Tệ nhất kỷ nguyên Florentino Perez 2.0
"Trận đấu khởi đầu bằng một tình huống đầy bất ngờ. CSKA ghi bàn và sân khấu trở thành của riêng họ. Bóng đá là vậy, điều gì cũng có thể xảy ra. Đôi khi vấn đề nằm ở sự may mắn", Julen Lopetegui lên tiếng sau khi Real Madrid thua CSKA Moscow 0-1.
Liệu có phải là may mắn, như Lopetegui thanh minh, khi Real Madrid kiểm soát bóng 72%, thực hiện 26 cú dứt điểm mà bàn thắng thì không đến?
Đây không phải vấn đề may mắn. Real đã dứt điểm quá tệ, và không kiểm soát được cuộc chơi cho dù là đội giữ bóng nhiều hơn. Chỉ có 4 trong 26 pha kết thúc của nhà ĐKVĐ đi trúng đích, một tỷ lệ rất thấp.
Bên cạnh đó, trên sân Luzhniki, các cầu thủ Real để mất bóng đến 129 lần, so với 118 lần mất bóng của CSKA Moscow.
Các cầu thủ Real cũng lười di chuyển, trong thế trận mà CSKA thi đấu kỷ luật và tập trung. Tổng quãng đường di chuyển của đội khách là 113,4 km, ít hơn nhiều so với con số 117,5 km bên phía đội bóng nước Nga.
Không thể đổ lỗi cho yếu tố may mắn, khi bạn trải qua 3 trận liền mà không ghi bàn, và 2 trong số đó là thất bại.
Trước đó, Real hòa không bàn thắng trong trận gặp Atletico. "Kền kền" đã tung ra 15 cú sút, nhưng vẫn phải nhờ những pha cứu thua xuất sắc của Thibaut Courtois để tránh khỏi thất bại ở derby Madrid.
Đã 3 trận, các chân sút Real Madrid không thể tìm nổi mành lưới của đối phương.
Trong trận làm khách của Sevilla ở vòng 6 La Liga, các cầu thủ Real cũng dứt điểm ồ ạt với tổng cộng 21 lần, và rời sân Pizjuan bằng thảm bại 0-3.
Trong kỷ nguyên Florentino Perez 2.0, được bắt đầu từ mùa Hè 2009, chưa bao giờ Real chơi tệ như hiện nay. Lần gần nhất CLB Hoàng gia Tây Ban Nha trải qua 3 trận mà khong biết ghi bàn là năm 2007, với Fabio Capello dẫn dắt.
Lopetegui đang phá hỏng di sản của Zidane
Hội chứng phụ thuộc Ronaldo là một phần nguyên nhân đẩy Real vào tình cảnh hiện nay. Trong 9 năm qua, ngôi sao người Bồ Đào Nha trở thành cảm hứng cho các pha tấn công, và anh trực tiếp ghi rất nhiều bàn thắng.
Không còn Ronaldo, việc ghi bàn trở thành gánh nặng cho những người còn lại. Benzema từng rất nổi bật với 2 cú đúp liên tiếp trước Girona và Leganes. Thế nhưng, 6 trận gần nhất anh vô hại với khung thành đối phương.
Vị trí của Dani Ceballos đang "làm khó" Real Madrid?
Ronaldo ra đi chỉ là một phần nguyên nhân, và vấn đề lớn hơn cả đến từ HLV Lopetegui.
Real Madrid với Zinedine Zidane giành 3 danh hiệu Champions League liên tiếp, trong vòng 2 năm rưỡi, mà nhiều thời điểm không cần đến Ronaldo.
Khi Zidane quyết định chia tay trên đỉnh cao danh vọng, ông để lại một di sản với sức mạnh từ bộ ba tiền vệ Luka Modric - Casemiro - Toni Kroos. Đây được đánh giá là hàng tiền vệ tốt nhất châu Âu, mà mọi CLB đều khao khát sở hữu.
Ở thủ đô Moscow, Modric phải ngồi dự bị. Là Cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2018, vừa nhận được giải thưởng The Best của FIFA, nhưng tiền vệ người Croatia chỉ thi đấu 58,6% số phút từ đầu mùa.
Lopetegui muốn trao nhiều cơ hội cho Dani Ceballos, nên Modric phải ngồi dự bị nhiều hơn. Đồng thời, sự hiện diện của tiền vệ trẻ người Tây Ban Nha cũng khiến vai trò của Kroos ở trung tuyến bị ảnh hưởng đáng kể.
Casemiro đang là bạn nhân của Lopetegui ở Bernabeu?
Kroos là tiền vệ chuyền bóng tốt bậc nhất châu Âu ở thời điểm này, nhưng Lopetegui không biết cách để khai thác giá trị của anh. Điều tất yếu là hệ thống của Real Madrid mất đi độ chính xác khi vận hành.
Chịu thiệt thòi nhất khi Lopetegui xuất hiện là Casemiro, bệ phóng không thể chối cãi của "Zizou Team".
Lopetegui từng làm việc với Casemiro ở Porto mùa giải 2014/15. Tuy vậy, chưa bao giờ ông có niềm tin vào tiền vệ người Brazil, chỉ sử dụng anh một cách miễn cưỡng.
Với Zidane, Casemiro xuất sắc trong phòng ngự lẫn tấn công. Ở đội tuyển Brazil cũng vậy. Nhưng từ ngày Lopetegui xuất hiện, hình ảnh chiến binh mạnh mẽ ngày nào được thay bằng sự nhạt nhòa, dễ mất bóng và không còn che chắn được cho hàng thủ.
Chủ tịch Florentino Perez là người đã phá nát đội tuyển Tây Ban Nha, khi lấy Lopetegui ngay trước World Cup 2018. Giờ thì Lopetegui phá nát di sản của Zidane, đẩy nhà ĐKVĐ châu Âu vào khủng hoảng.