Thực tế, guồng quay của xã hội hiện đại mang đến những hệ quả "dễ thấy", đó là dư thừa về vật chất và áp lực. Điều này tạo ra việc "mất cân bằng" và cảm giác "không biết thế nào là đủ". Phương pháp "Life detox" (thanh lọc cuộc sống) vì thế cũng ra đời như cách thức để chữa lành những vết thương tâm hồn, hay chính là động lực để cân bằng cán cân cuộc sống, kéo gọn góc lệch mà những điều tiêu cực dù ít dù nhiều đã gây nên.
Một trong những cách thức thanh lọc cuộc sống thường được nhắc tới là "quét gọn những dư thừa". Vậy những "dư thừa" đó là gì và làm thế nào để bắt đầu hành trình dọn dẹp cuộc sống?
Định nghĩa cơ bản của "dư thừa" là những đồ vật, sự vật, sự việc hay cảm xúc không cần thiết hoặc nhiều trên mức cần thiết, không giữ vai trò quan trọng và không tác động tích cực tới tâm trí của chủ thể.
Tiêu biểu, với dư thừa hữu hình, việc các trung tâm mua sắm liên tiếp ra đời, thương mại điện tử phát triển ồ ạt dễ dàng kích thích các hoạt động mua sắm; tất yếu sẽ có những đồ dùng mua về và chỉ để đó. Tuy nhiên, quyết định "vứt đi" sẽ luôn tốn nhiều thời gian hơn một cú click chuột hay việc chi tiền. Ví dụ dễ nhận thấy là những món đồ "săn sale" quá tay mà chủ nhân không chắc có dịp để dùng, là quần áo chưa cắt mác bị "bỏ quên" trong góc tủ hay đơn giản hơn là những chai nước sắp xếp không theo trật tự trong tủ lạnh chỉ chờ đến ngày hết hạn…Tâm lý thông thường của chủ nhân là giữ lại đồ đạc với hi vọng một ngày nào đó trong tương lai sẽ sử dụng chúng - dù điều này trên thực tế có thể là không khả thi. Theo quy tắc dọn nhà "spark joy" của Marie Kondo, yếu tố quan trọng nhất để phân loại những đồ vật cần thiết và những đồ vật dư thừa, đó chính là cảm xúc. Theo đó, khi chạm vào đồ vật nào gợi cảm giác hạnh phúc, đó là món đồ nên giữ lại; nếu ngược lại, hãy loại bỏ. Bằng cách phân loại này, tất cả những đồ vật không mang theo giá trị cảm xúc tích cực đều cần xử lý, để tạo thêm không gian sống.
Bên cạnh những dư thừa hữu hình, có những dư thừa "khó chỉ mặt đặt tên" hơn, đó là những thứ vô hình ngày ngày được nạp thêm vào tâm trí. Chúng chiếm "không gian" trong cuộc sống vốn đã bộn bề, như những dự định đặt ra nhưng không có kế hoạch thực hiện, những cảm xúc tiêu cực không tạo động lực cho bản thân; những mối quan hệ nếu duy trì cũng không mang lại niềm vui hay hạnh phúc…
Đặc biệt, trong thời đại số, những dư thừa vô hình dường như tỉ lệ thuận với tốc độ phát triển của internet và mạng xã hội, khiến nhiều người phải sống 2 cuộc đời thực - ảo. Bạo lực mạng, tâm lý sợ bỏ lỡ (FOMO), áp lực phải "đẹp", "sang chảnh" trên Facebook hay Instagram dần dần "bào mòn" giá trị thật trong cuộc sống, để mọi thứ trở nên nặng nề hơn bản chất vốn có.
Trong tâm lý học tồn tại một công thức cho cuộc sống hạnh phúc, đó là hoàn cảnh và thói quen quyết định tới 50% mức độ "an lạc tự thân". Hoàn cảnh — bao gồm cả thuận lợi lẫn bất lợi, xuất hiện vào bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời. Tuy hoàn cảnh đóng vai trò lớn nhưng không quá quan trọng, bởi vì ảnh hưởng của hoàn cảnh không kéo dài quá lâu. Thói quen khi đó trở thành yếu tố chính, quyết định sự bình an bên trong của mỗi người. Đưa việc "quét" gọn những dư thừa trở thành thói quen là bước cơ bản để tiến tới hạnh phúc.
Tối giản "chân chính" sẽ bắt đầu từ việc quét dọn những dư thừa hữu hình. Nếu chưa biết khởi động từ đâu, hãy tham khảo phương pháp KonMari. Không phải ngẫu nhiên chương trình "Dọn Dẹp Cùng Marie Kondo" trở thành show truyền hình nổi tiếng khắp thế giới, hay cuốn sách cùng tên "cháy hàng" trên nhiều kệ best seller. Phương pháp này tập trung vào niềm vui, mọi trải nghiệm trong quá trình dọn dẹp đều tích cực. Có hai bước cần lưu ý nhất, đó là loại bỏ và phân loại. Khi cầm lên một đồ vật, nếu không cảm nhận được niềm vui thì đồ vật đó không nên giữ lại. Một số cách thức phân loại có thể khơi gợi nhiều niềm vui hơn hẳn phương pháp thông thường, ví dụ sắp xếp quần áo theo các dải màu giống nhau, treo quần áo trong tủ theo kích cỡ tăng giảm - dài nhất bên trái, ngắn nhất bên phải… Trong cuốn sách của mình, Marie Kondo cũng nhấn mạnh vào những lợi ích ấn tượng bên ngoài phạm trù dọn dẹp đơn thuần, ví dụ cơ thể thanh mảnh hơn, da sáng hơn, tinh thần thư thái. Mỗi người học cách đối diện với những lo lắng trong quá khứ và tương lai, và đây mới là lúc cuộc sống thực sự bắt đầu.
Bản chất của việc dọn dẹp là cả một quá trình, và hạnh phúc sẽ đến từ quá trình đó. Vì vậy, mỗi cá nhân không nên kỳ vọng vào việc phải hoàn thành nhanh chóng công cuộc này. Hãy hình thành thói quen duy trì đều đặn hàng tháng, đảm bảo những dư thừa "mới sinh ra" sớm được loại bỏ, cũng là tái tạo năng lượng cho bản thân, bởi không gian sống chính là phản chiếu nội tâm con người. Quan trọng nhất, hãy suy nghĩ kĩ trước khi "xuống tiền" mua một đồ vật mới, để đảm bảo không gian sống luôn gọn gàng và không bị chất đầy thêm.
Không chỉ với những dư thừa hữu hình, những dư thừa vô hình cũng cần được loại bỏ để thanh lọc tinh thần. Trước hết, việc tập thể dục thường xuyên là hoạt động tốt cho cả thể chất và tinh thần, giúp rèn luyện sức khỏe và cải thiện tâm trạng. Ngay cả tập thể dục nhẹ nhàng cũng tạo ra sự gia tăng hạnh phúc. Những người hoạt động thể chất ít nhất 10 phút mỗi ngày hoặc chỉ tập thể dục một đến hai lần một tuần có mức độ hạnh phúc cao hơn những người không bao giờ tập thể dục.
Bên cạnh đó, với những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, thay vì cố gắng tạo áp lực lên não bộ để loại bỏ, tiến sĩ Quinney Chan Kwan-nap, chuyên gia tâm thần học tại Hong Kong đánh giá, đó là điều bình thường. Bản thân mỗi người chỉ cần kiểm soát để tâm trạng không bị chùng xuống, bằng cách nghĩ xem liệu suy nghĩ tiêu cực đó có thể đang hướng ta đến điều gì hay không? Nó có phải đang báo hiệu cho ta về những rủi ro cần tránh không? Ta có cần chuẩn bị gì cho thử thách đang chờ phía trước? Đặt điều tiêu cực dưới góc nhìn tích cực là khuynh hướng hợp lý để xử trí với những cảm xúc này.
Trong xã hội hiện đại, tâm lý con người cũng bị tác động mạnh từ những hoạt động dư thừa. Việc cần làm là hãy chậm lại, dành thời gian để lên kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động, tìm cách tối giản hướng giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Tiết chế những hành động như mua sắm để cho vui chứ không phục vụ nhu cầu thực sự, mua vì ta thích, ta muốn chứ không phải ta cần; kiểm soát những hoạt động dư thừa ngốn thời gian mà không đem lại giá trị thực cho cuộc sống như dành hàng giờ lội comment, hóng hớt trong một nhóm antifan, đắm chìm vào những tranh luận vô bổ. Rời bỏ smart phone một khoảng thời gian trong ngày là cách thức đúng đắn, vì thực tế cho thấy, có vô vàn rắc rối sản sinh từ màn hình điện thoại nếu bản thân mất kiểm soát với hoạt động trực tuyến, có thể kể đến như rối bời thông tin, chi tiêu quá tay, áp lực đồng trang lứa,…
Việc loại bỏ dư thừa cũng nên áp dụng trong lĩnh vực tài chính – vấn đề xương sống của mỗi người. "Quét" đi những rủi ro nhập sai thông tin tài khoản và ngân hàng thụ hưởng, "quét" cả những rắc rối khi quên ví tiền hay thẻ, quét QR trở thành phương thức được ưa chuộng của người dùng hiện nay. Không chỉ chuyển khoản, thanh toán nhanh chóng, dễ dàng, cách thức này còn cho phép các cá nhân kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu khi lịch sử giao dịch được lưu trữ chính xác đến từng giây, giúp tinh giản việc ghi chép các khoản tiền ra vào mỗi ngày.
Bên cạnh sự tiện lợi, người dùng còn có cơ hội nhận được nhiều phần quà thiết thực khi tham gia chương trình khuyến mãi "Tài chính Easy – Săn quà tiền tỷ" của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). Theo đó, với mỗi giao dịch chuyển khoản, nhận tiền thông qua mã QR và thanh toán hóa đơn (điện, nước, điện thoại, nạp VETC,...) trên ứng dụng MSB mBank theo điều khoản, điều kiện cụ thể, khách hàng MSB sẽ nhận được 1 lượt chơi xác định trúng thưởng giải ngày trị giá từ 20.000 - 100.000 VND và 1 mã tham gia quay thưởng với giải đặc biệt là ô tô Mercedes C200 Avantgarde trị giá 1,5 tỷ đồng, 32 điện thoại iPhone 15 128GB,…Tổng trị giá giải thưởng lên tới hơn 7 tỷ đồng.
Loại bỏ những thứ không quan trọng sẽ mang đến cho cuộc sống thêm nhiều không gian và thời gian để mỗi người có thể dễ dàng đối thoại với chính bản thân mình. Cố CEO của Apple, tín đồ của chủ nghĩa tối giản, Steve Jobs cho rằng: "Đơn giản có thể khó khăn hơn là phức tạp: Bạn phải nỗ lực thật nhiều trong việc giữ suy nghĩ gọn gàng để đạt được tới sự đơn giản. Nhưng cuối cùng nỗ lực đó đáng giá bởi một khi bạn tới được đó, bạn có thể di chuyển được cả núi non". Bởi lẽ, khi quét dọn hết mọi dư thừa trong cuộc sống, khi tâm trí đã gọn gàng và thông suốt, mỗi người đều có thể tận hưởng được trọn vẹn những niềm vui và nhận thức rõ ràng rằng, hạnh phúc chính là ngay lúc này.