“Nhật báo Phương Đông” cho biết thành phố Detroit từng là “kinh đô xe hơi” của Mỹ và thế giới, khi cực thịnh còn vượt cả New York. Nhưng cùng với sự xuống dốc của ngành công nghiệp xe hơi và trải qua một quá trình đi từ thịnh tới suy, những bài học mà Detroit để lại rất nhiều.
Một thành phố công nghiệp hóa nếu không vươn lên, không bắt được với nhịp phát triển của thời đại và lựa chọn cho mình hướng đi có thể tạo ra sự thay đổi lớn và phát triển bền vững thì sớm hay muộn cũng sẽ bị thời đại đào thải.
Từ một đô thị phồn vinh trở nên đìu hiu, bi kịch của thành phố Detroit đáng để Trung Quốc cảnh giác, chứ không phải để cười trên nỗi đau của người khác. Trên thực tế, Trung Quốc cũng có nhiều thành phố tương tự Detroit, bao gồm các căn cứ công nghiệp cũ như Phụ Tân, Yên Sơn và Phủ Thuận thuộc tỉnh Liêu Ninh…
Ở đó, tài nguyên cạn kiệt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế khó khăn. Nếu không là vấn đề thể chế chính trị, các thành phố đó đã phá sản từ sớm. Kỳ thực, nền tảng thực tế của tuyệt đại đa số thành phố của Trung Quốc còn kém rất xa so với Detroit, nơi mà ngành công nghiệp đã có hơn 100 năm lịch sử.
Trong 10 năm lại đây, tuyệt đại đa số thành phố ở Trung Quốc phải dựa vào tài chính đất đai, hoặc là bán đất làm bất động sản, hoặc là xây dựng các loại cơ sở hạ tầng trên nền đất đai. Hiện nay, các thành phố này đang trong tình trạng nợ cao như núi, ăn lạm cả vào tương lai. Mới đây, có cơ quan truyền thông đã tiết lộ nợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã vượt qua mức 10.000 tỷ nhân dân tệ (NDT), rất nhiều địa phương đến việc phát lương cũng gặp khó khăn, sớm bước đến bờ vực của phá sản.
Theo “Nhật báo Phương Đông”, trong lịch sử nhân loại chưa từng có phong trào xây dựng thành phố nào có quy mô lớn như ở Trung Quốc ngày nay. Có nơi mấy năm trước vẫn là chỗ không bóng người, nhưng lại được quy hoạch xây dựng thành phố với quy mô cả triệu người.
Lúc thịnh, bình quân mỗi mét vuông đất ở quận Khang Ba Thập thuộc thành phố Ngạc Nhĩ Đa Tư, Khu tự trị Nội Mông có giá hơn 20.000 NDT, nhưng giờ chỉ còn 3.000 NDT, nghĩa là giảm tới 85%. Điều đáng nói là những nơi biến thành “thành phố ma” (gần như không có người ở) tương tự như Khang Ba Thập ở Trung Quốc rất nhiều, từ Uy Hải, Nhũ Sơn thuộc tỉnh Sơn Đông tới Tân Hải thuộc thành phố Thiên Tân, Ngoại Hoàn ở Thượng Hải, Tây Thành ở Hàng Châu…
Tới nay, không ai có thể thống kê được ở Trung Quốc rốt cuộc có bao nhiêu “thành phố ma” và có bao nhiêu thành phố mà tiền có không đủ để trả nợ. Trong một thể chế thống nhất, chính quyền trung ương đương nhiên sẽ không ngồi đó mà nhìn chính quyền địa phương phá sản, sẽ ra tay cứu trợ vào thời khắc then chốt. Nếu chính quyền các cấp ở Trung Quốc không nhanh chóng từ bỏ cách làm kiểu tiếp tục “cất cao tiếng hát đi tới”, túi tiền của chính quyền trung ương sẽ có ngày cạn kiệt. Khi đó, những phiên bản Detroit của Trung Quốc sẽ không ngừng xuất hiện.
“Nhật báo Phương Đông” kết luận rằng việc xây dựng thành phố là để người dân sinh sống. Người dân sinh sống hạnh phúc, có hy vọng thì thành phố mới có sức sống, có viễn cảnh, mới phát triển bền vững. Nhưng sự phát triển của các thành phố ở Trung Quốc lại biến thành con đường thăng quan tiến chức của các quan chức nước này. Đằng sau ánh hào quang bề ngoài của sự phát triển là nền tài chính bị thấu chi. Con đường đi từ thịnh tới suy của thành phố Detroit ở Mỹ đối với Trung Quốc không phải là cái gì đó xa xôi.
Năm xưa, khi Detroit trỗi dậy, có ai đã nghĩ rằng tới ngày hôm nay Detroit phá sản? Sự phát triển thành phố ở Trung Quốc nên chăng cũng cần phải suy tính và lo lắng tới chuyện nguy hiểm trong tương lai?.