Bài học của Hà Nội FC
Những ngày qua, tương lai của Quang Hải đang nhận được sự quan tâm lớn của người hâm mộ. Nhiều tờ báo Việt Nam thông tin, tiền vệ sinh năm 1997 sẽ chia tay Hà Nội FC do đội chủ sân Hàng Đẫy không đáp ứng được mức phí lót tay cũng như chế độ đãi ngộ ở bản hợp đồng mới.
Theo các nguồn tin, Quang Hải muốn tìm thử thách mới và điểm đến có thể là châu Âu. Tuy nhiên, Hà Nội FC vẫn chưa có thông tin chính thức nào nói đến tương lai của Quang Hải nên hợp đồng hiện tại vẫn được duy trì tới tháng 4/2022.
Bỏ qua vấn đề tiền bạc, nếu như Hà Nội FC không gia hạn thành công với Quang Hải và mất trắng tiền vệ này thì đây là điều đáng buồn của đội bóng 5 lần vô địch V-League. Nó làm giảm uy tín của đội bóng Thủ đô, khi không thể giữ chân ngôi sao số 1 của câu lạc bộ.
Nói như HLV Park Hang Seo, ở Việt Nam không có ai thi đấu tốt hơn Quang Hải ở vị trí này thì sức mạnh của Hà Nội FC đương nhiên sẽ bị suy giảm, khi tiền vệ sinh năm 1997 dứt áo ra đi.
Nếu điều này thành sự thật, Hà Nội FC chỉ còn biết tự trách mình vì họ quá trậm trễ trong việc gia hạn hợp đồng với Hải. Ở những nền bóng đá lớn trên thế giới, hợp đồng của các cầu thủ, đặc biệt là những ngôi sao của đội thì được đàm phán, gia hạn trước 1 hoặc 2 năm khi hợp đồng cũ hết hạn. Điều này vừa giúp các cầu thủ yên tâm thi đấu, đồng thời đội bóng không sợ những câu lạc bộ khác “đi đêm” với cầu thủ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, công tác chuyển nhượng và gia hạn hợp đồng vẫn theo hình thức “nước đến chân mới nhảy” nên khi rơi vào tình huống bị động thì không kịp trở tay. Quang Hải là ngôi sao hàng đầu của Việt Nam, được nhiều đội bóng theo đuổi nên việc Hà Nội FC để cận kề khi hợp đồng hết hạn mới đàm phán gia hạn đã tạo điều kiện cho những CLB khác nhòm ngó, đặt điều kiện.
Ở trường hợp này, dù Hà Nội FC có gia hạn thành công hay mất trắng Quang Hải thì bản thân đội chủ sân Hàng Đẫy cũng như các đội bóng khác ở Việt Nam đã nhận ra được những bài học lớn về công tác chuyển nhượng.
Và nghịch lý của bóng đá Việt Nam
Trước thông tin Quang Hải có thể ra nước ngoài chơi bóng, phóng viên đã hỏi HLV Park Hang Seo rằng, điều này có ảnh hưởng đến ĐT Việt Nam không, nhà cầm quân người Hàn khẳng định: “Đương nhiên là có ảnh hưởng chứ. Chúng ta làm gì có cầu thủ tấn công nào xuất sắc hơn Quang Hải. Tôi nghĩ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần có những tham vấn, đưa các nội dung (liên quan tới việc thi đấu cho các cấp độ ĐT Việt Nam) vào hợp đồng tới của Quang Hải. Tuy nhiên, đó sẽ là việc của VFF chứ không phải của tôi”.
Trên quan điểm của một nhà cầm quân, HLV Park Hang Seo muốn ĐT Việt Nam có lực lượng mạnh nhất, thi đấu tốt nhất để có thành tích ấn tượng nhất nên những phát biểu của nhà cầm quân người Hàn là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Trước đó, Văn Hậu khi chơi bóng ở Hà Lan cũng được HLV Park Hang Seo triệu tập về thi đấu ở SEA Games.
Tuy nhiên, nếu đứng ở góc độ khác, có góc nhìn bao quát hơn thì những phát biểu của thầy Park đang chỉ ra nhiều điểm bất cập và căn bệnh thành tích của bóng đá Việt Nam ở sân chơi Đông Nam Á, vốn được coi là ao làng.
Từ trước đến nay, khu vực Đông Nam Á tổ chức SEA Games hay các giải vô địch Đông Nam Á đều không theo lịch của Liên đoàn Bóng đá Thế giới. Do đó, nếu không phải FIFA days thì các CLB không có nghĩa vụ trả người cho ĐTQG.
Bởi vậy, HLV Park mới lo sợ, nếu Quang Hải chơi bóng ở nước ngoài, khi ĐT Việt Nam đá AFF Cup 2022 sẽ khó mà có sự phục vụ của anh. Đó là lý do mà nhà cầm quân này muốn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tác động.
Vì bất cứ lý do nào thì việc lo cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng mà sợ suy yếu đội tuyển quốc gia thì đang đi ngược với tiến trình của sự phát triển. Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran hay Australia không ngẫu nhiên mà họ là những cường quốc ở bóng đá châu lục.
Để khẳng định vị thế trên bản đồ bóng đá thế giới, những quốc gia này đã có những lò đào tạo chất lượng cao, sân vận động, cơ sở vật chất tốt, giải vô địch quốc gia mạnh và nhiều cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang hô hào, đặt mục tiêu lọt vào VCK World Cup môn bóng đá nam, nhưng cơ sở vật chất hạn chế, chất lượng sân cỏ không được tốt, chất lượng các giải bóng đá chuyên nghiệp có phát triển, nhưng khá chậm. Chưa kể, chúng ta có rất ít cầu thủ được ra nước ngoài thi đấu bằng chính năng lực của mình.
Nếu như Quang Hải được ra nước ngoài chơi bóng mà không được về tập trung ĐTQG ở những ngày không phải FIFA days thì đó là điều nên mừng hơn là lo. Bởi đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần thay đổi tư duy để chuyên nghiệp hơn.
Sân chơi V-League nên thay đổi thời gian tổ chức theo các giải đấu lớn để phù hợp với kế hoạch và guồng quay chung của bóng đá châu lục, thế giới. ĐT Việt Nam hay các giải trẻ trước khi tham dự các giải đấu lớn không nhất thiết phải tập trung quá dài.
Việc các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nghỉ tới 3 tháng chỉ để phục vụ cho những mục tiêu như SEA Games 31 là không phù hợp với tiến trình phát triển của ĐTQG nếu không muốn nói là thiếu chuyên nghiệp. Đó là những nghịch lý đang tồn tại ở bóng đá Việt Nam./.