Lời bình đầy dí dỏm của tờ The Guardian có lẽ đã lột tả tất cả những tinh hoa của cái tên Ruud van Nistelrooy – một số 9 huyền thoại của bóng đá nói chung và Man United nói riêng, một sát thủ vòng cấm gần như đã tuyệt chủng trong bóng đá hiện đại, một kẻ có đam mê cuồng dại với những bàn thắng.
Tuần trước, sau khi Wayne Rooney thực hiện cú sút phạt mỹ miều tung lưới Stoke và chính thức đẩy Sir Bobby Charlton xuống vị trí thứ 2, trèo lên ngôi độc tôn trong danh sách những cây săn bàn vĩ đại nhất lịch sử Man United, có một dòng Twitter đã nhắc tới Van Nistelrooy.
Rooney đã ghi 250 bàn thắng cho Man United, hơn Val Gol tròn 100 bàn thắng. Tuy nhiên, nếu xét về hiệu suất ghi bàn, Van Nistelrooy mới thật sự là cây săn bàn vĩ đại bậc nhất lịch sử Man đỏ. Hiệu suất trung bình của Rooney chỉ là 0,46 bàn/trận (của Sir Bobby Charlton chỉ là 0,33 bàn), trong khi đó Van Nistelrooy ghi trung bình 0,68 bàn/trận cho Quỷ đỏ.
Có lẽ không nhiều người biết, Van Gol và một chân sút vĩ đại khác: Patrick Kluivert sinh cùng ngày, cùng năm (1/7/1976). Nhờ cái mác trưởng thành từ lò đào tạo trứ danh của Ajax, tên tuổi của Kluivert đã lên tới đỉnh thế giới khi Van Nistelrooy mới chỉ luẩn quẩn thi đấu ở giải Hà Lan.
Nhưng bản hợp đồng đưa Van Gol về Old Trafford đã thay đổi cuộc đời anh, thay đổi luôn cả lịch sử bóng đá Hà Lan và giúp thế giới có một định nghĩa chính xác nhất thế nào là một tiền đạo cắm điển hình. Van Nistelrooy không phải một mẫu tiền đạo mềm mại, sở hữu quá nhiều chiêu trò tinh quái. Anh đơn giản chỉ biết xuất hiện ở vị trí thuận lợi nhất trong vòng cấm địa và… ghi bàn mà thôi. Và theo như lời miêu tả của Sir Alex thì Van Nistelrooy bị ám ảnh bởi những bàn thắng.
Sát thủ người Hà Lan sẽ tự nhốt mình vào một góc phòng, chất vấn bản thân rất lâu nếu anh vừa trải qua một trận đấu tịt ngòi, kể cả khi Man United chiến thắng. Trong cuốn sách Leading được viết bởi Sir Alex, ông có kể lại một chi tiết lột tả rõ rất niềm đam mê điên cuồng với những bàn thắng của Ruud: Năm 2003, sau khi Quỷ đỏ chiến thắng trận cuối cùng và chính thức trở thành nhà vô địch Premier League, Van Nistelrooy bỗng chạy cắm đầu cắm cổ vào phòng thay đồ, thay vì nán lại trên sân ăn mừng chức vô địch như bao cầu thủ khác.
Hóa ra Ruud muốn ngay lập tức biết anh hay Thierry Henry là Vua phá lưới mùa bóng năm đó. Với Van Nistelrooy, trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải còn quan trọng hơn trở thành nhà vô địch.
Tuy nhiên, niềm đam mê thái quá với những bàn thắng biến Van Nistelrooy thành một cầu thủ tương đối ích kỷ. Tất cả những gì anh quan tâm chỉ là bàn thắng và đó lý do Van Nistelrooy luôn là cầu thủ… việt vị nhiều nhất trong đội hình Man United mỗi trận đấu. Đơn giản là vì anh luôn hấp tấp lao về phía khung thành đối phương để ghi bàn và dễ dàng bị đối phương cho dính bẫy việt vị.
Sự ích kỷ đó cũng dẫn tới mâu thuẫn giữa Van Nistelrooy và Cristiano Ronaldo. Trợ lý huyền thoại của Sir Alex, Carlos Queiroz kể lại, Van Gol từng buông những lời lẽ rất thiếu tình người và cay nghiệt xoáy vào nỗi đau mất cha của Ronaldo chỉ vì CR7 có những pha xử lý quá rườm rà thay vì chuyền bóng sớm để Ruud ghi bàn.
Và rồi cũng chính sự ích kỷ đó đã dẫn anh tới cánh cửa rời Old Trafford, sau khi Van Nistelrooy buông ra lời thóa mạ Sir Alex Ferguson. Sau khi kết thúc những năm tháng đẹp nhất ở Man United, Van Nistelrooy vẫn tiếp tục ghi bàn, thậm chí giành ngôi Vua phá lưới La Liga trong màu áo Real Madrid, nhưng cách anh tự thải loại mình khỏi ngôi nhà Old Trafford vẫn luôn ám ảnh Van Gol.
Rốt cuộc là vào một đêm tuyết rơi tháng 1/2010, Van Nistelrooy chủ động gọi điện tới nhà nói lời xin lỗi Sir Alex. Lời xin lỗi của anh đã xuất hiện trong chương XI cuốn tự truyện của Fergie.
Đó là lời xin lỗi của một người đàn ông đích thực và nó chứng tỏ, Man United luôn ngự trị trong trái tim của Van Gol. Đó cũng là những năm tháng đẹp nhất cuộc đời anh, và cũng là những ngày nóng bỏng nhất trong lịch sử Premier League.