Chỉ đạt thành tích hạn chế với các cầu thủ tốt trong tay, lối đá "xấu xí", khô khan, ít tiếp thu ý kiến của mọi người, bảo thủ, đó là những thứ mà người ta từng dùng để chỉ trích HLV Miura gần 2 năm về trước.
Để rồi chiến lược gia người Nhật Bản rút lui và nhường chỗ cho HLV Hữu Thắng với những mộng tưởng về tiqui-taca. Nhưng rồi sau 2 giải đấu lớn là AFF Cup 2016 và SEA Games 29, nhà cầm quân người Hà Tĩnh cũng phải ngậm ngùi rời "ghế nóng".
Tới lúc này, bỗng nhiên nhiều tiếng "hóa ra" xuất hiện. Hóa ra để làm được như HLV Miura không đơn giản. Hóa ra Việt Nam không mạnh như nhầm tưởng. Hóa ra chơi đẹp không phải muốn là được.
Công Phượng chưa thể tìm lại được phong độ đỉnh cao ở các ĐTQG như dưới thời HLV Miura.
Một số người hâm mộ đã đề nghị VFF mời ông Miura trở lại cương vị HLV trưởng ĐTQG, sau khi HLV Mai Đức Chung hoàn thành nhiệm vụ ở trận gặp Campuchia. Trước khi nghĩ đến tương lai ấy, hãy cùng xem HLV Miura đã làm gì gần 2 năm qua.
Trở về từ Việt Nam, thứ đầu tiên mà nhà cầm quân sinh năm 1963 có thể khoe với vợ con chính là trình độ sử dụng máy giặt. Lúc còn ở Hà Nội, ông đã phải "đánh vật" một vài lần và nghiên cứu kỹ càng hướng dẫn mới "trị" được cỗ máy này.
HLV Miura làm BLV bóng đá.
Rất nhanh chóng, HLV Miura trở lại với công việc BLV từng làm trong quá khứ. Những đánh giá, nhận định của ông trên truyền hình có tính thuyết phục rất cao. Bởi trước đây nhà cầm quân này từng tới Đức học bóng đá mà có kinh nghiệm hàng trăm trận tại các giải VĐQG Nhật Bản.
Bất cứ khi nào được hỏi về quãng thời gian làm việc ở Việt Nam, HLV Miura đều dành những lời lẽ rất lịch sự. Chẳng bao giờ người ta thấy ông lên giọng chỉ trích hay than phiền về chuyện cũ.
Hồi đầu năm ngoái, nghe tin CLB B. Bình Dương sang Nhật đá Champions League, cựu HLV trưởng ĐTQG đã tới tận nơi để gặp gỡ tiền đạo Công Vinh. Ngoài việc nhắc lại các kỷ niệm, ông còn chia sẻ những điều mình biết về FC Tokyo và suýt nữa giúp B. Bình Dương tạo nên bất ngờ.
Ngay sau đó, HLV Miura cùng với ông Takashi (cựu HLV trưởng ĐT nữ Việt Nam) đi 500km tới thành phố Osaka cổ vũ cho ĐT nữ Việt Nam trong trận đấu thuộc khuôn khổ vòng loại Olympic 2016.
HLV Miura và thủ môn Kiều Trinh.
Trong thời gian Công Phượng khoác áo Mito Hollyhock, hai thầy trò cũng đã có dịp gặp gỡ hàn huyên. Song dù yêu mến cậu học trò tài năng, HLV Miura vẫn phải thẳng thắn nói rằng Phượng khó mà thành công tại Nhật Bản.
Trong đội hình U22 Việt Nam, HLV Miura đánh giá Vũ Văn Thanh là người duy nhất đủ khả năng chơi bóng tại J-League. Còn trên bình diện ĐTQG, ông rất thích 3 cái tên Huy Hùng, Huy Toàn và Mạc Hồng Quân.
Đúng như nhận định của nhà cầm quân này, Tuấn Anh và Công Phượng sớm trở về Việt Nam sau một năm "du học". Được thi đấu thường xuyên tại V-League, bộ đôi của HAGL dần lấy lại phong độ tốt nhất.
Có 3 lần tin đồn HLV Miura rộ lên trong gần 2 năm qua. Lần đầu tiên là với CLB Bangkok Glass. Chính nhà cầm quân này thừa nhận 2 bên có liên hệ với nhau. Tuy nhiên, ông không muốn rời Nhật Bản nên cuối cùng cuộc đàm phán thất bại.
Một lần khác, chiến lược gia 54 tuổi bất ngờ xuất hiện tại Việt Nam khiến nhiều CĐV tin rằng ông sắp cầm quân tại V-League. Tuy nhiên, lần đó HLV Miura chỉ đến dự một sự kiện bóng đá và nhanh chóng trở về Nhật.
Gần đây nhất, cái tên Miura được đưa vào danh sách 10 ứng cử viên cho chiếc ghế bỏ trống của CLB Sanfrecce Hiroshima. Tờ Soccer Players (Nhật Bản) đánh giá ông là người thành thạo lối đá phòng ngự và có thể kéo đội bóng khỏi top cuối bảng. Đáng tiếc cuối cùng Sanfrecce Hiroshima lại đặt niềm tin vào HLV Jan Jönsson từ Thụy Điển.
HLV Miura vẫn chưa trở lại băng ghế huấn luyện kể từ sau khi chia tay ĐT Việt Nam.
Chưa bén duyên lại với nghề cầm quân, nhưng HLV Miura khá thành công với nghiệp bình luận. Ngoài sở trường Serie A và La Liga, ông còn xuất hiện cả trong các trận đấu Premier League và ĐTQG. Nếu có dịp xem bóng đá qua hệ thống truyền hình tại Nhật, bạn có thể bắt gặp giọng bình luận của HLV Miura.
Khi U20 Việt Nam thi đấu tại U20 World Cup, tờ Football Channel phiên bản tiếng Nhật đã gọi HLV Hoàng Anh Tuấn là người kế tục tinh thần của HLV Miura với lối chơi chú trọng sức mạnh, tốc độ và thiên về tập thể hơn là các cá nhân.