặt phấn kích tột độ của kẻ cầm trên tay quả pháo sáng và về hành động quay phim, livestream của những kẻ hanh tai lạc họa gần đấy.

Sai rồi, đó không phải là cổ động! - Ảnh 1.

Có lẽ chỉ có những CĐV bóng đá mới dùng pháo sáng - vốn là vật dụng dùng trong cứu hộ biển - để cổ vũ bóng đá. Và vì được dùng trên biển nên nó rất khó bị dập tắt. Nhiệt độ pháo sáng khi đốt cháy là 1.600 độ C, nhiệt độ nóng chảy của thép, có thể gây ra thương tích nặng và tử vọng. Nói cách khác, khi một CĐV mang vào sân một thanh pháo sáng, họ cũng đang mang bên mình một vũ khí sát thương.

Phải, đã có quá nhiều ví dụ tang thương trên thế giới rồi. Cardiff năm 1993, một CĐV tên John Hill thiệt mạng khi bị một quả pháo sáng tộng vào giữa ngực. Hai người đàn ông mang pháo vào sân sau đó đã phải vào tù vì tội ngộ sát. Ở Barcelona, một cậu bé mới 13 tuổi Guillem Lazaro cũng chết bởi pháo sáng trong một trận đấu. Lớn hơn Lazaro một tuổi, một thiếu niên khác ở Brazil cũng tử vong do pháo sáng trong một trận đấu của Corinthians.

Khi pháo sáng ném xuống sân, thủ môn gần khán đài nhất thường là người lãnh đủ. Thủ thành của đội tuyển Nga Igor Akinfeev ăn một quả pháo sáng vào đầu trong trận đấu với Montenegro, bị thương nặng ở phần cổ. Ngay cả khi không giết ai, phần khói của pháo sáng cũng được cho là cực kỳ nguy hiểm với bệnh nhân hen xuyễn và là một tác nhân lâu dài gây ra bệnh ung thư!

Sai rồi, đó không phải là cổ động! - Ảnh 2.

Vì những tác hại rõ ràng ấy, các sân vận động trên thế giới đều đã cấm tiệt pháo sáng. Trước khi vào sân, khán giả luôn phải đi qua một hàng rào an ninh nghiêm ngặt. Không chỉ đi qua máy quét, họ còn phải trình ba lô hay giỏ xách cho bảo vệ xem rồi mới được vào sân. Bóng đá Việt Nam chỉ làm việc này với những trận đầu cấp độ đội tuyển và phần nào vẫn còn nhẹ nhàng với những trận đấu tại V-League.

Nhưng V-League thực ra mới chính là bộ mặt của một nền bóng đá. Thật buồn khi chỉ một tuần sau khi báo chí nước ngoài đưa tin về Đoàn Văn Hậu với những lời lẽ đầy tích cự, ta lại đọc thấy gương mặt khác của một nền bóng đá nước nhà trên những phương tiện thông tin đại chúng của bạn bè quốc tế.

Mà pháo sáng ở V-League không phải là đề tài mới mẻ gì "Đến hẹn lại đốt" là câu chuyện muôn thuở của những CĐV Hải Phòng và Nam Định. Khi bạn search cụm từ "pháo sáng" lên Google, hàng loạt những bài báo từ tận năm 2013 sẽ hiện lên, đi cùng nó là những từ như "vấn nạn" hay "nỗi nhức nhối". Cũng trong năm 2013 ấy, ông bầu Nguyễn Văn Đệ của Thanh Hóa thậm chí đã vượt luật để ra quy định: "CĐV nào vào sân cố tình đốt pháo sáng sẽ bị phạt 50 triệu đồng, ai tố giác được thưởng 20 triệu đồng".

Xưa đến nay, chuyện người Nam Định hay Hải Phòng yêu bóng đá là điều không phải bàn cãi. CĐV Nam Định nhiệt lắm, dù đến sân khách vẫn thể hiện được bản sắc của mình. Vì thế, họ luôn nhận được sự tôn trọng của các CĐV chủ nhà. Nhưng giá như những ngọn lửa ấy chỉ được thổi bùng lên theo nghĩa bóng, tức những bài hát cổ động, những làn sóng người, những tiếng gầm khiến đội bóng đối phương phải "tim đập chân run" thì sẽ tốt biết bao.

Trên sân Hàng Đẫy hôm qua, sự "máu lửa" đã được thể hiện thuần túy nghĩa đen. Vì đã có lửa, và cũng có máu. Mà đâu chỉ có đốt pháo trên sân, tình yêu bóng đá được ngụy tạo thành một cái gì đó ngang tàng xấu xí khi họ "đoàn kết" đối đầu với nhân viên an ninh trên sân, từ cuồng nhiệt chuyển sang cuồng nộ trong một nốt nhạc.

Sai rồi, đó không phải là cổ động! - Ảnh 4.

Một chiến sĩ cảnh sát cơ động phải nhập viện sau màn va chạm ấy. Nữ CĐV bị pháo rơi chúng chân sẽ phải phẫu thuật, có khi nhiều lần. Vết bỏng đã đốt chín thịt, khiến bác sĩ phải cạo đi để lộ phần xương ra ngoài, hình ảnh có thể sẽ khiến bạn bỏ cơm nếu vô tình nhìn thấy.

Không một ai đáng bị thương nặng hay có nguy cơ tử vong chỉ vì đi xem bóng đá cả. Bóng đá rất cần CĐV, nhưng cũng cần lên án những kẻ đội lốt CĐV, vào sân để thể hiện sự cuồng nộ của bản thân, để cái tôi ích kỷ được ve vuốt trong vài phút mà bất chấp an nguy của kẻ khác. Những kẻ ôm pháo sáng vào sân không thắp lên một tình yêu nào cả, trái lại chỉ bộc lộ sự tăm tối trong nhân cách mà thôi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại