Ronaldo và Juventus: Mối lương duyên “đúng người, đúng thời điểm”, nhưng kết thúc trong cay đắng

Long Nhật |

Juventus đưa Cristiano Ronaldo về với mục tiêu vô địch Champions League đầu tiên từ 1996, nhưng đó vẫn mãi là ước mơ xa vời.

Cristiano Ronaldo không còn là cầu thủ của Juventus nữa. Anh không rời Turin với hai bàn tay trắng. Anh rời Turin với 5 danh hiệu, với 101 bàn thắng sau 134 trận, chỉ thiếu 14 bàn để lọt vào danh sách những chân sút vĩ đại nhất lịch sử CLB.

Chính vì vậy, để đánh giá di sản mà Ronaldo để lại sau khi rời Juventus, chúng ta nên bắt đầu với lời khẳng định: Cristiano Ronaldo là một trong những cái tên xuất sắc nhất thời đại.

Điều này không thể bàn cãi. Những con số không biết nói dối: CR7 đã ghi tới 783 bàn thắng trong sự nghiệp của mình. Vị thế của một tượng đài đã được xác lập từ lâu. Cũng vì vậy, sẽ là hoàn toàn công bằng nếu chúng ta đặt câu hỏi: Ronaldo có thực sự thành công ở Juventus?

Ronaldo và Juventus: Mối lương duyên “đúng người, đúng thời điểm”, nhưng kết thúc trong cay đắng - Ảnh 1.

Cristiano Ronaldo có thực sự thành công ở Juventus?

Chủ tịch Andrea Agnelli của Juve từng thừa nhận rằng, thương vụ Ronaldo là lần đầu tiên trong lịch sử, CLB thành Turin chiêu mộ một ngôi sao vượt ra khỏi mục tiêu thể thao đơn thuần. Yếu tố thương mại đóng vai trò cực lớn trong thương vụ này.

Siêu sao người Bồ Đào Nha hoàn thành đúng nhiệm vụ mà anh được giao: ghi bàn. Trong ba mùa giải tại Italia, Ronaldo ghi 101 bàn trong 134 trận đấu. Hơn thế nữa, CR7 cũng mang về hiệu quả đáng kinh ngạc ngoài sân cỏ.

Trước khi chi 100 triệu Euro (86 triệu Bảng) mang Ronaldo về Turin, Juventus chỉ có 49 triệu lượt theo dõi trên toàn bộ nền tảng mạng xã hội (Twitter, Facebook, Instagram, YouTube). Con số này hiện tại đã hơn gấp đôi – 112,7 triệu.

Ronaldo và Juventus: Mối lương duyên “đúng người, đúng thời điểm”, nhưng kết thúc trong cay đắng - Ảnh 2.

Ronaldo mang lại hiệu ứng khủng khiếp tại Juventus

Danh tiếng tăng lên đồng nghĩa với sức hấp dẫn của CLB với các nhà tài trợ cũng tăng lên. Đầu năm 2019, Juventus ký hợp đồng tài trợ mới có thời hạn 7 năm cùng Adidas. Tổng số tiền tài trợ Juve nhận được tăng gấp đôi, lên tới 357 triệu Euro. Nhà tài trợ áo đấu, JEEP cũng tăng thêm 28 triệu Euro, nâng tổng số lên 45 triệu Euro/năm.

Dù đón nhận những hợp đồng vô cùng tích cực về mặt kinh tế, song Bianconeri vẫn chưa thể vươn mình trở thành đội bóng giàu có và danh tiếng nhất thế giới. Ronaldo mang lại cú hích rất lớn cho Juve, song anh không phải là phù thủy.

Ronaldo và Juventus: Mối lương duyên “đúng người, đúng thời điểm”, nhưng kết thúc trong cay đắng - Ảnh 3.

Cristiano Ronaldo chưa thể mang về Champions League như kỳ vọng

Kế hoạch ban đầu của Chủ tịch Agnelli là tận dụng danh tiếng của CR7 để nâng tầm đội bóng. Ông muốn biến Juve thành CLB đủ tầm để chiêu mộ những Ronaldo mới ở thời kỳ đỉnh cao, chứ không phải ở tuổi 33. Mặc dù vậy, ở mùa giải đầu tiên của Cristiano, CLB thông báo lỗ 40 triệu Euro. Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy một mình CR7 không thể khỏa lấp khoảng cách giữa Juve và những CLB hàng đầu châu Âu.

Mục tiêu chủ yếu của "Dự án CR7" mang cả hai khía cạnh thể thao và kinh tế: vô địch Champions League và nâng giá trị CLB. Dù vậy, Covid-19 khiến cho dự án này thất bại nặng nề. Nửa đầu mùa giải trước, Juve thông báo lỗ tới 113,7 triệu Euro. Bianconeri vẫn còn may mắn hơn các CLB khác nhờ vào EXOR, công ty sở hữu 63,8% cổ phần CLB. Họ đầu tư thêm 75 triệu Euro vào đội bóng, qua đó nâng tổng vốn của Juve lên 400 triệu Euro.

Juventus, giống như mọi CLB lớn khác ở châu Âu bị ảnh hưởng bởi Covid, chỉ có thể tự trách mình khi để rơi vào tình trạng khó khăn tài chính. Họ sở hữu nền tảng tài chính lỏng lẻo, nhưng lại đánh cược vào thương vụ Ronaldo với tổng 340 triệu Euro, bao gồm cả phí chuyển nhượng và lương thưởng. Vụ cược này đã thất bại, minh chứng nằm ở màn trình diễn đáng thất vọng của họ ở Champions League.

Kể từ khi Ronaldo xuất hiện, "Bà đầm già" thành Turin chưa một lần vượt qua được tứ kết. Họ bị loại bởi các đội bóng như Ajax, Lyon và Porto. Vậy câu hỏi đặt ra là: Liệu Ronaldo có xứng đáng với số tiền 87 triệu Euro anh nhận hàng năm từ Juventus hay không?

Juventus bị kẹt trong vòng xoáy không lối thoát: Họ chi rất nhiều cho Ronaldo để vô địch Champions League, nhưng chính việc này khiến họ không thể tăng cường vị trí khác trong đội hình. Tuyến giữa của Bianconeri không đủ sức mạnh, song họ không đủ kinh phí để chiêu mộ Paul Pogba hay Sergej Milinkovic-Savic.

Ronaldo và Juventus: Mối lương duyên “đúng người, đúng thời điểm”, nhưng kết thúc trong cay đắng - Ảnh 4.

GĐTT Fabio Paratici (thứ hai từ trái sang) là người thực hiện "Dự án CR7"

Khó có thể nói sự đi xuống của Juve là do lỗi của Ronaldo. Anh không phải người quyết định việc phung phí cho những Aaron Ramsey, Danilo hay Arthur. Anh cũng không duyệt bán Joao Cancelo hay Moise Kean, cầu thủ mà hài hước thay đang chuẩn bị trở về Juve để thay… Ronaldo.

Người đáng phải nhận mọi chỉ trích là GĐTT Fabio Paratici, người phải rời CLB cuối mùa trước. Juve đang mạnh tay thay đổi khi đưa HLV Massimiliano Allegri trở về. Thế nhưng sai lầm của Paratici khiến họ lãng phí 2 năm. Họ sai lầm khi sa thải Allegri, nhưng không cho Maurizio Sarri hay Andrea Pirlo thời gian để hiện thực hóa tham vọng của mình.

Về phía mình, Ronaldo không thể chờ được nữa. Anh đã 36 tuổi và không thể cùng một CLB xây dựng lại từ đầu. Đặc biệt là khi CLB đó còn cách Champions League xa hơn thời điểm 2018 khi anh tới Turin.

Xét trên khía cạnh thể thao, "Dự án CR7" đã thất bại hoàn toàn. Nó đã chấm dứt 1 năm trước hạn hợp đồng và không đạt được mục đích đề ra: Champions League. Tệ hơn nữa, chuỗi 9 năm liên tiếp vô địch Serie A của Juve còn bị kình địch Inter Milan chấm dứt vào mùa trước.

Ronaldo đã chia tay Turin để trở về với mái nhà xưa Manchester United. Còn về phần Juve, họ có thể tập trung vào đầu tư cho tương lai. Mối lương duyên Juventus-Ronaldo kết thúc theo một cách không hề mong muốn, song ở thời điểm này, đó là quyết định sáng suốt dành cho cả hai bên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại