Quyền lực Zlatan (kỳ 1): Người Thụy Điển cũng căm ghét Ibra

Đỗ Hiếu |

Trên đời này khó có cầu thủ nào tạo ra nhiều quan điểm trái chiều như Zlatan Ibrahimovic.

HLV đội tuyển Cộng hòa Ireland Martin O’Neill gọi anh là "cầu thủ bị đánh giá vượt quá tài năng thực". Năm 2014, Jose Mourinho gọi anh là "Một trong 3 cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh".

HLV cũ của anh ở PSG, Laurent Blanc, có lần mô tả anh là một trong những thủ lĩnh của đội bóng. Nhưng sự nghiệp Ibra lại đầy rẫy những vụ ẩu đả với đồng đội và… HLV.

Zlatan đã vô địch quốc gia 13 lần với 6 CLB khác nhau, nhưng một số vẫn cho rằng anh chỉ giỏi bắt nạt những đội yếu. Anh từng là đội trưởng tuyển quốc gia Thụy Điển và là biểu tượng của đất nước, nhưng vẫn có người hỏi liệu anh có thật là người Thụy Điển hay không?

Quyền lực Zlatan (kỳ 1): Người Thụy Điển cũng căm ghét Ibra - Ảnh 1.

Mười lăm năm trong ánh đèn soi xét, thế giới vẫn chưa thật sự hiểu hết điều gì đã làm nên Zlatan. Để hiểu được con người đầy những phức tạp và đối lập này, bạn phải đi đến điểm bắt đầu.

Chưa đá xong ở Malmo, đã định tới Inter

Rune Smith là một nhà báo đã về hưu,người đầu tiên chứng kiến Ibra bùng nổ trên sân tập của FF Malmo, đội bóng lớn nhất địa phương.

"Hasse Borg (cựu cầu thủ và HLV người Thụy Điển sinh năm 1953 - ND) đã gọi cho tôi và bảo tôi phải đến sân tập ngay để chứng kiến cái điều anh ta chưa bao giờ thấy. Nó là ma thuật", Smith nói với Bleacher Report.

Lúc đó làm Giám đốc thể thao, Borg lặng người trước màn trình diễn của cậu bé tuổi teen trong cuộc đấu với đội hình chính trên sân. Smith cho đó là khoảnh khắc đặc biệt. Hầu hết số nhà báo địa phương đã gắn bó với cái sân bóng này cả đời, theo sát đội cả sự nghiệp, nhưng cũng chưa bao giờ thấy một tài năng thô kiểu Ibrahimovic.

"Cậu ta tuyệt lắm", Smith nhớ lại, "cậu ta thống trị buổi tập. Toàn bộ số cầu thủ lớn tuổi hơn tức điên lên vì không lấy được bóng trong chân cậu ta.

Tôi thường gọi cậu chàng này là Người khổng lồ xanh (Hulk). Nhưng mặc dù cao đến 1m92 thì cậu ấy vẫn rất kĩ thuật. Tốc độ bàn chân nhanh khiếp, cực khéo, so với cái cỡ bàn chân ấy… Đơn giản là không thể tin nổi".

Quyền lực Zlatan (kỳ 1): Người Thụy Điển cũng căm ghét Ibra - Ảnh 2.

Đường đến Rosengard, nơi Ibrahimovic sinh trưởng.

Smith sắp xếp được một cuộc phỏng vấn với cậu nhóc khổng lồ. Bài báo xuất bản trên tờ Kvallsporten ngày 28 tháng 2 năm 2000 đã là một lời tiên tri. Mùa trước đó, lần đầu tiên sau 64 năm Malmo FF tụt khỏi giải chuyên nghiệp Thụy Điển. Đó là một nỗi đau cần liều thuốc đặc biệt. Địa phương cần một người hùng.

Và đó là thời điểm hoàn hảo để Ibrahimovic "ra đời", năm đó 19 tuổi nhưng đã đá ở đội hình chính. Việc đội bị xuống hạng cũng giúp anh có 1 năm thi đấu ở trình độ hạng dưới, đồng nghĩa có nhiều thời gian rèn giũa.

Tháng 2 năm đó, trước khi mùa giải bắt đầu, Ibrahmovic-trẻ đã trả lời cuộc phỏng vấn của Smith rằng Malmo sẽ vô địch giải hạng 2 Thụy Điển, trước khi anh sang Inter đá 3 mùa. Ibra đi chệch một chút: Malmo đã thăng hạng ngay mùa đó nhưng chỉ xếp thứ 2. Và Ibra phải mất tới 4 năm để bắt đầu cuộc phiêu lưu tại Inter, qua 2 CLB của 2 quốc gia khác.

"Zlatan-mania" ở Malmo

Mùa giải của Malmo vừa bắt đầu chưa lâu, Zlatan-mania (Hiệu ứng cuồng Zlatan) đã phủ khắp Malmo. Anh không ghi quá nhiều bàn thắng, nhưng anh thích xử lý bóng kiểu phi thường. Làn sóng Ibra nhanh chóng lan ra toàn quốc, cho dù vào thời điểm đó, vẫn nhiều hoài nghi lắm về một thằng nhóc lêu nghêu được gọi là wonderkid.

Daniel Kristoffersson là một nhà báo viết mục góc nhìn của tờ Expressen, một trong những báo hàng đầu Thụy Điển, nhớ lại lần đầu tiên nghe nói về Ibra. "Đó là lúc cậu ta vừa đến Malmo, và lập tức tôi đã nghe phong thanh danh tiếng Zlatan, người ta bảo thằng nhóc đấy khéo lắm, đáng xem lắm, rất bướng và vĩ cuồng".

Quyền lực Zlatan (kỳ 1): Người Thụy Điển cũng căm ghét Ibra - Ảnh 3.

Danh tiếng của Zlatan ở Malmo tăng mạnh ở mùa tiếp theo, nhưng khi nó lan ra khắp Thụy Điển thì đấy lại là câu chuyện khác. Bởi vì câu chuyện về một thằng cu ở khu ổ chuột Rosengard bỗng chốc giàu có khiến người ta phải nhìn với ánh mắt nghi ngờ.

"Ở Malmo và các khu vực lân cận, Ibra siêu nổi tiếng. Người ta yêu cậu ấy, bảo rằng Ibra sẽ làm được những điều lớn lao. Nhưng tại những nơi khác, rất nhiều người cực ghét Ibra. CĐV đối lập la ó…

Người Malmo yêu Ibra, nhưng người Gothenburg và Stockholm bảo Zlatan chỉ là thằng trẻ trâu khó bảo chẳng có ý nghĩa quái gì", Kristoffersson kể lại.

Phản ứng kiểu đó ở những nơi khác thì hơi lạ, nhưng tại vùng Scandinavia, họ biết một hiện tượng xã hội gọi là "Luật Jante".

Ibra qua lăng kính Jante

"Luật Jante" về các quy tắc cư xử xuất hiện trong tiểu thuyết "A Fugitive Crosses His Tracks" năm 1933 của nhà văn Aksel Sandemose. Có 10 điều luật, đầu tiên là "Bạn không được nghĩ bạn đặc biệt", thứ hai là "Bạn không được nghĩ bạn hay ho hơn người khác" và thứ ba "Bạn không được nghĩ mình thông minh hơn người khác"…

Sandemose cho rằng "Luật Jante" trong tiểu thuyết của ông giúp kiềm chế những thói xấu của con người. Nó dần trở thành nỗi ám ảnh với xã hội Scandinavia. Hãy cứ tự hào với thành công của anh, nhưng đừng khoe khoang thái quá.

Phải thừa nhận rằng chàng trai Ibrahimovic không thể làm theo điều luật này.

"Mọi người cho rằng cậu ta không nên tới đây rồi nói rằng cái gì mình cũng giỏi. Họ không ưa một cầu thủ trẻ láo xược nói rằng đội bóng sẽ thăng hạng liên tiếp rồi cậu ấy ra đi".

Không chỉ không tuân theo "Luật Jante", Ibra còn công khai chống lại nó. Trong cuốn tự truyện "Tôi là Zlatan", Ibra gọi những gì anh làm là "Luật Zlatan".

Quyền lực Zlatan (kỳ 1): Người Thụy Điển cũng căm ghét Ibra - Ảnh 4.

Vừa ra mắt Man United, Ibra đã tạo ra Zlatan-mania.

Anh viết: "Tôi muốn là thằng nói được làm được. Tôi không chỉ biết nói "Tao là người giỏi nhất, mày là thằng chó nào?", dĩ nhiên không, trẻ con lắm, nhưng tôi cũng không thể chỉ làm mà không nói như những ngôi sao Thụy Điển.

Tôi muốn làm người giỏi nhất, vĩ cuồng nhất. Tôi không muốn làm kiểu sao truyền thống. Trời ạ, tôi đến từ Rosengard cơ mà".

Những năm đầu sự nghiệp, báo chí Thụy Điển tận dụng mọi cơ hội "đánh tới tấp" cái mác Rosengard của Ibra. Một nghiên cứu học thuật cho thấy rằng, từ khóa Rosengard chiếm 17% tổng số bài báo về Ibrahimvic trong suốt giai đoạn từ 2001 đến 2003.

Cựu tiền vệ Lyon Kim Kallstrom, cũng là con ngựa bất kham khác trong giai đoạn này, nhưng sinh trưởng tại Partille. Đó là thị trấn ngoại ô Gothenburg, và cũng theo nghiên cứu trên, quê Kallstrom chỉ xuất hiện 8% trong các bài báo về anh.

Những tài năng có cái nhãn "Rosengard" trên trán luôn gặp nhiều khó khăn hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại